Tình hình dịch COVID-19 tại châu Mỹ: Số ca nhiễm virus tăng mạnh

Chôn cất thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 31/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

* Châu Phi ghi nhận gần 13.700 ca mắc COVID-19 mới, 744 người tử vong

Ngày 12/4, Bộ Y tế Brazil cho biết số ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tăng thêm 99 trường hợp trong 4 giờ qua lên tổng số 1.223 người, trong khi số ca dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) cũng đã lên tới 22.169 người.

Sao Paulo tiếp tục là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh với 8.755 ca dương tính và 588 trường hợp tử vong.

Mặc dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn tiếp tục chỉ trích các biện pháp giãn cách xã hội xã hội do chính quyền các bang áp dụng khi đăng tải một thông điệp trên mạng xã hội cho rằng hiện nay, nước này đang phải đối mặt với một vấn đề khác là tình trạng thất nghiệp, hệ quả của quyết định “đóng cửa tất cả” hay “hãy ở trong nhà không bạn sẽ bị bắt".

Trong khi đó, tại Chile tình hình dịch COVID-19 cũng tiếp tục diễn biến phức tạp khi đã có 7.213 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 80 người tử vong, tăng thêm 286 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong so với trước đó 1 ngày.

Theo thông báo chính thức, hiện có 387 bệnh nhân đang được điều trị tại các khoa hồi sức tích cực, 78 trường hợp nguy kịch.

Cũng trong ngày 12/4, Bộ Y tế Mexico thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 442 ca bệnh và 23 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên 4.661 người và tử vong là 296 người.

Cơ quan y tế cho biết 34% trên tổng số ca nhiễm bệnh cần chăm sóc y tế và 9,1% trong tình trạng nguy kịch.

Hiện tại, 73,1% ca bệnh có độ tuổi từ 25-59 tuổi và tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mexico là 6,35%. Bên cạnh số ca tử vong trong nước, 181 công dân nước này sinh sống tại Mỹ đã tử vong do COVID-19.

Bộ Y tế Mexico dự báo dịch bệnh COVID-19 sẽ bước sang giai đoạn 3 (cấp độ đại dịch) trong vòng 10 ngày tới.

Nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, Chính phủ Mexico đang gấp rút tăng cường số giường bệnh điều trị và đã ký hợp đồng mua vật tư, trang thiết bị y tế từ Trung Quốc trị giá 56,5 triệu USD, cũng như đề nghị Mỹ bán 10.000 máy thở và 10.000 máy theo dõi để chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh diến biến phức tạp, chính quyền các bang của Mexico đã tiến hành vệ sinh, khử tr ùng đường phố và khu dân cư.

Một số bang đã lên kế hoạch cách ly bắt buộc đối với người dân. Cơ quan chức năng kêu gọi người dân thực hiện giãn cách xã hội, ở nhà, tránh ra đường khi không thật sự cần thiết.

Ngày 12/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết châu lục này đến nay đã ghi nhận tổng cộng 13.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 744 trường hợp tử vong.

Phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực Bắc Phi cho biết, dịch COVID-19 đến nay đã lan rộng đến 52/55 quốc gia trên toàn châu Phi. Trong số 13.686 ca mắc, đã có 2.283 ca được điều trị khỏi và hồi phục sức khỏe tốt.

Kể từ ngày 27/1, Liên minh châu Phi (AU) đã kích hoạt CDC châu Phi và hệ thống quản lý sự cố (IMS) để thực hiện các hoạt động khẩn cấp và đối phó đại dịch COVID-19.

Hiện, CDC Châu Phi đang kế hoạch hành động thứ 3, diễn ra từ ngày 16/3-15/5, để đối phó đại dịch COVID-19 trên toàn lục địa.

Cùng ngày, chính phủ Sudan đã ban bố lệnh cấm mọi hình thức vận chuyển người giữa các thành phố cũng như triển khai luật khẩn cấp để đảm bảo tuân thủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo Hội đồng lãnh đạo hỗn hợp, lệnh cấm phương tiện chở khách tư nhân và thương mại giữa các thành phố, các bang sẽ có hiệu lực ngay lập tức.

Bên cạnh đó, theo luật khẩn cấp, những người vi phạm các quy định về giới nghiêm, hạn chế đi lại, không chấp hành các biện pháp kiểm dịch, che giấu, khai báo không trung thực thông tin liên quan tình hình sức khỏe hoặc cản trở việc điều trị y tế có thể sẽ phải đối mặt với việc xử lý hình sự.

Đến thời điểm hiện nay, Sudan mới chỉ ghi nhận 19 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 2 người đã tử vong, nhưng dịch COVID-19 xuất hiện ở thời điểm nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.

Với điều kiện cạn kiệt về nguồn lực hiện tại, hệ thống y tế Sudan không thể ứng phó nếu dịch bệnh bùng phát triên diện rộng. Nước này hiện chỉ có khoảng 100 máy thở nhân tạo và số lượng giường bệnh hạn chế phục vụ điều trị COVID-19.

Cũng trong ngày 12/4, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục hạn chế ra ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh chính phủ đang cân nhắc việc gia hạn lệnh giới nghiêm áp đặt tại tại một số bang.

Kể từ ngày 31/3, Chính phủ Nigeria đã ban bố phong tỏa Lagos, Ogun và thủ đô Abuja. Người dân bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài để mua sắm thương thực, thực phẩm và trong những trường hợp đặc biệt. Lệnh giới nghiêm dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 13/4.

Người phát ngôn Tổng thống cho biết hiện chưa có thông tin về khả năng kéo dài lệnh giới nghiêm, bởi đây không phải là quyết định chính trị thông thường mà phải dựa trên cơ sở y tế và khoa học.

Chính vì vậy, chính phủ Nigeria chỉ đưa ra quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm sau khi tham vấn các chuyên gia y tế và khoa học.

Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, với gần 200 triệu người, cũng là nước có số người sống dưới mức nghèo khổ cao nhất thế giới.

Đến nay Nigeria đã ghi nhận 318 ca mắc, trong đó 10 người đã tử vong. Dù là nền kinh tế lớn nhất châu Phi nhưng Nigeria cũng đối mặt với những khó khăn nhất định trong đối phó dịch COVID-19, do những hạn chế của hệ thống y tế.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/237563/tinh-hinh-dich-covid-19-tai-chau-my--so-ca-nhiem-virus-tang-manh.html