Tình hình dịch COVID-19: Hơn 17,7 triệu ca đã bình phục

Nhân viên y tế lấy máu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. - Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 31/8 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 25.377.710 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 850.149 ca tử vong.

Đến nay, tổng cộng 17.700.781 ca đã bình phục. Khu vực Bắc Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 7.307.541 ca nhiễm và 270.175 ca tử vong. Tiếp đó là khu vực châu Á với 6.992.409 ca nhiễm và 141.167 ca tử vong. Nam Mỹ ở vị trí thứ ba với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 6.243.076 ca và 201.122 ca.

Khu vực chịu ảnh hưởng ít nhất là châu Đại Dương, đến nay ghi nhận tổng cộng 28.391 ca nhiễm và 640 ca tử vong, tiếp đó là châu Phi với 1.250.375 ca nhiễm và 29.633 ca tử vong. Xét theo quốc gia, Mỹ có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất - lần lượt là 6.173.235 và 187.224; tiếp đến là Brazil với 3.862.311 ca nhiễm và 120.896 ca tử vong; Ấn Độ có 3.691.169 ca nhiễm và 64.617 ca tử vong.

Đáng chú ý, Ấn Độ ghi nhận 79.457 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Các chuyên gia nhận định số ca nhiễm ở nước này tăng mạnh bắt nguồn từ 3 nguyên nhân là tăng cường xét nghiệm, mở cửa trở lại nền kinh tế và người dân chủ quan. Ấn Độ đã ghi nhận tới hơn 500.000 ca nhiễm trong vòng một tuần.

Hãng thông tấn PTI dẫn lời Tiến sĩ Samiran Panda, trưởng bộ phận Dịch tễ học và Các bệnh truyền nhiễm tại Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cho biết tình trạng gia tăng ca nhiễm như vậy không nằm ngoài dự kiến.

Đặc biệt, với việc nối lại hoạt động kinh tế và người dân đi lại nhiều hơn, không ít người đã chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phù hợp để phòng chống dịch bệnh. Nhà virus học hàng đầu Shahid Jameel cũng nhấn mạnh tình trạng người dân không tuân thủ các khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giãn cách xã hội.

Những điểm nóng đáng chú ý khác tại châu Á gồm Philippines với 4.284 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, Iraq với 3.731 ca, Indonesia với 2.858 ca, trong khi các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.

Tại Indonesia, số ca mắc tăng thêm 2.858 ca trong 24 giờ qua lên 172.053 ca. Số ca tử vong tại quốc gia này tăng thêm 82 ca lên 7.343 ca. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã lây lan khắp 34 tỉnh, thành của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, Jakarta ghi nhận thêm 1.094 ca mắc, Đông Java 466 ca mắc, Đông Kalimantan 197 ca mắc, Trung Java 138 ca mắc và Riau 134 ca mắc. Tới nay, tổng số ca bình phục tại Indonesia là 124.185.

Tại Philippines, số bệnh nhân tăng mạnh lên 217.396 ca sau khi Bộ Y tế nước này công bố thêm 4.284 ca mắc mới ngày 30/8. Số bệnh nhân tử vong tại Philippines tăng thêm 102 ca lên 3.520 ca.

Sáng 31/8 (theo giờ địa phương), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đã xuống dưới 300 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, song các cơ quan y tế cho biết cần cảnh giác với các ca lây nhiễm lẻ và không rõ nguồn gốc gia tăng.

Theo KCDC, tính đến sáng 31/8, có thêm 248 trường hợp mắc COVID-19 mới được phát hiện (giảm so với 299 ca trong ngày 30/8), trong đó 238 ca là lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 19.947 trường hợp. Cũng theo KCDC, đã có thêm 1 bệnh nhân nữa tử vong do Covid-19 ở Hàn Quốc, nâng số người tử vong bởi virus này lên 324 người.

