Tình hình dịch COVID-19: Hơn 161 triệu người khỏi bệnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 15/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 177.019.401 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.827.467 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 161.201.175 người.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với tổng số ca mắc và tử vong lần lượt là 34.334.355 ca và 615.263 ca. Ấn Độ đứng thứ 2 với tổng số 29.570.035 ca bệnh, trong đó 377.061 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với tổng số 17.454.861 ca nhiễm, trong đó 488.404 ca tử vong.

Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo giai đoạn cuối cùng trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa ngừa COVID-19 ở Anh sẽ lùi đến ngày 19/7 thay vì ngày 21/6 theo kế hoạch ban đầu, trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng mạnh do biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Ông Johnson cho biết kế hoạch này sẽ được xem xét sau 2 tuần và ông tin rằng thời gian phong tỏa sẽ không lâu hơn 4 tuần.

Liên quan vấn đề chia sẻ vắcxin ngừa COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới chuyên gia quốc tế cho rằng cam kết của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ 1 tỉ liều vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn là quá ít và quá muộn, trong bối cảnh các chuyên gia ngày 14/6 ước tính thế giới cần tới hơn 11 tỉ liều vắcxin.

WHO và các đối tác cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kinh phí để vượt qua đại dịch. Chương trình ACT Accelerator - cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vắcxin, chẩn đoán và điều trị COVID-19 - hiện cần hơn 16 tỉ USD chỉ riêng trong năm nay.

Cơ chế COVAX, do Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và WHO đồng chỉ đạo, đến nay mới vận chuyển được 85 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 đến 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với dự đoán. Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết châu Phi sẽ được ưu tiên trong quá trình phân phối 870 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của G7 quyên tặng.

Trong khi đó, truyền thông Iran đưa tin quốc gia này đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp một loại vắcxin ngừa COVID-19 được sản xuất nội địa, trong bối cảnh nước Cộng hòa Hồi giáo này vẫn đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh phức tạp.

Theo Bộ trưởng Y tế Iran Said Namaki, vắcxin COVIran Barekat do Iran tự sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp và sẽ được bổ sung vào chương trình tiêm chủng quốc gia kể từ tuần tới. Động thái này nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt vắcxin nhập khẩu và tạo điều kiện để người dân Iran sớm nhận được đủ 2 mũi tiêm ngừa COVID-19.

Theo hãng thông tấn quốc gia Iran (IRNA), Iran đã bắt đầu quá trình sản xuất vắcxin Barekat từ đầu tháng 6/2021 và hiện có khoảng 3 triệu liều. Loại vắcxin này do một quỹ quốc doanh được biết đến với tên gọi Setad phát triển.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo trước khi Olympic khai mạc vào tháng tới, nhưng sẽ đưa thành phố này vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong thời gian diễn ra thế vận hội mùa hè này.

Chính phủ Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo vào ngày 23/4 vừa qua. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này.

Sau đó, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đã lần lượt đưa thêm các tỉnh Aichi và Fukuoka vào danh sách vào ngày 12/5, Hokkaido, Okayama và Hiroshima vào ngày 16/5 và Okinawa vào ngày 23/5. Theo dự kiến, tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh, thành này sẽ hết hạn vào ngày 20/6.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 đang tạm lắng ở nhiều tỉnh, thành. Ngày 14/6, Nhật Bản ghi nhận 936 ca nhiễm mới, giảm mạnh so với con số 7.766 ca - mức đỉnh của đợt bùng phát thứ 4 này được ghi nhận vào ngày 9/5. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này giảm xuống dưới 1.000 ca/ngày kể từ ngày 22/3.

Đáng chú ý, thủ đô Tokyo chỉ ghi nhận thêm 209 ca nhiễm mới, giảm 26 ca so với một tuần trước đó. Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Osaka, tâm dịch của làn sóng lây nhiễm lần này, cũng giảm 15 ca so với một tuần trước đó xuống còn 57.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở phần lớn các tỉnh, thành và đưa một số tỉnh, thành này, trong đó có Tokyo, vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm - một phương án phòng dịch bớt quyết liệt hơn so với tình trạng khẩn cấp.

Hãng tin Kyodo dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết Chính phủ sẽ xem xét liệu có duy trì các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo hay không, hay dỡ bỏ các biện pháp này trước khi thế vận hội khai mạc vào ngày 23/7. Một quan chức dấu tên nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp một cách thích hợp. Sẽ không có việc hủy hay hoãn Olympic”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế vẫn bày tỏ quan ngại về khả năng dịch COVID-19 sẽ bùng phát trở lại nếu Nhật Bản tổ chức Olympic Tokyo theo đúng kế hoạch vào tháng 7 tới. Trong tuần này, một nhóm chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19, dự kiến sẽ công bố về các rủi ro y tế nếu Olympic diễn ra theo đúng kế hoạch.

Dự kiến, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ có cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 17/6 để đưa ra quyết định về việc có dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở Tokyo hay không. Ngoài vấn đề trên, sự chú ý cũng đang tập trung vào việc liệu Chính phủ Nhật Bản và Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo có cho phép khán giả trong nước tới dự khán các giải đấu này hay không.

Hiện nay, Ban tổ chức muốn cho phép một số khán giả vào sân và sẽ đưa ra quyết định về số lượng khán giả tối đa được phép dự khán các giải đấu này vào cuối tháng 6. Điều này sẽ tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ về giới hạn số lượng khán giả tham dự các sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/257901/tinh-hinh-dich-covid-19--hon-161-trieu-nguoi-khoi-benh.html