Tình hình mưa lũ ngày 17/10: Quảng Trị đối diện với lũ lịch sử
Ngày 17/10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn nỗ lực mở đường, thông tuyến để sớm tiếp cận khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế). Trong khi đó, lũ trên các sông ở Quảng Trị đang lên nhanh và dự kiến đêm 17/10 sẽ vượt đỉnh lũ lịch sử.
Nhiều điểm sạt lở mới trên tuyến đường vào Thủy điện Rào Trăng 3
Sáng 17/10, tại Sở Chỉ huy tiền phương đóng tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, do điều kiện thời tiết diễn biến xấu, có mưa lớn, gây khó khăn cho lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Tại khu vực tìm kiếm, tổng lượng mưa tính đến sáng 17/10 từ 300 - 400 mm, xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới trên tuyến đường 71 dẫn vào Thủy điện Rào Trăng 3.
Hiện tại, lực lượng cứu hộ và phương tiện cơ giới đang tập kết trên tuyến đường 71 còn cách vị trí Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 12 km. Đoạn đường phía trước có nhiều ngầm lớn và điểm sạt lở mới. Khi điều kiện thời tiết ổn định, các lực lượng sẽ huy động phương tiện máy móc tham gia mở đường, thông tuyến để sớm tiếp cận khu vực Thủy điện Rào Trăng 3. Đến sáng 17/10, chưa có thêm công nhân của Thủy điện Rào Trăng 3 mất tích được tìm thấy.
Vụ sạt lở đất ngày 12/10 tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 đã làm 17 người mất tích, đến sáng 17/10 đã tìm thấy hai thi thể. Hiện nay, ở Thủy điện Rào Trăng 3 có 8 công nhân sống sót an toàn, đang bám trụ với sự tiếp tế lương thực của lực lượng cứu hộ. Khi lực lượng tìm kiếm được tăng cường mở đường vào, những người này sẽ phối hợp để xác định vị trí chính xác khu vực có công nhân gặp nạn.
Cũng trong ngày 17/10, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thông báo chính thức về Chương trình tang lễ 13 đồng chí hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Địa điểm tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện 268, Cục Hậu cần Quân khu 4, đường Mang Cá, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Trong ngày 18/10, lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ đến 11 giờ; lễ truy điệu bắt đầu từ 11 giờ đến 12 giờ; lễ di quan về địa phương bắt đầu từ 12 giờ. Chương trình tang lễ của từng liệt sĩ tại các địa phương do địa phương chủ động thực hiện.
Ngày 16/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1594/QĐ-TTg cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 đồng chí hy sinh khi đang thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn tại công trình thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cùng ngày, xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 1430/TTr - TTg ngày 16/10/2020, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam quyết định truy tặng Huân chương Dũng cảm cho: Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cổng Thông tin điện tử, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong ngày 16/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã quyết định truy tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 13 liệt sĩ.
Ngày 17/10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký Quyết định số 1819/QĐ-CTN truy thăng quân hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng đối với đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Quyết định số 1820/QĐ-CTN truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc cho 11 đồng chí vì đã có thành tích xuất sắc đột xuất trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đợt mưa lũ và bão vừa qua tại Thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, 2 đồng chí được truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất: Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Quảng Trị đối diện lũ lịch sử
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ qua, ở tỉnh Quảng Trị đã có mưa đặc biệt to, lượng mưa tại Tà Rụt 175 mm, Đăk Rông 152 mm, Hướng Linh 286 mm, Hướng Sơn 438 mm.
Lũ trên trên các sông ở Quảng Trị đang lên nhanh. Mực nước lúc 19 giờ ngày 17/10 trên sông Hiếu tại trạm Đông Hà là 4,77 m, trên báo động 3 là 0,77 m; sông Thạch Hãn tại trạm Thạch Hãn 7,28 m, trên báo động 3 là 1,28 m.
Dự báo, lũ trên các sông ở Quảng Trị tiếp tục lên nhanh. Vào tối, đêm 17/10, mực nước trên các sông Hiếu tại trạm Đông Hà lên mức là 5,3 m, trên báo động 3 là 1,3 m, cao hơn lũ lịch sử năm 1983 là 0,72 m. Trên sông Thạch Hãn tại trạm Thạch Hãn lên mức 7,7 m, trên báo động 3 là 1,7 m, cao hơn lũ lịch sử năm 1999 là 0,41 m.
Các sông khác ở Quảng Trị lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, ngập lụt tại các huyện Đắkrông, Hướng Hóa. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị tại tỉnh Quảng Trị tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại thị xã Quảng Trị, các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng,Vĩnh Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà. Cấp độ rủi ro thiên tai cho các sông ở Quảng Trị cấp 3.
