Tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM có những dấu hiệu tích cực

Trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới trung bình ngày ở TP.HCM đã giảm xuống 3.700 ca với 81% phát hiện ở khu cách ly, phong tỏa. Hệ số lây nhiễm giảm từ 1,7 – 2% vào đầu tháng 7 xuống 0,78% vào ngày 10/8.

Hệ số lây nhiễm tại TP.HCM hiện khoảng 0,78%.

Hệ số lây nhiễm tại TP.HCM hiện khoảng 0,78%.

Những điều chỉnh trong phòng chống dịch Covid-19 gần đây gồm siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tích cực nhân rộng ‘vùng xanh’ an toàn, không để xảy ra tình trạng ‘chặt trong, lỏng ngoài’, xuất hiện nhiều mô hình thiết thực như ATM oxy, taxi chuyển bệnh cấp cứu, tổ y tế lưu động, tiêm vaccine tại nhà, tư vấn Covid-19 trực tuyến… đã giúp tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM có những dấu hiệu tích cực ban đầu, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết tại cuộc họp ngày 11/8.

Từ ngày 26/7 đến ngày 1/8, TP.HCM ghi nhận 33.870 ca bệnh, bình quân hơn 4.800 ca mỗi ngày. Trong 7 ngày gần đây (từ ngày 4 – 10/8), mỗi ngày trung bình có 3.700 ca mắc mới trong đó 81% phát hiện ở khu cách ly, khu phong tỏa, 19% sàng lọc tại bệnh viện.

Điều đó cho thấy dịch bệnh có xu hướng giảm dần và dao động ở mức 3.000 - 4.000 ca mỗi ngày, số ca phát hiện qua sàng lọc người đến khám tại bệnh viện không gia tăng trong 7 ngày qua.

Hệ số lây nhiễm hiện khoảng 0,78%, trong khi đầu tháng 5 từ 3-3,5%, đầu tháng 7 từ 1,7-2%, đầu tháng 8 khoảng 1,2%.

Về điều trị, thành phố tập trung cấp cứu để giảm F0 chuyển nặng; thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực quy mô 1.750 giường; nâng cao năng lực của Trung tâm cấp cứu 115; thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ tinh của Trung tâm cấp cứu 115.

Kiện toàn Tổ phản ứng nhanh cấp cứu và bố trí hệ thống xe taxi chuyển đổi công năng phục vụ cấp cứu tại từng phường, xã, thị trấn và hướng dẫn quy trình tiếp nhận, trang thiết bị theo xe, sơ cứu ban đầu; rà soát, bổ sung đầy đủ trang thiết bị cho các cơ sở điều trị.

TP.HCM hiện đang vận hành theo mô hình tháp 5 tầng. Trong đó, tầng 1 có 197 cơ sở cách ly tập trung F0 với 42.807 giường, hiện đang quản lý 13.554 trường hợp.

Tầng 2 có 10 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 với công suất theo kế hoạch là 24.900 giường bệnh, đang cách ly, điều trị cho 9.848 trường hợp.

Tầng 3 gồm 26 bệnh viện được chuyển đổi công năng từ các bệnh viện trên địa bàn; công suất theo kế hoạch là 26.950 giường bệnh, đang cách ly, điều trị cho 14.687 trường hợp.

Tầng 4 gồm 15 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hạng I được chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ sang điều trị bệnh nhân Covid-19; công suất theo kế hoạch là 4.924 giường bệnh, đang cách ly, điều trị cho 4.499 trường hợp.

Tầng 5 gồm 2 bệnh viện tuyến thành phố, 5 bệnh viện tuyến Trung ương với công suất là 3.450 giường bệnh; đang điều trị cho 1.667 trường hợp. Tại 21 quận - huyện và TP. Thủ Đức đều có khu điều trị hoặc bệnh viện để điều trị Covid-19 tại địa phương.

Bên cạnh vệc ghi nhận nỗ lực nâng cao năng lực điều trị của TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “thành phố phải khắc phục cho bằng được tình trạng vẫn có bệnh nhân cần đến bệnh viện nhưng không có đủ chỗ”.

TP.HCM tăng cường xét nghiệm cho đội ngũ lái xe

Để người dân không phải ra ngoài nhiều, theo Phó thủ tướng, thành phố cần tổ chức thật tốt lực lượng giao hàng an toàn. Ngoài việc tiêm vaccine, có dấu hiệu nhận diện, mã QR, thì thành phố phải tổ chức xét nghiệm định kỳ, yêu cầu người làm dịch vụ giao hàng phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, nhất là giữ khoảng cách.

TP.HCM xem xét lập các điểm giao hàng trung chuyển ở cấp quận, huyện để cho các shipper đi xe 2 bánh cơ bản di chuyển trong từng khu vực hẹp, còn giữa các quận, huyện thì chuyển hàng bằng xe tải.

Cùng với đó, “trong lúc đợi hướng dẫn chung, thành phố cần hỗ trợ tín dụng cho những người đang vay nợ ngân hàng để mua sắm phương tiện mưu sinh hằng ngày như những người giao hàng”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 11/8. Ảnh: Đình Nam.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp ngày 11/8. Ảnh: Đình Nam.

