Tình hình Đông Bắc Syria có ý nghĩa gì với các bên liên quan?
Quyết định rút binh sĩ khỏi Đông Bắc Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra khoảng trống cho Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hành động.
Khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gây nhiều áp lực từ biên giới, lực lượng người Kurd đã mời quân đội Chính phủ Syria hỗ trợ từ phía Nam và phía Tây.
Khu vực Mỹ rút quân là nơi có các nhà tù với trên 10.000 tù binh là thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cùng hàng chục nghìn thành viên gia đình sống tại các lán trại.
Như vậy, việc rút quân của Mỹ có ảnh hưởng không hề nhỏ đối với những nhóm người và tổ chức địa phương. Dưới đây là tổng hợp của hãng thông tấn Reuters (Anh) đối với những thành phần này.
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố muốn đưa 2 triệu người tị nạn Syria trở lại khu vực trong phạm vi chiến dịch, vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng người Kurd.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy tại Syria do Ankara chống lưng trong tuần đầu chiến dịch tập trung vào đánh bật chiến binh của Lực lượng dân quân người Kurd (YPG) khỏi hai thị trấn biên giới chiến lược là Tel Abyad và Ras al Ain cách nhau 120 km.
Bất chấp chỉ trích từ quốc tế, Tổng thống Erdogan tuyên bố không có gì có thể ngăn cản chiến dịch nhằm vào chiến binh YGP mà Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi là khủng bố.
Tổng thống Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm dải đất biên giới dài hàng trăm km từ Kobani ở phía Tây đến Hasaka tại phía Đông và sâu 30-35km trong lãnh thổ Syria.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với Reuters rằng giai đoạn đầu của chiến dịch sẽ kết thúc vào 13/11 khi Tổng thống Erdogan dự kiến gặp gỡ người đồng cấp Trump tại Washington.
Mục đích của Tổng thống Syria
Việc Mỹ rút binh sĩ và quân đội Syria bắt tay với lực lượng người Kurd được coi là diễn biến đặc biệt cho chính phủ của Tổng thống Assad. Khu vực này vốn bao gồm nhiều tiềm năng về mỏ dầu, đất nông nghiệp, nước ngầm và thủy điện.
Truyền thông nhà nước Syria khẳng định lực lượng quân đội chính phủ đã tiếp cận đường cao tốc M4. Ngày 15/10, quân đội Syria còn tiến đến Manbij - nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ từng tuần tra chung (video dưới, nguồn: RT).
Ý nghĩa với người Kurd
Kể từ khi nắm quyền kiểm soát khu vực Đông Bắc Syria, lực lượng người Kurd đã tạo dựng thể chế tự trị và dạy tiếng Kurd tại các trường học địa phương.
Khi đối mặt với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng người Kurd quyết định liên kết với quân đội Syria.
Lực lượng người Kurd vẫn hy vọng được duy trì quyền tự trị trong đối thoại chính trị thời gian tới với Chính phủ Syria nhưng hiện nay họ không còn đồng minh mạnh để hỗ trợ.
Trong khi đó, quân đội Chính phủ Syria và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đều có chung mục đích đánh đuổi Thổ Nhĩ Kỳ khỏi miền Bắc Syria.
Ông Joshua Landis tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông ở Đại học Oklahoma nhận định: “Chính phủ Syria cần người Kurd. Họ có 2 điểm chung là thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và không ủng hộ nhóm nổi dậy Sunni kiểm soát Đông Bắc Syria. Tuy nhiên, hai phía hoàn toàn bất đồng về việc kiểm soát Đông Bắc Syria”.
Điều gì đến với IS?
SDF là lực lượng chính hỗ trợ trên bộ cho Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS ở Syria. Trước khi rút quân, Mỹ đã chuẩn bị để đào tạo và trang bị vũ khí cho SDF nhằm ổn định khu vực, ngăn chặn phiến quân IS trở lại.
SDF cho rằng chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp sức mạnh cho tàn quân IS. SDF còn khẳng định có nhiều bất ổn trong nhà tù nơi lực lượng này giam giữ tù binh là phiến quân IS.
Lợi thế cho Iran
Đồng minh của Tổng thống Bashar al-Assad là Iran được cho là sẽ giành được lợi thế. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết các nhóm bán quân sự Iraq do Iran hỗ trợ tại biên giới Iraq-Syria sẽ giúp quân đội của Tổng thống Assad đảm bảo quyền kiểm soát, tăng cường hậu cần dọc hành lanh lãnh thổ từ Tehran tới Beirut (Lebanon).
Điều Nga muốn
Vai trò của Nga tại Trung Đông đang dần có thay đổi và điều này còn được thấy rõ qua chuyến thăm Vùng Vịnh của Tổng thống Vladimir Putin trong tháng 10.
Ngày 14/10, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Nga rất quan trọng và người đồng cấp Putin đã có “phương thức tích cực” đối với tình hình. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết Ankara đang hợp tác chặt chẽ với Moskva.
Hai quốc gia có thể cùng hình thành một thỏa thuận chia đôi biên giới phía Bắc thành vùng kiểm soát mới và ngăn các đồng minh bản địa gây chiến với nhau.
Chuyên gia Joshua Landis tại Đại học Oklahoma (Mỹ) nói: “Tôi cho rằng Nga có thể xử lý và sẽ có một thỏa thuận”.
Nga đã thể hiện được tiếng nói rõ ràng hơn đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và lực lượng người Kurd. Moskva chủ trương muốn tất cả các bên đàm phán để tìm ra giải pháp.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết: “Chúng tôi giữ liên lạc với cả đại diện của lực lượng người Kurd và Chính phủ Syria. Nga khuyến khích hai phía đàm phán để giải quyết vấn đề tại Syria, bao gồm đảm bảo an ninh biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ”.