Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 3-4
Trung Quốc bỏ tù một người đàn ông nói dối về lịch sử đi lại. Nhóm nghiên cứu Mỹ cho rằng phong tỏa sáu tuần mới có thể kiểm soát được COVID-19.
Tính đến 18 giờ 46 phút ngày 3-4, trang web thống kê WorldOmeter cho biết tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 (dịch COVID-19) gây ra là 54.229. Tổng số ca nhiễm là 1.030.642. Tổng số ca hồi phục là 220.011.
Như vậy, so với trưa cùng ngày, số ca tử vong tăng 988, số ca nhiễm tăng 14.038.
Hiện Ý vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới với 13.915 ca. Theo sau là Tây Ban Nha với 10.935 ca, Mỹ với 6.098 ca, Pháp với 5.387 ca, Trung Quốc với 3.322 ca, Iran với 3.294 ca, Anh với 2.921 ca, Hà Lan với 1.339 ca, Bỉ với 1.143 ca.
Ngoài ra, các nước có số ca tử vong ba con số gồm: Thụy Sĩ (573), Thổ Nhĩ Kỳ (356), Brazil (327), Thụy Điển (308), Bồ Đào Nha (209), Indonesia (181), Hàn Quốc (174), Canada (173), Áo (168), Đan Mạch (139), Philippines (136), Ecuador (120), Romania (116).
10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới gồm: Mỹ (245.442), Tây Ban Nha (117.710), Ý (115.242), Đức (85.063), Trung Quốc (81.063), Pháp (59.105), Iran (53.183), Anh (33.718), Thụy Sĩ (19.303), Thổ Nhĩ Kỳ (18.135).
Indonesia: Tăng kỷ lục 196 ca nhiễm một ngày
Indonesia ngày 3-4 thông báo thêm 196 ca nhiễm COVID-19, đánh dấu mức tăng ca nhiễm lớn nhất trong một ngày kể từ khi nước này ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên cách đây một tháng, Achmad Yurianto - một quan chức y tế Indonesia, cho biết.
Theo ông Yurianto, tổng số ca nhiễm tại Indonesia hiện nay là 1.986.
Indonesia cũng ghi nhận 11 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 181. Có 134 bệnh nhân hồi phục.
Philippines ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất trong một ngày
Bộ Y tế Philippines ngày 3-4 báo cáo 29 ca tử vong mới - mức tăng ca tử vong lớn nhất trong một ngày kể từ đầu dịch. Nước này cũng ghi nhận 385 ca nhiễm mới. Các con số này nâng tổng số người tử vong và nhiễm tại Philippines lên thành 136 và 3.018.
Thái Lan: Thêm 103 ca nhiễm, bốn ca tử vong
Một quan chức y tế Thái Lan ngày 3-4 cho biết nước ngày ghi nhận thêm 103 ca nhiễm COVID-19 và bốn ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên thành 1.978 và 19.
Lệnh giới nghiêm kéo dài 6 giờ tại Thái Lan sẽ bắt đầu vào ngày 3-4. Lệnh giới nghiêm cấm mọi người ra khỏi nhà từ 10 giờ tối tới 4 giờ sáng. Nếu ai vi phạm sẽ đối mặt với án tù tối đa hai năm.
Singapore ra biện pháp mới ngăn COVID-19 lây lan
Singapore ngày 3-4 đã công bố các biện pháp mới để chống dịch COVID-19, trong đó có việc đóng cửa các trường học từ ngày 8-4 và hầu hết nơi làm việc từ ngày 7-4.
Đây là những biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có của nước này nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan. Những địa điểm bán thực phẩm như chợ, siêu thị và các bệnh viện, dịch vụ ngân hàng vẫn hoạt động.
Đến nay, Singapore ghi nhận năm ca tử vong trong tổng số 1114 ca nhiễm COVID-19. Tổng cộng 249 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này.
Tây Ban Nha: Gần 11.000 ca tử vong
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 3-4 thông báo thêm 932 người chết tại nước này, nâng tổng số tử vong tại đây lên 10.935 ca.
Tổng số ca nhiễm được phát hiện tại Tây Ban Nha đến nay đã lên đến 117.710 trường hợp.
Tây Ban Nha cũng báo cáo 30.513 người đã hồi phục.
Trung Quốc bỏ tù một người đàn ông nói dối về lịch sử đi lại
Nhà chức trách Trung Quốc đã kết án một người đàn ông 18 tháng tù sau khi ông này bị kết tội nói dối về việc đi du lịch tới miền Bắc nước Ý, nơi có hàng ngàn người nhiễm COVID-19.
Người đàn ông họ Guo 29 tuổi này bay từ Bắc Kinh (Trung Quốc) tới Milan (Ý) hôm 1-3 và trở về Trung Quốc hôm 7-3, theo Bộ Công an Trung Quốc.
Người này đi tàu lửa về nhà ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam trong cùng ngày hôm đó và sau đó đi tàu điện ngầm đi làm vào ngày 8 và 9-3.
Cảnh sát địa phương rất nhanh đã phát hiện ra lịch sử đi lại của ông Guo. Hôm 11-3, ông Guo bị buộc tội cản trở ngăn ngừa dịch bệnh.
Ông Guo cũng được xác nhận nhiễm COVID-19 và hơn 40 người tiếp xúc gần với người này đã được cách ly.
Nhóm nghiên cứu Mỹ: Phong tỏa sáu tuần mới có thể kiểm soát được COVID-19
Theo báo South China Morning Post (SCMP), các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng các cộng đồng dân cư trên toàn thế giới phải chịu đựng các biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong hơn sáu tuần trước khi có thể kiểm soát dịch COVID-19 trong khu vực của họ.
Theo nghiên cứu được công bố trong tuần này trên SSRN - một tạp chí mã nguồn mở dành cho các nghiên cứu giai đoạn đầu, các quốc gia đang áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ có thể chứng kiến sự bùng phát dịch gần ba tuần sau khi triển khai các biện pháp này và sẽ kiểm soát được virus lây lan sau một tháng và ngăn chặn được dịch bệnh sau 45 ngày.
Các nhà nghiên cứu Mỹ định nghĩa các biện pháp can thiệp mạnh mẽ là phong tỏa, lệnh yêu cầu người dân ở yên tại nhà, xét nghiệm hàng loạt và cách ly. Với các biện pháp can thiệp ít quyết đoán hơn, quá trình trên có thể mất nhiều thời gian hơn.
"Trong trường hợp không có vaccine, thuốc đặc trị hoặc xét nghiệm hàng loạt và cách ly, thì biện pháp phong tỏa và lệnh yêu cầu người dân ở yên tại nhà sẽ cần phải kéo dài trong nhiều tháng" - nghiên cứu cho thấy.
Nhóm nghiên cứu gồm: GS Gerard Tellis của Trường Kinh doanh Marshall thuộc ĐH Nam California, trợ lý giáo sư Ashish Sood của ĐH California Reverside và Nitish Sood - sinh viên chuyên ngành tế bào và phân tử học tại ĐH Augusta.
Nhóm này đã nghiên cứu số liệu của 36 quốc gia và 50 bang của nước Mỹ để đi đến các kết luận trên.
GS Tellis nói rằng những yếu tố khác ảnh hưởng đến thời gian chống dịch bao gồm "độ rộng lớn của một đất nước, văn hóa chào hỏi (như bắt tay, hôn má), nhiệt độ, độ ẩm và vĩ độ".
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dai-dich-covid19-tinh-den-toi-34-902726.html