Tình hình kinh doanh Công ty Thép Pomina sau 4 quý lỗ liên tiếp

Sau 4 quý lỗ liên tiếp, CTCP Thép Pomina (HoSE: POM) đã lỗ ròng 960 tỷ đồng trong năm 2023. Dù giảm nhẹ so với năm trước nhưng đây vẫn là mức lỗ cao nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2023 đạt 333 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ năm trước. Điểm tích cực là công ty lãi gộp 22 tỷ đồng sau khi trừ giá vốn bán hàng (tương ứng tỷ suất sinh lời gộp đạt 7%), trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gộp hơn 242 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi tính thêm các khoản chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Thép Pomina báo lỗ thuần 165 tỷ đồng. Công ty còn ghi nhận thêm khoản lỗ khác (không được thuyết minh cụ thể) lên đến 148 tỷ đồng. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 âm 341 tỷ đồng, còn cùng kỳ năm trước âm 461 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, Thép Pomina có doanh thu thuần 3.281 tỷ đồng, giảm sâu so với mức 12.936 tỷ đồng của năm trước và kém xa mục tiêu doanh thu 9.000 đồng được ban lãnh đạo công ty đặt ra, giá vốn hàng bán cũng chỉ bằng 25% cùng kỳ, đạt 3.341 tỷ đồng. Công ty báo lỗ sau thuế cả năm đến 960 tỷ đồng, giảm được 28% so với mức lỗ 1.168 tỷ đồng của năm 2022. Tuy nhiên đây vẫn là mức lỗ nặng nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành tính tới thời điểm hiện tại.

Điểm đáng lưu ý, tính tới 31/12/2023, tổng nợ ngắn hạn là 7.963,6 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn ghi nhận 3.099,3 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn 4.864,3 tỷ đồng, hay có thể hiểu Công ty đang sử dụng 4.864,3 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn với kỳ hạn lớn hơn 1 năm.

Công ty hiện có 8.809 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Phần lớn trong số này là nợ vay tài chính ngắn và dài hạn. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm là 1.594 tỷ đồng. Lỗ sau thuế chưa phân phối tăng lên 1.270 tỷ đồng.

Các chủ nợ lớn của Pomina có thể kể đến Ngân hàng VietinBank với dư nợ 3.282 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV (1.689 tỷ đồng), Ngân hàng Vietcombank (488,5 tỷ đồng). Tại Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, đơn vị kiểm toán chỉ ra, Pomina có khoản nợ quá hạn 3.100 tỷ đồng (bao gồm 2.200 tỷ đồng nợ vay và hơn 900 tỷ đồng phải trả người bán). Trong khi đó, số dư tiền của Pomina chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 206,2 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2023.

Ban lãnh đạo công ty lý giải có hai nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh giảm sâu. Thứ nhất, nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay. Thứ hai, tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ giảm mạnh trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn.

Nợ vay của Thép Pomina bắt đầu phình to từ năm 2018 khi doanh nghiệp này định hướng chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư Nhà máy luyện phôi thép và Nhà máy sản xuất tôn mạ. Trong đó, Nhà máy tôn mạ hoạt động từ giữa năm 2019, còn Nhà máy luyện phôi thép xây dựng năm 2019 nhưng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kéo dài đến tháng 2/2021 mới đi vào hoạt động. Sau năm 2021 bùng nổ, thị trường thép trong nước bắt đầu đi xuống từ quý II/2022 khiến Pomina phải dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của Công ty do kinh doanh quá khó khăn.

Trong nỗ lực tái cơ cấu, Pomina đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho cổ đông chiến lược Nhật Bản Nansei Steel tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tuy nhiên, vào ngày 26/1/2024, HĐQT Công ty đã có nghị quyết tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ này. Lý do Công ty đưa ra là vì hai bên chưa đạt được thỏa thuận trong việc hợp tác chiến lược.

Minh Châu (t/h)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/tinh-hinh-kinh-doanh-cong-ty-thep-pomina-sau-4-quy-lo-lien-tiep-1953400.html