Tình hình dịch COVID-19 tính đến sáng 9-3

Số ca nhiễm toàn cầu tăng kỷ lục hơn 4.000 người trong 24 giờ. Tâm dịch Lombardy (Ý) đối diện với tình trạng quá tải bệnh nhân và thiếu hụt nhân sự trầm trọng.

Tính đến 6 giờ sáng 9-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 3.805 người tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là dịch COVID-19), 109.838 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 8-3, số ca tử vong tăng 157 người, số ca nhiễm tăng 4.034 người.

Đến nay đã có 677 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, đứng đầu là Ý 336 ca, tiếp đó là Iran với 194 ca, Hàn Quốc 50 ca, Mỹ 21 ca, 19 ca ở Pháp, 17 ca ở Tây Ban Nha, Nhật 14 ca (tính cả du thuyền Diamond Princess), sáu ca ở Iraq, ba ca ở Anh, ba ca ở đặc khu Hong Kong, ba ca ở Hà Lan, ba ca ở Úc, hai ca ở Thụy Sĩ. Các nước và vùng lãnh thổ gồm Thái Lan, Ai Cập, Đài Loan, San Marino, Argentina, Philippines đều ghi nhận một ca tử vong.

Một nhân viên y tế làm việc trong khu vực cách ly của TP Milan (Ý) ngày 7-3. Ảnh: AP

Một nhân viên y tế làm việc trong khu vực cách ly của TP Milan (Ý) ngày 7-3. Ảnh: AP

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 60.972 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 2.404 người so ngày 8-3.

Tình hình trong tâm dịch ở Ý diễn biến nghiêm trọng

Tính đến sáng 9-3, Ý ghi nhận 7.375 ca lây nhiễm COVID-19, 336 ca tử vong. Hiện giới chức Rome đã phát lệnh cách ly hoàn toàn khu vực Lombardy, trong đó có TP Milan và các tỉnh Modena, Parma, Piacenza, Reggio Emilia, Rimini, Pesaro, Urbino, Alessandria, Asti, Novara, Verbano-Cusio-Ossola, Vercelli, Padua, Treviso và Venice - ước tính có tổng cộng 16 triệu dân. Tất cả hoạt động ở các khu vực này đều phải ngừng hoặc hạn chế hoạt động và có hiệu lực đến ngày 3-4.

Tờ The Washington Post dẫn lời BS Angelo Pan, Trưởng khoa truyền nhiễm tại bệnh viện tỉnh Cremona trong tâm dịch Lombardy, cho biết tại bệnh viện của ông, dịch COVID-19 “tấn công như sóng thần”. Tại đây, hơn 100 trong số 120 bệnh nhân nhập viện được chẩn đoán nhiễm COVID-19.

“Đây là tình huống tồi tệ nhất mà tôi từng thấy” - ông Pan nói, nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình trạng các bệnh nhân. Bác sĩ này cho biết 35 bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện của ông phải dùng đến biện pháp đặt nội khí quản và thở máy.

“Tình hình khá nghiêm trọng ở tâm dịch. Các bệnh nhân chủ yếu là người cao tuổi nên cần được điều trị ở bệnh viện, điều đó kéo theo gánh nặng cho các bệnh viện ở vùng dịch” - quan chức thuộc Cơ quan Bảo vệ dân sự Ý Giovanni Rezza chia sẻ.

Ông Rezza cho biết thêm ở thời điểm hiện tại dù có thể chưa ngăn chặn được hoàn toàn dịch COVID-19, song cần phải đối phó để ngăn dịch lây lan với tốc độ chóng mặt như hiện nay.

"Điều khó khăn là các ca bệnh tập trung vào một khu vực" - quan chức này khẳng định.

The Washington Post nhận định tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại một bệnh viện ở thị trấn Lodi, phía đông TP Milan. Theo đó, bệnh viện này đã dành toàn bộ tầng một và tầng hai để tiếp nhận 250 bệnh nhân COVID-19, trong đó 70 ca trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ ở đây nói rằng việc ứng phó với dịch giống phải điều trị cho "ổ thương vong lớn do chiến tranh" trong điều kiện thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Chuyên gia Trung Quốc: COVID-19 nhạy cảm với nhiệt độ cao

Tờ South China Morning Post ngày 8-3 đưa tin một nhóm chuyên gia từ ĐH Tôn Trung Sơn đã tiến hành nghiên cứu để xác định khả năng lây lan của COVID-19 bị các thay đổi theo mùa và thời tiết ảnh hưởng như thế nào.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong cách thức hoạt động của COVID-19. “Nhiệt độ có thể thay đổi đáng kể sự lây lan virus và virus có ngưỡng nhiệt độ lý tưởng nhất để tăng tốc độ lây truyền” - nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Nghiên cứu cũng phát hiện COVID-19 rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. Điều này có thể là nguyên nhân ngăn dịch lây lan tới các quốc gia ấm hơn trong khi lây lan mạnh hơn ở những vùng lạnh. Nhóm chuyên gia nói trên khuyến nghị những quốc gia và khu vực có nhiệt độ thấp cần thực thi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt.

Nhiều chính phủ các nước và giới chức y tế cũng đang cho rằng COVID-19 sẽ yếu đi khi thời tiết ấm lên, cơ bản giống các virus cảm lạnh và cúm thông thường.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của nhà dịch tễ học Marc Lipsitch thuộc ĐH Harvard (Mỹ) lại nhận thấy khả năng lây nhiễm của COVID-19 và sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm có thể xảy ra trong các điều kiện độ ẩm khác nhau từ các tỉnh khô và lạnh tại Trung Quốc tới các khu vực nhiệt đới như khu tự trị Choang Quảng Tây ở miền Nam nước này và Singapore.

“Thời tiết, như sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm trong những tháng mùa xuân và mùa hè ở bắc bán cầu sẽ không làm giảm các ca lây nhiễm nếu không thực thi các biện pháp can thiệp y tế quyết liệt” - ông Lipsitch cho hay.

Trung Quốc chuẩn bị đóng cửa toàn bộ bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán

Tờ China Daily ngày 9-3 đưa tin chính quyền TP Vũ Hán dự kiến sẽ đóng cửa toàn bộ bệnh viện dã chiến ở đây vào ngày 10-3 do tình hình dịch diễn biến rất tích cực, số ca nhiễm giảm mạnh.

Một ngày trước đó, Vũ Hán đã cho đóng cửa bệnh viện dã chiến nhà khách sau khi gần như mọi bệnh nhân đều đã xuất viện.

BS Chương Quân Kiện, Giám đốc bệnh viện dã chiến nhà khách, cho biết bệnh viện có quy mô 1.416 giường bệnh và đã chính thức tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 7-2. Tính đến khi đóng cửa, bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng 1.760 bệnh nhân, trong đó đã có 868 ca xuất viện, không có ca tử vong, y, bác sĩ không có ca lây nhiễm.

Đây là bệnh viện dã chiến thứ ba đóng cửa ở tâm dịch Vũ Hán, sau bệnh viện dã chiến ở quận Kiều Khẩu hôm 1-3, bệnh viện dã chiến Quang Cốc hôm 6-3.

Nhiều bình luận trên mạng xã hội phấn khởi cho biết động thái trên chứng tỏ cuộc chiến chống COVID-19 đang bước vào giai đoạn quyết định và TQ sẽ giành chiến thắng. Có cư dân mạng để lại lời nhắn: “Mau đóng cửa hết đi, mau gỡ bỏ lệnh phong tỏa đi, hết tiền đóng tiền nhà rồi”.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dich-covid19-tinh-den-sang-93-895106.html