Với mục tiêu ‘không để người dân nào thiếu thốn’ trong đại dịch Covid-19, thời gian qua, thành phố đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, tổ chức cung cấp các “Túi an sinh xã hội” với trị giá 500.000 đồng mỗi túi cho khoảng 400.000 hộ nghèo, cận nghèo, người lao động…

Sau khi đã hoàn thành gói hỗ trợ thứ nhất 700 tỷ đồng cho người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, TP.HCM đang triển khai gói thứ 2 hơn 900 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ từ nguồn vận động với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng.

Thành phố cũng đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ, động viên các lực lượng tham gia phòng, chống dịch với khoảng 460 tỷ đồng.

Đồng thời, thành phố quyết định hỗ trợ toàn bộ chi phí tẩm liệm, vận chuyển, hỏa thiêu, giao tro cốt cho người thân của người mất với mức hỗ trợ 17 triệu đồng/trường hợp, từ nguồn ngân sách thành phố.

Tại cuộc họp, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa lưu thông; không kiểm tra các phương tiện có giấy nhận diện (có mã QR) tại các chốt trên đường.

Tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch ra vào các tỉnh, thành phố, ông Phong đề xuất bố trí lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông để kịp thời giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh. Bộ Giao thông vận tải công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết về nguyên tắc các lực lượng chức năng cố gắng tối đa đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt nhưng đồng thời đảm bảo an toàn.

Ông yêu cầu TP.HCM tăng cường xét nghiệm cho đội ngũ lái xe vì thực tiễn cho thấy ngay tại TP.HCM đã phát hiện không ít trường hợp lái xe xét nghiệm âm tính vào buổi sáng, nhưng đến chiều kết quả lại dương tính.

Về đề nghị được cấp thêm vaccine Covid-19 của thành phố, ông Đam khẳng định khi có các lô vaccine về Việt Nam thì TP.HCM luôn được ưu tiên ở mức cao nhất, tuy nhiên hiện nay lượng vaccine về còn rất hạn chế.

Thành phố cũng cần chuẩn bị cho tình huống sau khi đã tiêm đủ vaccine cho người dân để bên trong thực hiện nới lỏng dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo trạng thái bình thường mới như các nước phát triển đã tiêm vaccine đạt được miễn dịch cộng đồng. Còn bên ngoài thành phố là vành đai an toàn, kiểm soát chặt người ra, vào, không để dịch lây lan ra các địa phương khác.

Tính từ đầu chiến dịch tiêm vaccine đợt 5 đến nay đã tiêm hơn 2,5 triệu người, tốc độ tiêm tăng nhanh dần, TP.HCM phấn đấu trong tháng 8 sẽ có trên 6 triệu dân được tiêm ít nhất 1 mũi.

Trong nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 ngày 10/8, Chính phủ đặt mục tiêu: TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai kiểm soát được dịch trước 1/9. Các tỉnh, thành phố khác trước ngày 25/8.

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa XV ngày 11/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, “đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình”. Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu, để kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các mục tiêu khác, khiến người dân bức xúc.

Xét nghiệm “thần tốc” các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao trên địa bàn nhằm phát hiện F0 nhanh nhất phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, bóc tách nguồn lây, bao vây ổ dịch.

“Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"

Về chiến lược vaccine, Thủ tướng cho biết việc tiếp cận vaccine vẫn rất khó khăn, cần tiếp tục triển khai tích cực, Bộ Ngoại giao thúc đẩy ngoại giao vaccine. Ông lưu ý phải tiếp cận bình đẳng tất cả các loại vaccine, “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".

Các cơ quan liên quan cần phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cấp phép sử dụng có điều kiện, sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước. Các quy trình, thủ tục về mặt hành chính có thể cắt bớt nhưng phải bảo đảm yêu cầu về y tế, khoa học và chuyên môn.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện về các công nghệ phòng chống dịch, phát huy cao nhất Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới 100% tuyến huyện. Hoàn thiện ứng dụng sổ sức khỏe điện tử trên cơ sở kết nối với các nền tảng đã có, đặc biệt là nền tảng cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, phục vụ việc tiêm vaccine, truy vết…

‘Trong lúc chưa có đầy đủ vaccine và thuốc đặc trị thì vẫn phải bảo vệ được người dân, phòng dịch vẫn là chủ yếu, chiến lược, quyết định’, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian phong tỏa cách ly, “không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, đáp ứng các nhu cầu y tế của người dân ở mọi nơi, mọi lúc”, Thủ tướng nhấn mạnh các bộ ngành, địa phương phải thực hiện bằng được mục tiêu nào, “ai không làm được là phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm”.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến hết nay là 237.589, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. TP.HCM ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước với 135.485, Bình Dương 34.659, Long An 12.609, Đồng Nai 10.593...

Trong đó, 85.154 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 489 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU, 21 ca nguy kịch đang điều trị ECMO.

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong kể từ khi bùng dịch vào đầu năm 2020 đến nay là 4.487, trong đó riêng TP.HCM là 3.582 ca. Ngày 10/8 ghi nhận số ca tử vong kỷ lục trong ngày là 387 ca.

Ngày 11/8 ghi nhận 342 ca tử vong gồm 261 ca ở TP.HCM, 24 ca ở Cần Thơ, 22 ca ở Bình Dương, 11 ca ở Đồng Nai, 10 ca ở Đồng Tháp, 10 ca ở Long An, 2 ca ở Tiền Giang, 1 ca ở Đà Nẵng và 1 ca ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tinh-hinh-dich-covid-19-o-tphcm-co-nhung-dau-hieu-tich-cuc-1628751597677.htm