Tình hình dịch COVID-19 sáng 10/9: Hơn 28 triệu người mắc bệnh

Tính đến 8 giờ sáng 10/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 28.014.428 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 907.276 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 10/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 28.014.428 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 907.276 ca tử vong. Tổng cộng hơn 20.089.045 ca đã hồi phục và hơn 7 triệu ca đang được điều trị.

Thế giới ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới

Mỹ hiện vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, có tổng cộng 195.211 ca tử vong trong số 6.549.177 ca mắc. Trong khi đó, Chính phủ Brazil thông báo số ca mắc và tử vong ở nước này tăng gấp đôi từ ngày 8/9 đến ngày 9/9, với 35.816 ca mắc và 1.075 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc tại Brazil đã tăng lên 4.197.889 ca và 128.539 ca tử vong.

Ấn Độ - tâm dịch của châu Á - ghi nhận thêm 89.706 ca mắc và 1.115 ca tử vong trong 1 ngày, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.370.128 ca và 73.890 ca.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng 10/9 thông báo cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 7 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong ngày 9/9, tất cả là trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 9/9 Trung Quốc đại lục không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy, tính đến hết ngày 9/9, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.153 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.634 ca tử vong, 80.358 bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp công bố nước này ghi nhận thêm 8.577 ca mắc mới - số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 344.101 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 30 ca lên 30.794 ca.

Đức mở rộng danh sách cảnh báo đi lại ở châu Âu

Chính phủ Đức thông báo mở rộng danh sách cảnh báo đi lại tới một số thành phố du lịch nổi tiếng của châu Âu trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng ở các địa điểm này.

Danh sách cảnh báo đi lại tới các "khu vực có nguy cơ cao" đối với công dân Đức được mở rộng, bao gồm thủ đô Praha của Séc, các thành phố Geneva và Vaud của Thụy Sĩ; các vùng Pozega-Slavonia và Dubrovnik-Neretva của Croatia; đảo Corsica và các vùng Ile-de-France, Provence-Alpes-Cote-d'Azur, Auvergne-Rhone-Alps, Occitanie và Nouvelle-Aquitaine của Pháp; các khu vực Dubrovnik-Neretva và Požega-Slavonia ở Croatia.

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN(

Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN(

Số liệu của các cơ quan y tế Đức ngày 9/9 cho biết trong 24 giờ qua Đức ghi nhận thêm 1.400 ca mắc, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 254.432 ca. Đến nay đã có 228.000 ca khỏi bệnh, trong khi 9.300 ca tử vong.

Anh siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 9/9 đã thông báo các biện pháp hạn chế tụ tập xã hội mới tại vùng England, khẳng định cần phải nhanh chóng hành động rõ ràng để hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo được phát sóng truyền hình, Thủ tướng Johnson cho biết từ nay các nhóm từ 6 người trở lên sẽ bị cấm tụ tập.

Theo Thủ tướng Anh, những biện pháp này không phải là một đợt phong tỏa quốc gia mới, thay vào đó, là để tránh phải áp dụng phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Ông nhấn mạnh cảnh sát và các cơ quan chức năng khác sẽ thực hiện quy định này tích cực hơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Johnson cũng thông báo một kế hoạch tham vọng, mà bản thân ông cũng cho rằng không đảm bảo sẽ thành công. Đó là xét nghiệm quy mô lớn cho kết quả nhanh có thể được áp dụng để những người được xác nhận không mang virus có nhiều tự do hơn.

Số ca mắc COVID-19 tại Anh đã bắt đầu tăng vọt trở lại những ngày gần đây, buộc Thủ tướng Johnson phải tiến hành họp báo tại văn phòng ở phố Downing, giống như khi ông và các thành viên nội các tiến hành họp báo hàng ngày trong giai đoạn dịch diễn biến tồi tệ nhất.

Theo ông Chris Whitty - quan chức phụ trách y tế vùng England, các biện pháp mới nhiều khả năng sẽ được duy trì kéo dài, và cảnh báo giai đoạn khó khăn vẫn còn ở phía trước khi thời tiết mùa Đông khiến virus SARS-CoV-2 dễ dàng lây lan hơn.

Dù việc xét nghiệm COVID-19 ngày càng nhiều và số người nhập viện điều trị vẫn ở mức dưới ngưỡng đỉnh dịch, song các bộ trưởng Anh lo ngại tình hình có thể bắt đầu trượt khỏi tầm kiểm soát, đặc biệt ở nhóm vị thành niên và thanh niên. Trước khi quy định "nhóm 6 người" được công bố, mức giới hạn số người được tụ tập tại England là 30.

Anh đã ghi nhận 2.659 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 9/9, tăng so với con số 2.460 một ngày trước đó, và cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 1.000 người/ngày của tháng 8, chủ yếu do tỉ lệ lây nhiễm cao ở nhóm người trẻ tuổi.

Quy định mới sẽ không được áp dụng tại các nơi làm việc hay trường học, cũng như có một số trường hợp được miễn áp dụng như đám cưới, đám tang và một số sự kiện thể thao đồng đội. Hiện các vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland của Anh đang áp dụng những biện pháp phong tỏa riêng.

Maroc gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế

Cùng ngày 9/9, Chính phủ Maroc đã quyết định gia hạn thêm 1 tháng tình trạng khẩn cấp y tế, đến ngày 10/10 tới, trên toàn lãnh thổ quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với sự bùng phát mạnh về số ca nhiễm mới hằng ngày.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Thủ tướng Maroc Saad-Eddine El Othmani cho biết lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp - được ban hành từ giữa tháng 3 vừa qua - sẽ cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp, như đóng cửa thủ đô kinh tế Casablanca gần đây (vào tối 6/9), giới nghiêm ban đêm, kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại và đóng cửa tất cả các trường học trước khi khai giảng năm học.

Sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế và mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, kể từ đầu tháng 8, Maroc đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2, với trên 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đặc biệt, trong những ngày gần đây, số ca nhiễm mới ngày càng tăng, đỉnh điểm trên 2.200 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến chiều 9/9, Maroc ghi nhận thêm 2.157 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 77.878 ca nhiễm và 1.453 ca tử vong.

Hiện Maroc xếp thứ 3 trong số các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu lục này, sau Nam Phi (640.441 ca nhiễm và 15.086 ca tử vong) và Ai Cập (100.228 ca nhiễm và 5.560 ca tử vong). Tính theo vùng, khu vực Nam châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Bắc Phi và Tây Phi.

Nguyễn Hằng-Mạnh Hùng-Tấn Đạt-Việt Hải (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tinh-hinh-dich-covid19-sang-109-hon-28-trieu-nguoi-mac-benh/663221.vnp