Sạt lở đất khiến 2 người chết, nghi còn 4 người mất tích ở Quảng Trị
Tối 17/10, ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết: Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngay, tại bản Tà Rùng, xã Húc xảy ra vụ sạt lở đất do mưa lũ, làm vùi lấp hoàn toàn căn nhà của anh Hồ Văn Phơi. Trong căn nhà của anh Hồ Văn Phơi bị vùi lấp nghi có 6 người. Trong đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại địa phương đã tìm thấy 2 người bị đất đá vùi lấp, nhưng cả 2 người này đều không qua khỏi. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ của xã Húc đang tiếp tục tìm kiếm, nghi còn 4 người mất tích trong căn nhà bị đất đá sạt lở vùi lấp. Anh Hồ Văn Phơi là Phó trưởng thôn Tà Rùng, xã Húc.
Khó khăn nhất hiện này trong công tác cứu hộ, cứu nạn là đường Tỉnh lộ 586 nối từ thị trấn Khe Sanh vào xã Húc đã bị sạt lở nhiều điểm, khiến xã này bị cô lập. Do đó, lực lượng cứu hộ, cứu nạn của huyện Hướng Hóa không thể vào tiếp cận được hiện trường. Hiện nay, tại hiện trường chỉ có lực lượng cứu hộ, cứu nạn tại chỗ của xã Húc tìm kiếm, nghi còn 4 người mất tích trong căn nhà của anh Hồ Văn Phơi bị đất đá sạt lở vùi lấp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra ngập lụt trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã có 82 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt.
Cũng trong ngày 17/10, trước diễn biến ngày càng phức tạp của mưa lũ, Đoàn đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Qua kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề nghị lãnh đạo hai huyện Hướng Hóa và Đakrông tích cực triển khai, theo dõi sát diễn biến mưa lũ, công điện của tỉnh để có phương án phù hợp.
Sạt lở hơn 400 mét bờ biển Thịnh Mỹ ở Quảng Nam
Do ảnh hưởng của mưa lũ từ ngày 6/10 đến nay, trên khu vực biển thuộc địa bàn thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) xuất hiện sóng to, gió lớn, nhiều đợt triều cường cao hơn 4 - 5m liên tục đánh vào bờ đã làm sạt lở nhiều đoạn bờ biển, gãy đổ nhiều cây xanh, sập đổ nhiều công trình nhà nước và tư nhân ven bờ. Trong đó, nặng nhất là sạt lở ở khu vực bãi biển Thịnh Mỹ, thuộc địa bàn phường Cẩm An.
Ông Đinh Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cẩm An, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết: Do ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua, triều cường đã làm bờ biển Thịnh Mỹ bị sạt lở sâu vào đất liền khoảng 30m, dài hơn 400m.
Trước tình trạng bờ biển bị sạt lở, để đảm bảo an toàn cho nhân dân và du khách, UBND phường Cẩm An đã huy động lực lượng tổ chức thông báo trên loa, đặt biển báo, giăng giây nghiêm cấm mọi người tắm và các hoạt động khác tại khu vực bị sạt lở. Khu vực này trước đây cũng đã có sạt lở một vài điểm nhỏ và đang được UBND thành phố chuẩn bị tập trung phương tiện, vật tư, nguyên liệu để làm kè thì xảy ra mưa lũ nên tạm thời bị gián đoạn. Dự kiến, khi đợt mưa lũ này kết thúc, thành phố Hội An sẽ khẩn trương xây dựng bờ kè tại khu vực này.
Tập trung ứng phó mưa lũ
Trước tình hình mưa lũ phức tạp và dự báo còn kéo dài, ngày 17/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 27/CĐ-TWPCTT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam; các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế về việc tập trung ứng phó mưa lũ.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Điện của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân: Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.
Chung tay hướng về đồng bào miền Trung
Sáng 17/10, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh - Ban Cứu trợ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát động Chương trình “Chung tay hướng về đồng bào miền Trung”, kêu gọi quyên góp, ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm và tiền mặt để kịp thời hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Phó Ban Cứu trợ Thành phố Hồ Chí Minh, trong những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tổ chức tôn giáo, các đơn vị kinh tế, tổ chức xã hội, đồng bào ta ở nước ngoài… bằng tình cảm, tấm lòng và sự sẻ chia, đã tích cực ủng hộ, đóng góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung ruột thịt.
Ngay tại Chương trình “Chung tay hướng về đồng bào miền Trung”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố - Ban cứu trợ Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và tiếp nhận đăng ký ủng hộ Quỹ Cứu trợ với số tiền và hàng hóa trị giá hơn 7,7 tỷ đồng.
Chia sẻ những khó khăn của đồng bào miền Trung bị thiên tai, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã nhất trí chủ trương thành lập đoàn công tác đi thăm, hỗ trợ 2,1 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai. Cụ thể, hỗ trợ các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Nam mỗi tỉnh 500 triệu đồng; các tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi mỗi tỉnh 300 triệu đồng.