Tình hình Myanmar: Giao thương đóng băng, hàng hóa 'đứng hình' và nguy cơ thiếu hụt nguyên nhiên liệu

Việc các tài xế xe tải, quan chức và nhân viên ngân hàng đình công đã khiến giao thương quốc tế qua các cảng của Yangon rơi vào bế tắc, với xuất khẩu ước tính giảm tới 90% kể từ ngày 1/2.

Lối vào vắng vẻ ở Cảng Công nghiệp Myanmar, ở Yangon, ngày 8/3. (Nguồn: Frontier)

Lối vào vắng vẻ ở Cảng Công nghiệp Myanmar, ở Yangon, ngày 8/3. (Nguồn: Frontier)

Khi bỏ ra hàng triệu USD để mua hàng từ hồi tháng 1/2021, Madhu không bao giờ tưởng tượng được rằng hai tháng sau, hàng hóa của anh vẫn nằm trong nhà kho ở Yangon.

Cuộc chính biến ngày 1/2 ở Myanmar, kéo theo là Phong trào Bất tuân dân sự (CDM) đã khiến hàng chục nghìn công nhân, cả trong các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, đồng loạt đình công cho đến khi nền dân chủ được khôi phục ở nước này.

Không ai làm việc

Các tài xế xe tải, nhân viên hải quan, nhân viên tại các cảng và các cơ quan công quyền cũng như bán công quyền, những người vẫn phụ trách việc cấp các giấy tờ cần thiết để xuất nhập khẩu hàng hóa, đều ngừng làm việc. Giao thương đường biển bị đình trệ.

Tác động này được cảm nhận rõ nét nhất ở Yangon, nơi diễn ra gần như toàn bộ hoạt động giao thương bằng đường biển của Myanmar và chiếm gần 70% tổng trao đổi thương mại của nước này.

“Thậm chí không ai muốn chở hàng”, Madhu cho biết. "Các nhà cung cấp tại địa phương không muốn chở hàng, và cũng không có xe container để chở hàng hóa đến cảng".

Việc chuyên chở hàng hóa chỉ là một trong những trở ngại. Công nhân tại Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên bang Myanmar (UMFCCI) cũng đang đình công, điều đó có nghĩa là các nhà xuất khẩu không thể nhận được giấy chứng nhận xuất xứ.

Việc các ngân hàng tư nhân đóng cửa do các nhân viên trình độ cao tham gia CDM cũng gây khó khăn cho việc gửi hoặc nhận các khoản thanh toán.

Những người như Madhu khi xuất khẩu nông sản cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp, Thủy lợi và Chăn nuôi, tuy nhiên, các nhân viên cấp giấy đã từ chối làm việc.

“Mọi người đều đang phải đối mặt với cùng một vấn đề và không có ai để cầu xin sự giúp đỡ”, anh nói. “Chúng tôi không biết khi nào sẽ có giải pháp. Tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng như thế này”.

Hình ảnh nhìn từ trên xuống tại Cảng Công nghiệp Myanmar. (Nguồn: Frontier)

Hình ảnh nhìn từ trên xuống tại Cảng Công nghiệp Myanmar. (Nguồn: Frontier)

Bến cảng tê liệt

Các đại lý làm thủ tục hải quan và các quan chức thuộc Hiệp hội Xe tải Container Myanmar (MCTA) đầu tháng 3 cho biết, khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua các cảng của Yangon đã giảm tới 90%, trong khi nhập khẩu qua hải quan giảm khoảng 80%.

Các vấn đề bắt đầu từ ngày 8/2, khi nhân viên tại các ngân hàng tư nhân đồng loạt tham gia CDM, hầu như tất cả chi nhánh ngân hàng đóng cửa.

Điều này khiến việc chuyển tiền quốc tế bị đình trệ và gây khó khăn cho việc nộp thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu.

Bốn ngày sau đó, nhiều tài xế xe container tham gia CDM, làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa định xuất khẩu cũng như hàng nhập khẩu đã được dỡ xuống tại cảng. Gần như tất cả 2.800 xe tải thuộc MCTA đã tham gia cuộc đình công.

Một quan chức cao cấp của một công ty làm thủ tục hải quan cho biết, số lượng ít ỏi xe container đang hoạt động hiện nay đều thuộc công ty Myanma Economic Holdings Limited (MEHL) có quan hệ với quân đội (Tatmadaw), và mức giá cũng đã tăng từ 10.000 đến 80.000 Kyat/ chuyến (khoảng 1,3 triệu đồng).

