Tình hình kinh tế xã hội trong và ngoài nước tác động ra sao đến công nghiệp và thương mại Việt Nam?

Viện NCCLCS Công Thương vừa phát hành báo cáo Tình hình kinh tế xã hội thế giới và trong nước tác động đến phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam.

Công nghiệp và thương mại chịu tác động mạnh

Báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương nêu rõ, về tình hình thế giới, Ngân hàng Thế giới đánh giá GDP toàn cầu năm 2024 chịu sức ép từ lãi suất cao, căng thẳng thương mại, xung đột quân sự, biến động chính trị và dự báo kinh tế thế giới tăng 2,6%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước, thấp hơn mức tăng 3,1% của năm 2023. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo GDP toàn cầu năm 2024 tăng 3,2%.

Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, có thể leo thang lên mức nguy hiểm, vấn đề biển Đỏ, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu. Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển dự báo triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn rất bấp bênh. Trong quý II/2024, thương mại toàn cầu đã có bước phục hồi khá ngoạn mục, dự báo tăng 3% trong năm 2024.

Ở trong nước, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Trong đó, doanh nghiệp được giảm 36 khoản phí, lệ phí với mức giảm từ 10% đến 50% áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Đồng thời, được hưởng thuế VAT ưu đãi 8% (tức giảm 2%) đến hết ngày 31/12/2024. Chính phủ cũng đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, với các biện pháp bao gồm giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)…

Những diễn biến trên thị trường thế giới đã và đang được nhận định sẽ có những tác động đến công nghiệp (Ảnh minh họa)

Những diễn biến trên thị trường thế giới đã và đang được nhận định sẽ có những tác động đến công nghiệp (Ảnh minh họa)

Những diễn biến trên thị trường thế giới đã và đang được nhận định sẽ có những tác động đến công nghiệp và thương mại trong nước.

Cụ thể, đối với công nghiệp, việc Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức cao sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực và có tác động tiêu cực đến phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Theo đó, về dòng vốn đầu tư, khi Fed tăng lãi suất, lợi suất trái phiếu và các khoản đầu tư ở Hoa Kỳ trở nên hấp dẫn hơn. Điều này có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi, bao gồm Việt Nam, trở về Hoa Kỳ để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn và an toàn hơn. Hệ quả là dòng vốn FDI vào ngành công nghiệp của Việt Nam có thể giảm, gây khó khăn cho các dự án mở rộng và phát triển công nghiệp.

Đối với chi phí vay nợ, khi lãi suất tại Hoa Kỳ tăng, chi phí vay nợ của các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vay vốn bằng USD. Điều này có thể làm giảm khả năng mở rộng sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới của các doanh nghiệp công nghiệp.

Về lạm phát toàn cầu, tăng lãi suất là một biện pháp kiểm soát lạm phát, chi phí nguyên liệu và sản xuất cũng có thể giảm theo, giúp các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp của Việt Nam.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì mức lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát trong khu vực đồng Euro khiến các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao hơn ở các thị trường mới nổi như Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các ngành mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang EU như: Nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, sản phẩm điện tử...

Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine có nhiều diễn biến mới có thể làm cho giá các loại năng lượng đầu vào tăng cao, đồng thời có tác động tiêu cực đến lạm phát và có thể dẫn đến sự sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Đối với thương mại, chính sách duy trì lãi suất ở mức cao của Fed có thể làm thay đổi tỷ giá hối đoái USD/VND, USD sẽ có xu hướng mạnh hơn so với đồng VND, làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất thấp của EU có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày và nông sản.

Ngoài ra, việc giảm 36 khoản phí, lệ phí với mức giảm từ 10% đến 50% áp dụng từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 có thể khiến giảm thu ngân sách, tuy nhiên lại giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng với mức giảm 2% sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ, cùng với các tác động tích cực, Việt Nam cũng cần chuẩn bị đối phó với những thách thức có thể phát sinh, chẳng hạn như cạnh tranh gia tăng từ các doanh nghiệp quốc tế và yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Bên cạnh đó, cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương có nhiều tác động tích cực nhưng cũng có những tác động tiêu cực. Cụ thể, tăng lương cơ sở giúp cải thiện đời sống của người lao động, tăng sức mua và tiêu dùng nội địa, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tăng lương cơ sở trực tiếp làm tăng chi phí lao động, khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn.

Đối với xuất khẩu, Việt Nam có thể mất đi một phần lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác trong khu vực nếu chi phí sản xuất tăng cao.

Giải pháp hóa giải thách thức

Để hóa giải những thách thức kể trên, theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, cần thể thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp của ngành theo Công điện số 71/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô quý III năm 2024.

Bên cạnh đó, thúc đẩy chuyển đổi số, gắn với phát triển thương mại điện tử, tăng cường liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử. Đa dạng các mô hình phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu. Tăng cường tham gia và phối hợp chặt chẽ với các đối tác thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế, logistics trong thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…

Đồng thời, thúc đẩy phát triển triển thị trường trong nước thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.

Cụ thể hóa các nội dung có liên quan đến lĩnh vực của ngành Công Thương theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; Có chính sách ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao và năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư nước ngoài…

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, bao gồm giao thông, năng lượng và hạ tầng số để cải thiện kết nối và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ưu tiên tập trung nguồn lực cho những dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam, mở rộng cảng Hải Phòng, hiện đại hóa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và hoàn thiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và thương mại.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và thương mại để cải thiện hiệu quả sản xuất và kinh doanh; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lao động có trình độ khoa học công nghệ và kỹ năng chuyên môn. Chính sách ổn định tỷ giá và quản lý lãi suất cần linh hoạt, hiệu quả.

Ngoài ra, tiếp tục các nỗ lực ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và xây dựng quan hệ với các quốc gia lớn như Hoa Kỳ và Hàn Quốc để củng cố vị thế thương mại của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.

Đối với các doanh nghiệp, cần theo dõi sát sao các quyết định của Fed và chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Các biện pháp này có thể bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất trong nước và tìm kiếm các nguồn vốn thay thế để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Việt Nam. Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách tăng lương cơ sở, các doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả sản xuất, đầu tư vào công nghệ và tự động hóa, đồng thời kiến nghị với Chính phủ xem xét các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình điều chỉnh này.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-trong-va-ngoai-nuoc-tac-dong-ra-sao-den-cong-nghiep-va-thuong-mai-viet-nam-337108.html