Kể từ ngày 2/1, người dân Kazakhstan xuống đường biểu tình phản đối việc tăng giá khí đốt, dẫn đến các vụ đụng độ với cảnh sát, gây thương vong và tình trạng cướp phá, bất ổn an ninh trên toàn quốc. Trong ảnh: Người dân tụ tập biểu tình trước Nhà hát nghệ thuật truyền thống Alatau ở Almaty, Kazakhstan, ngày 4/1. (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev yêu cầu chính phủ giải quyết vấn đề giá nhiên liệu tăng vọt, đồng thời cam kết sẽ có biện pháp bình ổn giá. Một số đơn vị cung cấp nhiên liệu sau đó đã quyết định giảm giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuống còn 0,21USD/lít. Nhưng điều này không đủ để xoa dịu đám đông. Trong ảnh: Người biểu tình chen chúc trên chiếc xe tải. (Nguồn: Reuters)
Tối 4/1, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát tiếp tục xảy ra ở nhiều thị trấn của Kazakhstan và kéo dài suốt đêm. Trong ảnh: Người dân đi bộ trên đường phố ở Almaty, ngày 4/1. (Nguồn: Reuters)
Những cuộc đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình và lực lượng an ninh đã diễn ra. Trong ảnh: Người biểu tấn công lực lượng an ninh ở Aktobe, ngày 5/1. (Nguồn: Reuters)
Đám đông quá khích tấn công xe cảnh sát. (Nguồn: Reuters)
Trước tình hình bất ổn trên, các thành viên nội các chính phủ Kazakhstan do Thủ tướng Askar Mamin dẫn đầu đã xin từ chức. Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia với lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cấm bán các mặt hàng vũ khí, rượu cho đến ngày 19/1. Internet bị cắt, lực lượng quân đội quốc gia đã được triển khai để giữ gìn an ninh trật tự. Trong ành: Lực lượng an ninh Kazakhstan tham gia trấn áp cuộc biểu tình ở Almaty, ngày 5/1. (Nguồn: Reuters)
Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, các quan chức địa phương bị tấn công, các tòa nhà bị phá hủy, “gậy gộc, đá, xịt hơi cay và bom xăng đã được sử dụng". Trong ảnh: Quân đội Kazakhstan tại quảng trường chính ở Almaty, nơi hàng trăm người tụ tập biểu tình chống lại chính phủ, ngày 5/1. (Nguồn: Reuters)
Trong ngày 6/1, có 748 sĩ quan cảnh sát và quân đội bị thương, 18 nhân viên an ninh thiệt mạng trong các vụ bạo động, gần 2.300 người biểu tình bị bắt giữ. Thông tin chi tiết về thương vong dân sự hiện chưa được tiết lộ. Trong ảnh: Lực lượng an ninh đứng canh gác tại một chốt ở quảng trường chính tại Almaty, ngày 5/1. (Nguồn: Reuters)
Ngày 7/1, Bộ Nội vụ Kazakhstan xác nhận, 26 tội phạm có vũ trang đã bị tiêu diệt và hơn 3.000 người bị giam giữ. Các quan chức cho biết, hơn 1.000 người bị thương trong bạo loạn, với gần 400 người phải nhập viện và 62 người đang được chăm sóc đặc biệt. (Nguồn: Reuters)
Cảnh sát bắt giữ một người đàn ông trong cuộc biểu tình ở Almaty, ngày 5/1. (Nguồn: Reuters)
Người biểu tình xông vào nhiều cơ quan công quyền, chiếm giữ và đốt tòa thị chính. Trong ảnh: Các mảnh vỡ ngổn ngang trên sàn tại tòa thị chính ở Almaty, Kazakhstan, ngày 5/1. (Nguồn: Reuters)
Bạo loạn ở Kazakhstan lần này là tình trạng bất ổn tồi tệ nhất của đất nước kể từ khi độc lập ba thập niên trước. Kazakhstan lâu nay được coi là ổn định nhất trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Trong ảnh: Các căn phòng bị hư hại nghiêm trọng. (Nguồn: Reuters)
Trước tình hình rối ren trên, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi nhà chức trách và những người biểu tình ở Kazakhstan cùng tìm cách giải quyết tình trạng bạo lực. Trong ảnh: Tòa thị chính thành phố Almaty cháy đen sau cuộc bạo loạn. (Nguồn: Reuters)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: "Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kazakhstan, vốn là đối tác quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi lên án các hành động bạo lực và phá hoại tài sản. Đồng thời, kêu gọi các nhà chức trách và những người biểu tình kiềm chế". Trong ảnh: Dinh Tổng thống bị người biểu tình tấn công. (Nguồn: Reuters)
Về phía Liên hợp quốc, người phát ngôn Stephane Dujarric nói, cơ quan này bày tỏ quan ngại trước những diễn biến ở Kazakhstan, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực và tiến hành đối thoại. (Nguồn: Reuters)
Mới đây, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tuyên bố, trật tự hiến pháp gần như đã được khôi phục sau nhiều ngày biểu tình và bạo loạn ở Kazakhstan khiến 26 người thiệt mạng và khoảng 4.000 người bị giam giữ - con số thống kê đến ngày 7/1. (Nguồn: Reuters)
Ngày 6/1, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Stanislav Zas cho biết, sứ mệnh gìn giữ hòa bình của khối này đã được khởi động theo yêu cầu của Tổng thống Kazakhstan Tokayev. Hiện lực lượng này cùng đặc nhiệm Nga và Belarus đã đến Kazakhstan. Trong ảnh: Các binh sĩ Nga lên một chiếc máy bay quân sự để đến Kazakhstan, tại một sân bay bên ngoài Moscow, Nga, ngày 6/1. (Nguồn: Reuters)
(theo Reuters)
Kha Ninh