Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày 25/3 trên thế giới

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 25/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 125.615.148 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.759.509 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 101.399.288 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 30.709.627 ca nhiễm, trong đó có 558.460 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 12.227.179 ca nhiễm và 301.087 ca tử vong. Đứng thứ ba là Ấn Độ với 160.761 ca tử vong trong tổng số 11.794.407 ca nhiễm.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 17/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua ở mức cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Ba Lan có thêm 34.151 ca, Philippines với 8.773 ca, Mông Cổ với 285 ca. Ấn Độ có thêm 53.476 ca nhiễm mới - mức tăng theo ngày cao nhất trong 5 tháng qua trong khi Ukraine có 16.669 ca nhiễm mới - mức cao nhất trong 4 tháng qua.

Tại châu Âu, Nga thông báo nước này từ ngày 1/4 sẽ nối lại các đường bay trực tiếp tới Đức, Uzbekistan, Tajikistan, Venezuela, Syria và Sri Lanka. Ngoài ra, từ ngày 1/4, các chuyến bay đi nước ngoài từ các sân bay quốc tế Barnaul, Belgorod, Volgograd, Voronezh, Kaluga, Krasnodar, Lipetsk, Nalchik, Orenburg, Saratov, Sochi, Tyumen và Yuzhno-Sakhalinsk sẽ được nối lại.

Trong khi đó, Đức thông báo đang cân nhắc lệnh cấm tạm thời đối với một số chuyến bay ra nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các cơ quan liên quan đang tính đến khả năng cấm các chuyến bay ra nước ngoài trong dịp nghỉ lễ Phục sinh. Tuần trước, các chức trách đã dỡ bỏ lệnh cảnh báo đi lại với đảo Mallorca của Tây Ban Nha, kéo theo việc nhiều người dân Đức ồ ạt đặt tour du lịch đến đây.

Pháp quyết định đưa thêm 3 khu vực, bao gồm cả thành phố Lyon, vào danh sách những vùng thực hiện lệnh phong tỏa trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba. Theo đó, tại các vùng Rhone, Auge và Nievre, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tại phải đóng cửa, người dân buộc phải ở trong nhà, ngoại trừ những công việc cần thiết.

Trước đó, 16 vùng của Pháp, gồm khu vực Paris, đã phải thực hiện lệnh phong tỏa thứ 3 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi năm ngoái, trong khi lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt tại các khu vực còn lại của nước Pháp. Tuy nhiên, việc các trường học vẫn được phép mở cửa và người dân không cần xin giấy phép khi ra ngoài đã làm gia tăng quan ngại về tính hiệu quả của các biện pháp phòng dịch. Dự kiến, các biện pháp hạn chế mới sẽ kéo dài trong ít nhất 4 tuần.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 20/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, thủ đô Vienna của Áo và hai khu vực lân cận sẽ thực hiện lệnh phong tỏa trong dịp lễ Phục sinh nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải tại các khu điều trị tích cực khi số ca mắc mới gia tăng. Theo Bộ trưởng Y tế Áo Rudolf Anschober, tại miền Đông nước này, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ở Anh đang lây lan rất nhanh, do vậy các biện pháp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6/4 tới tại Vienna, các bang Lower Austria và Burgenland.

Người dân tại những địa phương này không được phép ra khỏi nhà, ngoại trừ để mua thực phẩm và tập thể dục. Các cửa hàng không thiết yếu và bảo tàng phải đóng cửa. Ngoài ra, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở tất cả các không gian trong nhà có từ 2 người. Vào tuần sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, học sinh sẽ vẫn học trực tuyến và phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 trước khi tham gia học trực tiếp vào thời gian sau đó. Chính phủ Áo đồng thời yêu cầu kể từ ngày 7/4 tới, những người đến các cửa hàng không thiết yếu phải trình xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Tương tự, Phần Lan đã công bố dự luật mới nhằm hạn chế đi lại tại thủ đô Helsinki với hy vọng có thể kìm hãm đà tăng của số ca mắc mới. Dự luật phong tỏa mới sẽ cấm người dân ở Helsinki và thị trấn Turku đến thăm gia đình khác và tham gia các hoạt động thể thao theo nhóm. Ngoài ra, dự luật sẽ chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà với mục đích mua nhu yếu phẩm, đi làm hoặc tới ngân hàng, bưu điện.

Trong khi đó, Thụy Sĩ cho biết sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly đối với những người đến từ Mỹ và Anh khi nhập cảnh vào nước này do tỷ lệ lây nhiễm ở hai quốc gia trên đang giảm. Quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4 tới. Các nước khác như Ireland, Qatar, Litva và một số địa phương của Italy và Pháp đã được đưa ra khỏi "danh sách đỏ" này.

Cũng tại châu Âu, giới chức Estonia cho biết nước này dự định bắt đầu cấp chứng nhận điện tử về tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân từ tháng 4 tới. Theo các quan chức Estonia, chứng nhận điện tử sẽ tiện lợi cho người dân sử dụng khi muốn đi du lịch hoặc trong các hoạt động hằng ngày vì vừa dễ xác nhận vừa có tính bảo mật cao hơn chứng nhận giấy. Hiện Chính phủ Estonia đang làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc cấp chứng nhận quốc tế đối với việc tiêm vaccine nhưng chương trình này có thể phải mất vài năm để phát triển và hoàn thiện.

Tại khu vực Trung Đông, Oman thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/3 và kéo dài đến ngày 8/4. Theo đó, trong khoảng thời gian này, người dân không được phép đi ra ngoài. Ngoài ra, Oman sẽ gia hạn lệnh cấm tổ chức mọi hoạt động thương mại vào chiều tối, vốn được áp đặt vào ngày 1/3 vừa qua.

Trong khi đó, Qatar cũng thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế. Giới chức nước này đã yêu cầu đóng cửa các trung tâm giải trí, phòng tập gym, bể bơi trong khi các trung tâm mua sắm chỉ được phép hoạt động với 30% công suất còn các rạp chiếu phim là 20% công suất.

Tại châu Á, Ấn Độ đã áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thị trấn thuộc bang Maharashtra ở miền Tây trong bối cảnh nước này ghi nhận thêm 53.476 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất trong 5 tháng qua.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, lệnh phong tỏa hoàn toàn trong 10 ngày đã được áp đặt tại hai thị trấn bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh ở bang Maharashtra là Nanded và Beed. Theo các quan chức y tế Ấn Độ, số ca nhiễm mới gia tăng ở một vài bang của nước này kể từ cuối tháng 2, sau khi Ấn Độ gần như mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế và nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Hơn một nửa trong số các ca nhiễm mới được ghi nhận ở bang Maharashtra khi hàng triệu người lao động trở lại làm việc trong các nhà máy và văn phòng. Ngoài ra, bang Maharashtra cũng ghi nhận một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 gọi là "đột biến kép", làm tăng thêm nỗi lo ngại về dịch bệnh gia tăng.

Còn Thái Lan đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (Mỹ). Đây là loại vaccine tiêm 1 liều. Như vậy, đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 được cấp phép ở Thái Lan sau vaccine của các hãng AstraZeneca (liên doanh Anh-Thụy Điển) và Sinovac (Trung Quốc).

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tinh-hinh-dich-benh-covid19-ngay-253-tren-the-gioi-20210325224359283.htm