Tình hình dịch COVID-19: Thế giới ghi nhận hơn 520.000 ca nhiễm mới

Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Detroit, bang Michigan, Mỹ - Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 15/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới có tổng cộng 73.173.113 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau khi ghi nhận thêm 520.056 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới là 1.627.262 ca. Hiện còn 20,2 triệu ca đang phải điều trị, trong đó số bệnh nhân cần điều trị tích cực chiếm 0,5%. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất trên thế giới với 16.934.217 ca mắc bệnh và hơn 308.007 người tử vong vì dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP New York, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết thành phố này nên sẵn sàng cho khả năng phong tỏa hoàn toàn và bắt đầu lên kế hoạch cho làm việc từ xa.

Ông Bill de Blasio nhấn mạnh: “Thống đốc (bang New York) nói rằng chúng ta nên chuẩn bị cho khả năng phong tỏa hoàn toàn, tôi đồng ý với điều đó. Chúng ta cần nhận ra rằng điều đó có thể sẽ đến và chúng ta cần phải sẵn sàng cho điều đó ngay bây giờ”.

Quyết định phong tỏa sẽ do thống đốc bang New York đưa ra, tuy nhiên, Thị trưởng New York nhấn mạnh “điều đó đã chứng tỏ rõ ràng là tất cả các hình thức hạn chế đều đang được cân nhắc. Với tốc độ lây nhiễm hiện tại mà chúng ta đang thấy, bạn phải sẵn sàng ngay bây giờ cho việc phong tỏa hoàn toàn, tạm dừng như chúng ta đã làm vào cuối mùa xuân vừa qua.

Điều này ngày càng cần thiết để ngăn chặn làn sóng thứ hai, ngăn chặn sự lây nhiễm, cướp đi sinh mạng và đe dọa các bệnh viện của chúng ta”. Thị trưởng TP New York kêu gọi các nhân viên không thiết yếu làm việc từ xa “càng nhiều càng tốt”. Các chỉ số COVID-19 của thành phố New York đều đã vượt quá ngưỡng do thành phố đặt ra.

Tin vui là một y tá tại New York đã trở thành người đầu tiên tại Mỹ được tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19. Nữ y tá Sandra Lindsay làm việc tại khoa chăm sóc tích cực của Trung tâm Y tế Jewish Long Island, được tiêm mũi vắcxin phòng COVID-19 đầu tiên do hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.

Tại Canada, theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, ngày 14/12, Canada đã chính thức kích hoạt chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước này. Một cư dân sống tại cơ sở chăm sóc dài hạn ở Quebec và một nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão ở Ontario nằm trong nhóm những người đầu tiên đã được tiêm chủng vắcxin phòng COVID-19 do hãng Pfizer hợp tác với công ty BioNTech (Đức) phát triển.

Ông Doug Ford, Thủ hiến tỉnh Ontario đông dân nhất Canada, cảm ơn mạng lưới bệnh viện Toronto đã quản lý những liều vắcxin đầu tiên ở tỉnh này. Ông Ford cho biết: “Những gì chúng ta chứng kiến ngày hôm nay là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại loại virus chết người. Nhờ họ, chúng tôi là những người đầu tiên ở Canada và là một trong những người đầu tiên ở Bắc Mỹ sử dụng vắcxin này”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế tỉnh Quebec, Christian Dube, nhận định đây là "một ngày rất, rất trọng đại" đối với tỉnh.

Ontario đã nhận được 6.000 liều vắcxin của Pfizer vào ngày 13/12 và chính quyền tỉnh có kế hoạch tiêm chủng cho khoảng 2.500 nhân viên chăm sóc y tế.

Ontario cho biết sẽ ưu tiên phân phối vắcxin cho các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao nhất tỉnh. Tuy nhiên, dự kiến phải tới tháng 4/2021, vắcxin mới có thể được cung cấp rộng rãi hơn cho người dân.

Ontario dự kiến sang năm 2021 sẽ tiếp nhận 30.000-85.000 liều vắcxin của Moderna - loại vắcxin hiện đang chờ Bộ Y tế Canada phê duyệt.