“Hiện tại bạn chỉ có thể thuê xe tải của MEHL và các tài xế đều ra giá cắt cổ. Do vậy, hàng hóa chất đống tại các cảng, không thể di chuyển được”, quan chức này nói.

Các nhân viên làm thủ tục hải quan cho biết các công nhân tại cảng Yangon cũng đã tham gia CDM. Bởi thiếu công nhân, cảng Yangon chỉ hoạt động cầm chừng mà thôi.

Tại nhiều đại lý hải quan, bộ phận thường được thuê xử lý toàn bộ hồ sơ cho các nhà xuất nhập khẩu, cũng từ chối làm việc. Một nguồn tin trong ngành ước tính khoảng 70% đại lý đã đình công.

Để tránh tình trạng thiếu hụt đại lý này, ngành hải quan đã cho phép các nhà nhập khẩu xử lý thủ tục giấy tờ trực tiếp tại Văn phòng Hải quan (Custom House).

Tuy nhiên, những người biểu tình đã thường xuyên nhắm mục tiêu vào Custom House và kết quả là cảnh sát đã kéo đến tòa nhà này đặt trên phố Strand ở trung tâm Yangon.

Nhiều nhân viên hải quan đã nghỉ việc gây ra sự thiếu hụt nhân viên nghiêm trọng, một người có kinh nghiệm 20 năm làm thủ tục hải quan cho biết. “Trong tình huống này, thực sự khó cho chúng tôi làm công việc của mình”, người này cho biết.

Bên cạnh đó, ngành hải quan đã ngừng sử dụng Hệ thống thông quan hàng hóa tự động của Myanmar, một hệ thống trực tuyến được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản hỗ trợ 40 triệu USD và ra mắt vào tháng 1/2017, và quay trở lại xử lý trực tiếp các tài liệu bằng giấy (bản cứng).

Điều này có nghĩa là số nhân viên hải quan vốn đã ít ỏi lại đang phải làm việc nặng nhọc hơn vì phải xử lý các tài liệu bằng tay.

Theo số liệu của Cơ quan Vận tải biển Myanmar, đã có sự sụt giảm nhỏ trong nhập khẩu hàng hóa vào tháng 2 vừa rồi. Tuy nhiên, phần lớn hàng hóa được nhập vào Yangon vẫn đang nằm ở các bến cảng, không thể thông quan và đưa ra thị trường.

Việc chất đống hàng hóa nhập khẩu đã làm trầm trọng thêm vấn đề không gian chứa hàng, do lượng container ứ đọng.

Trong khi đó, các nhà kho cũng đang được lấp đầy nhanh chóng do các nhà máy may mặc tiếp tục sản xuất hàng hóa nhưng không thể xuất đi nước ngoài, các nguồn tin trong ngành logistics cho biết.

Một nhân viên làm thủ tục thông quan cho biết lô hàng duy nhất mà anh xử lý được chuyển từ cảng ở Thilawa đến khu công nghiệp gần đó, vì lô hàng này không yêu cầu thanh toán thuế hải quan hay liên quan đến ngân hàng.

“Nếu phải làm các thủ tục liên quan đến cơ quan hải quan, ngân hàng hoặc thuê xe container, việc thông quan gần như là không thể”, anh khẳng định.

Tập đoàn Maersk của Đan Mạch là một trong số các công ty vận tải biển lớn dừng các dịch vụ chuyển hàng đến Yangon. (Nguồn: Frontier)

Tập đoàn Maersk của Đan Mạch là một trong số các công ty vận tải biển lớn dừng các dịch vụ chuyển hàng đến Yangon. (Nguồn: Frontier)

Các ông lớn cũng "bó tay"

Sự chậm trễ kéo dài trong việc xếp dỡ hàng hóa - đặc biệt là do vấn đề thủ tục giấy tờ tại các cảng - đã khiến các hãng tàu biển lớn thường xuyên ghé Yangon phải "đau đầu".

Vào tháng 2, một số tàu đã mắc kẹt tại cảng trong vài tuần liền, chờ các container dỡ hết hàng để rời cảng, điều mà các nhà xuất khẩu cho biết sẽ hiện rất khó xảy ra.

Từ ngày 12/2 - khi các tài xế xe tải tham gia CDM - đến ngày 7/3, dữ liệu từ các trang web theo dõi hàng hải cho thấy đã có 24 tàu rời cảng Yangon mà không chở theo hàng, trong khi 9 chiếc chỉ chở một phần và chỉ có 5 chiếc được lấp đầy khoang.

Câu chuyện tương tự diễn ra tại Thilawa, nơi có 28 tàu rời đi mà không có bất kỳ hàng hóa nào trong cùng khoảng thời gian, 2 tàu chở một ít hàng và chỉ có 2 tàu đầy hàng.

