Tình hình dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh trước khi bước vào đợt giãn cách thứ hai

Tính từ 18h ngày 13-6 đến 18h ngày 14-6, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 82 trường hợp nhiễm mới. Trong đó, Bộ Y tế đã công bố 56 trường hợp (BN10583, BN10588-BN10616 và BN10705 -BN10730), còn 26 trường hợp đang chờ công bố. Thành phố tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng dịch trong 14 ngày giãn cách theo Chỉ thị 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 15-6.

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại các chuỗi lây trong cộng đồng.

6 chuỗi lây chưa xác định được nguồn lây

Trong 15 ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15-CT/TTg và 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ ngày 31-5 đến nay), thành phố Hồ Chí Minh đã cơ bản khống chế được chuỗi lây lớn nhất từ nhóm truyền giáo, với 470 người nhiễm Covid-19. Tại quận Gò Vấp, trong những ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ, số ca phát hiện trong cộng đồng hằng ngày còn cao, có lúc lên đến 8 ca/ngày. Tuy nhiên, trong 5 ngày gần đây đã giảm mạnh, chỉ còn 2-3 ca ngày, thậm chí có ngày không phát hiện ca bệnh trong cộng đồng.

Tính đến chiều 14-6, thành phố Hồ Chí Minh còn 6 chuỗi lây trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây. Thứ nhất là chuỗi lây nhiễm tại Khu dân cư Ehome 3, giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận 8 có 48 ca. Đây là khu dân cư đông, hơn 7.000 người, ở 14 tòa nhà, sử dụng chung các cơ sở hạ tầng dịch vụ nên ngành Y tế nhận định đây là ổ dịch lớn. Hiện đã phong tỏa toàn bộ khu dân cư này.

Thứ hai là chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện đã xét nghiệm toàn bộ 924 nhân viên và phát hiện 55 trường hợp dương tính là nhân viên bệnh viện thuộc 13 khoa phòng, bộ phận. Nhận định ban đầu, đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc nhóm hành chính, trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch khu dân cư Ehome 3.

Các chuỗi lây tại quận Gò Vấp đã được khống chế, các ca nhiễm giảm dần.

Liên quan đến ổ dịch này, cơ quan Y tế đã phát hiện thêm 1 nhân viên khoa Vi sinh Bệnh viện Nhân dân Gia Định (vợ của nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới), từ đó lây thêm cho 1 đồng nghiệp cùng khoa. Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên y tế, kết quả đều âm tính.

Thứ ba là chuỗi lây nhiễm Xưởng cơ khí Hóc Môn, hiện có 49 ca. Chuỗi lây nhiễm này ảnh hưởng đến các quận, huyện Củ Chi, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình.

Thứ tư là chuỗi lây nhiễm tại đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, gồm 6 bệnh nhân. Thứ năm là chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, với 10 ca nhiễm Covid-19, chủ yếu là hàng xóm với ca phát hiện ban đầu. Cả hai chuỗi lây này đều chưa phát sinh thêm ca nhiễm kể từ ngày 9-6 đến nay. Thứ sáu là chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, hiện có 22 ca nhiễm.

Đáng chú ý, đã có 5 bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhân viên y tế mắc bệnh gồm Bệnh viện quận Tân Phú (5 người), Bệnh viện tư nhân Nam Sài Gòn (1 người), Bệnh viện Nhi đồng 1 (1 người), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (55 người) và Bệnh viện Nhân dân Gia Định (2 người).

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 15-CT/TTg

14 ngày tới sẽ làm gì?

Với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống giặc Covid-19", Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường hệ thống kiểm tra phòng, chống dịch chặt chẽ hơn tại các trụ sở, cơ quan; thực hiện giãn cách và bảo đảm thực hiện 5K trong suốt quá trình làm việc; chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp công sở bị cách ly.

Ngành Y tế kiện toàn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện bảo đảm cung ứng cho công tác phòng, chống dịch và mở rộng năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.

Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao phối hợp với Sở Y tế và UBND quận, huyện yêu cầu 100% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải được hậu kiểm; rà soát và thẩm định các điều kiện cơ sở vật chất của các nhà kho, nhà xưởng không sử dụng để chuẩn bị cải tạo thành bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung theo tình huống dịch bệnh; tiến hành thẩm định cho một số doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất.

Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm giám sát tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sản xuất.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng; đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch, nhất là các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức bảo đảm công suất của các khu cách ly tập trung trên địa bàn để tiếp nhận, cách ly tạm thời các trường hợp F1; chuẩn bị kế hoạch dự phòng tăng số giường cách ly lên 300-400 giường; bố trí điều kiện cơ sở vật chất, lực lượng an ninh bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh: “Tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thêm 2 tuần nữa. Tùy theo diễn biến của dịch bệnh và mức độ kiểm soát trên từng địa bàn, sau một tuần tới, một số khu vực có thể chuyển sang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19”.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1002697/tinh-hinh-dich-covid-19-tai-thanh-pho-ho-chi-minh-truoc-khi-buoc-vao-dot-gian-cach-thu-hai