Tối 30/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 của Israel đã nhất trí thông qua kế hoạch "Đèn tín hiệu giao thông" do giáo sư Ronni Gamzu, người đứng đầu Ban chỉ đạo đề xuất nhằm nhận biết các thành phố có tỉ lệ lây nhiễm bệnh COVID-19 cao, thấp khác nhau. Các thành phố sẽ được phân chia theo bảng mã màu giống như hệ thống đèn tín hiệu giao thông để đưa ra các biện pháp hạn chế.

Kế hoạch sẽ được triển khai từ vào ngày 6/9, cụ thể, thành phố nào có tín hiệu "đèn xanh" sẽ không bị áp dụng các biện pháp hạn chế; thành phố có tín hiệu "màu vàng" sẽ chịu một vài biện pháp hạn chế; còn những thành phố đánh dấu hiệu màu "cam" và "đỏ" sẽ bị áp dụng hầu hết các biện pháp hạn chế, thậm chí phong tỏa. Ngoài ra, chính phủ đã phê duyệt việc mở cửa trở lại các nơi tổ chức sự kiện có sức chứa lên đến 1.000 người, đồng thời phải tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội và bắt buộc đeo khẩu trang.

Tính đến tối 30/8, Bộ Y tế Israel ghi nhận thêm 8 ca tử vong do COVID-19, nâng số trường hợp tử vong ở nước này lên 919 người. Riêng ngày 29/8, trong tổng số 10.592 ca xét nghiệm cùng ngày đã có 897 kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngày 30/8, Bộ Y tế Israel cũng công bố đã có thêm 429 người có kết quả dương tính trong số 5.545 ca xét nghiệm, nâng số bệnh nhân lên 114.020 người kể từ khi đại dịch bùng phát tại Israel hồi tháng 3. Hiện tại Israel vẫn còn 20.305 ca dương tính, bao gồm 900 bệnh nhận đang nằm viện, trong đó, 444 bệnh nhân vẫn trong tình trạng nghiêm trọng và 127 bệnh nhân phải thở bằng máy./.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại châu Âu đang tăng trở lại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 21.980 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.555.197 ca, và có thêm 199 ca tử vong, nâng tổng số lên 207.397 ca.

Đặc biệt, số ca nhiễm mới trong ngày tại các nước Anh, Pháp, Ý đều trên 1.000, trong đó Pháp ghi nhận 5.413 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Ukraine cũng ghi nhận 2.096 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Tại châu Phi, Nam Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 625.056 ca nhiễm và 14.028 ca tử vong. Tiếp theo là Ai Cập với 98.727 ca nhiễm và 5.399 ca tử vong. Đáng chú ý, Marốc, Nigeria đều ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Tại Nam Mỹ, Bộ Y tế Brazil thông báo có thêm 330 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 120.828 người. Tình hình dịch bệnh tại Brazil đang có dấu hiệu giảm dần căng thẳng, với con số người chết và tử vong mỗi ngày đã giảm tới hơn một nửa so với một tháng trước.

Tại Mỹ, theo kênh CNN, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden cam kết ông sẽ khởi động lại chương trình "PREDICT" (Dự đoán) - vốn ra đời sau dịch cúm H1N1 năm 2005, nhằm giúp phát hiện và chiến đấu với các mối đe dọa dịch bệnh như COVID-19. Chương trình này đã bị khép lại năm 2019. Hiện tại, tốc độ lây lan của dịch bệnh tại Mỹ đang trên đà giảm, cho phép giải Tennis Mỹ mở rộng duy trì kế hoạch khai mạc vào ngày 31/8 (theo giờ địa phương) tại Trung tâm Tennis quốc gia Billie Jean King ở New York. Tuy vậy trước giải, một vận động viên đã có xét nghiệm dương tính và phải rút khỏi giải đấu được mong đợi này.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/245050/tinh-hinh-dich-covid-19--hon-17-7-trieu-ca-da-binh-phuc.html