Do những khó khăn này, các tàu chở hàng cập cảng Yangon ít hơn và dự kiến sẽ giảm hơn nữa kể từ giữa tháng 3, các nguồn tin trong ngành cho biết.

Hãng tàu biển Hapag-Lloyd của Đức thông tin với khách hàng hôm 19/2 rằng họ đã ngừng nhận đơn hàng nhập khẩu vào Myanmar "ngay lập tức" do sự gián đoạn gây ra bởi cuộc chính biến ngày 1/2.

“Với các cuộc biểu tình diễn ra liên tục hằng ngày ở Myanmar, tình hình ngày càng trở nên căng thẳng. Các dịch vụ trung chuyển, vận tải đường bộ bị hạn chế và một số nhà máy và kho bãi đang làm việc với lực lượng lao động ít nhất”, hãng này cho biết.

Nhưng không chỉ Hapag-Lloyd rơi vào tình cảnh này. Gần như tất cả các hãng vận tải lớn đều đã tạm dừng các dịch vụ đến Yangon. Trang web Container News cho biết, các hãng vận tải Wan Hai Lines và TS Lines của Đài Loan (Trung Quốc) đã ngừng ghé cảng, trong khi Nikkei Asia đưa tin rằng công ty Maersk của Đan Mạch đã tạm dừng các dịch vụ cho đến ít nhất là ngày 14/3.

“Tình trạng bất ổn đang diễn ra ở Myanmar đang trở thành thảm họa”, Maersk cho biết trong một thông báo ngày 5/3. “Vì vậy, chúng ta cần phải có những điều chỉnh phù hợp, để đảm bảo an toàn và sức khỏe tinh thần cho mọi người”.

Hiện tại, việc thiếu hàng nhập khẩu đang có những biểu hiện rõ ràng. Các nhà máy may mặc ở Yangon đã bắt đầu cạn nguyên liệu, trong khi một số sản phẩm nước ngoài đã biến mất khỏi các kệ hàng siêu thị.

Đồng thời, có nhiều lo ngại rằng tình trạng thiếu hụt có thể lan sang các mặt hàng thiết yếu hơn, đặc biệt là dầu cọ và nhiên liệu. Tiến sĩ Soe Tun, một doanh nhân nổi tiếng trong xuất khẩu gạo, nói rằng nếu giao thương hai mặt hàng này bị gián đoạn, "những vấn đề lớn hơn có thể xảy ra".

Ông nói: “Sự thiếu hụt nhiên liệu sẽ làm gián đoạn hoạt động của máy móc công nghiệp, máy xây dựng và vận tải. Hậu quả có thể thực sự đáng báo động".

Tiến sĩ Win Myint, Tổng thư ký Hiệp hội Giao thương Dầu mỏ Myanmar, cho biết Myanmar tiêu thụ 200.000 gallon xăng và 400.000 gallon dầu diesel mỗi tháng, và chỉ có lượng dự trữ đủ cho khoảng hai tháng.

Ông nói: “Chúng tôi không có bể chứa lớn để chứa nhiều hơn thế. Vì thế chúng tôi phải nhập khẩu nhiên liệu liên tục để đảm bảo không bị thiếu hụt”.

Đây cũng là chủ đề của cuộc họp của Hội đồng Quản lý Nhà nước hôm 25/2. Thống tướng Min Aung Hlaing nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu và dầu ăn nhập khẩu.

Các xe chở nhiên liệu chờ bên ngoài các cổng vào Đặc khu kinh tế Thilawa ở Vùng Yangon. (Nguồn: Frontier)

Các xe chở nhiên liệu chờ bên ngoài các cổng vào Đặc khu kinh tế Thilawa ở Vùng Yangon. (Nguồn: Frontier)

Các biện pháp khẩn cấp

Chính phủ quân sự đã thực hiện một số biện pháp để giảm bớt sự tắc nghẽn và đảm bảo hàng hóa tiếp tục lưu thông - trong đó có việc tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động để giảm bớt các vấn đề thanh toán.

Vào ngày 26/2, Ngân hàng Trung ương đã gửi một chỉ thị đến tất cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như các ngân hàng trong nước có giấy phép hoạt động ngoại hối, với dòng tiêu đề “Hợp tác để không xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu”.

Chỉ thị cho biết các ngân hàng được yêu cầu hợp tác với các nhà nhập khẩu nhiên liệu đồng thời báo cáo hàng ngày cho Ngân hàng Trung ương về những gì đã làm để hỗ trợ các nhà nhập khẩu nhiên liệu.

Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương U Win Thaw hôm 4/3 nói rằng sẽ có "hậu quả tiêu cực" nếu các ngân hàng không tuân theo các chỉ dẫn của Ngân hàng Trung ương, đồng thời nói rằng chỉ thị cũng giống như một "lời cảnh báo để các ngân hàng thực hiện trách nhiệm của mình".

“Nếu thiếu nhiên liệu, người dân sẽ phải gánh chịu hậu quả. Các ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu hụt", ông nói.

Chủ trương này dường như đã thành công, vì số lượng tàu chở dầu cập cảng trong 10 ngày sau khi có chỉ thị của Ngân hàng Trung ương đã tăng gấp đôi so với 10 ngày trước đó.

Vào ngày 1/3, một Ủy ban cũng đã được thành lập tại Cảng Yangon bao gồm các thành viên đến từ Cảng Myanmar, hải quan, các ngân hàng và cảnh sát, nhằm gia tăng hoạt động giao thương.

Hai ngày sau, Bộ Thương mại đã ban hành quy định tạm thời miễn giấy phép xuất khẩu và nhập khẩu cho một loạt sản phẩm, có hiệu lực từ ngày 8/3 đến ngày 9/4. Các mặt hàng xuất khẩu được miễn trừ bao gồm hành và tỏi, gạo, bông, cao su thô và đường, và hàng nhập khẩu bao gồm bột mì, dầu ăn, xi măng, xăng và dầu diesel, dược phẩm và phân bón.

Trong những ngày gần đây, Hải quan cũng đã tiếp tục sử dụng MACCS, hệ thống thông quan trực tuyến.

Đồng thời, Hiệp hội Container Myanmar nỗ lực hoạt động nhiều hơn, với quyết định hôm 1/3 cho phép vận chuyển hàng hóa và thuốc men khẩn cấp. Một số tài xế đã ngừng tham gia CDM và trở lại làm việc, các xe tải chở hàng đã bắt đầu rời khỏi bến cảng vào ban đêm dưới sự bảo vệ có vũ trang.

Tuy vậy, các nguồn tin cho biết điều này đến nay vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt. Các hoạt động vận chuyển bằng xe tải quanh cảng chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp có liên kết với quân đội và hoạt động thương mại vẫn chỉ rất nhỏ so với mức trước cuộc chính biến.

Một nguồn tin trong lĩnh vực logistics cho biết: “Về cơ bản… không có hoạt động vận chuyển gì”, ước tính hoạt động tại các cảng giảm 95% kể từ cuộc chính biến. "Chỉ có một số lượng hàng hóa cực kỳ hạn chế đi qua cảng".

Tình hình thậm chí còn trở nên khó khăn hơn trong những tuần gần đây. Các tài xế xe tải miễn cưỡng hơn trong việc vận chuyển hàng hóa quanh Yangon trong bối cảnh bạo lực khiến nhiều người biểu tình tử vong, và việc giao thông nhiều nơi bị gián đoạn do bị những người biểu tình phong tỏa và đặt chướng ngại vật.

“Tài xế xe tải là những chàng trai chăm chỉ; cứng rắn, kiên cường. Nhưng rất nhiều người trong số họ đang lo lắng - hoặc gia đình của họ đang lo lắng - về những thứ như chướng ngại vật trên đường phố, an toàn cá nhân, sự chê bai của xã hội hoặc thậm chí bị tấn công”, nguồn tin trong ngành logistics cho biết.

Trong khi đó, Trợ lý Thư ký MCTA U Myo Htut Aung cho biết, các thành viên của hiệp hội sẽ vẫn quyết tâm tiếp tục biểu tình chống lại chính phủ quân sự.

“Vào ngày 1/3, chúng tôi đã cho phép các thành viên trở lại làm việc nếu họ muốn,” ông nói. “Nhưng hầu hết trong số họ - khoảng 70% - vẫn muốn tiếp tục tham gia CDM”.

Đối với Madhu, cơ hội để vận chuyển hàng hóa ra khỏi kho ngày càng ít đi. Từ giữa tháng 3, sẽ ít tàu muốn ghé cảng Yangon cho đến khi CDM kết thúc, vì vậy anh chỉ biết chờ đợi kéo dài. Khi được hỏi liệu có bất kỳ sự cải thiện nào trong những ngày gần đây hay không, anh chỉ trả lời ngắn gọn: "Chẳng có gì ... Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn".

(theo Frontier Myanmar)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-myanmar-giao-thuong-dong-bang-hang-hoa-dung-hinh-va-nguy-co-thieu-hut-nguyen-nhien-lieu-139197.html