Tại Nam Mỹ, Argentina đã xác nhận tổng cộng 1,5 triệu ca mắc, trở thành quốc gia thứ 9 trên thế giới tiến tới ngưỡng không mong muốn này. Bộ Y tế Argentina thông báo nước này đến nay đã có 1.503.222 ca mắc, 41.041 ca tử vong và 1.340.120 người đã được chữa khỏi bệnh.

Tại châu Âu, Chính phủ Anh công bố từ ngày 16/12, hơn 34 triệu người, tương đương 60% dân số thuộc xứ England, bao gồm cả thủ đô London, sẽ phải nâng mức độ giãn cách xã hội lên cấp độ 3, cấp độ cao nhất do số ca nhiễm tăng mạnh.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi người dân "hết sức cẩn thận và có trách nhiệm" khi đi thăm người thân trong kỳ lễ Giáng sinh. Chính phủ khuyến cáo mọi người không nên di chuyển đến các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 3 và ngược lại.

Bộ trưởng Hancock cũng cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có thể liên quan đến tốc độ lây nhiễm gia tăng nhanh tại khu vực Đông-Nam xứ England. Phân tích ban đầu cho thấy loại biến thể này phát triển nhanh hơn những biến thể trước đây.

Phát biểu trước hạ viện, Bộ trưởng Cock cho biết đã phát hiện hơn 1.000 trường hợp nhiễm COVID-19 mang biến thể mới chủ yếu ở vùng phía Nam England.

Số ca nhiễm mới tại Anh ngày 14/12 được ghi nhận là 20.263 ca và 232 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm tại Anh đến nay là 1.869.866 và 64.402 ca tử vong. Việc nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất tại London được cho là sẽ gây ra tổn thất kinh tế nặng nề trong mùa mua sắm Giáng sinh nhưng là điều cần thiết để tránh tình trạng quá tải cho hệ thống y tế NHS.

Do số ca nhiễm mới tại Czech vẫn cao, Chính phủ Czech quyết định nâng mức độ rủi ro từ cấp độ 3 lên 4 theo hệ thống cảnh báo mức độ rủi ro của dịch COVID-19 trên toàn quốc gồm 5 cấp độ (PES), đồng thời quyết định sẽ siết chặt lại các biện pháp hạn chế từ ngày 18/12 tới. Tính đến sáng 15/12, Czech công bố tổng cộng 581.079 ca mắc và 9.609 ca không qua khỏi.

Tại châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 15/12 thông báo nước này ghi nhận thêm 880 ca mắc mới, cao hơn so với 718 ca mắc mới ghi nhận ngày 14/12, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 44.363 ca. KDCA cũng công bố thêm 13 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại Hàn Quốc lên 600 ca.

Tại Nhật Bản, năm 2021 sẽ không diễn ra Lễ hội tuyết Sapporo hằng năm, một trong những sự kiện mùa đông lớn nhất của nước này được tổ chức tại hòn đảo chính cực Bắc Hokkaido vào khoảng tháng 2.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi sự kiện này được tổ chức thường niên từ năm 1950 này bị hủy, mà nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 hoành hành. Trong thông báo ngày 14/12, ban tổ chức lễ hội cho biết đây là một quyết định rất đáng buồn, nhưng là cần thiết để bảo vệ người dân.

Thông thường cứ tới mùa Lễ hội tuyết Sapporo, tại các trung tâm thành phố sẽ được trang trí các bức tượng băng tuyết lớn. Tuy nhiên, năm nay điều này sẽ thay đổi khi lễ hội sẽ tập trung vào việc tuyên truyền thông tin lịch sử trực tuyến về sự kiện cũng như những nét quyến rũ của mùa đông.

Ban tổ chức cũng cho biết các đường phố chính trong thành phố được trang trí bằng đèn Giáng sinh sẽ được thắp sáng trong một khoảng thời gian dài.

Tại châu Phi, Bộ Y tế Maroc cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.217 ca mắc COVID-19 mới và 35 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi này vượt mốc 400.000 ca.

Theo Bộ Y tế Maroc, đến nay, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 400.826 ca mắc COVID-19 và 6.659 ca tử vong, trong khi số ca được điều trị bình phục tăng lên 359.065. Bên cạnh đó, 1.039 người mắc bệnh đang trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, trong đó có 114 người đang đặt nội khí quản.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/250010/tinh-hinh-dich-covid-19--the-gioi-ghi-nhan-hon-520-000-ca-nhiem-moi.html