Tình hình Myanmar: Khủng hoảng tài chính toàn diện?
Có những ý kiến lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng đang diễn ra tại Myanmar. Niềm tin vào nền kinh tế đang bị lung lay.
Người dân Myanmar đang tuyệt vọng vì thiếu tiền mặt. Họ bắt đầu xếp hàng tại các cây ATM lúc 3h30 sáng. Rạng sáng, đã có hơn 300 người và đến trưa, khi nhiệt độ lên tới 100 độ F (khoảng hơn 37,5 độ C), nhiều người vẫn chờ đợi và hy vọng có thể rút tiền từ tài khoản ngân hàng.
Tuyệt vọng vì thiếu tiền mặt
Kể từ cuộc chính biến diễn ra ngày 1/2, Myanmar đã bị tê liệt vì thiếu tiền mặt. Để các ngân hàng không bị quá tải, các máy ATM tại quốc gia này được chọn ngẫu nhiên để tích trữ tiền mặt hằng ngày và số tiền rút ra cũng được giới hạn, khoảng 120 USD.
Suy thoái kinh tế đã gây ra những hậu quả sâu rộng. Người gửi tiền tiết kiệm không thể rút tiền mặt; doanh nghiệp không thể trả tiền cho công nhân và đối tác; các khoản cho vay, nợ không được thu hồi. Giá trị của đồng Kyat - tiền tệ của Myanmar đã giảm hơn 20% so với đồng USD từ ngày 1/2 đến giữa tháng 7/2021.
Hiện tại, ở Myanmar có chưa đầy 100 máy ATM có tiền mặt mỗi ngày. Việc tích trữ tiền trở nên phổ biến và nhiều doanh nghiệp sẽ chỉ chấp nhận tiền mặt, không chấp nhận chuyển khoản qua ngân hàng.
Hoạt động môi giới tiền tệ đã "mọc lên" tại quốc gia Đông Nam Á này để cung cấp tiền mặt, với chi phí từ 7-15%. Trên thực tế, Myanmar hiện có 2 giá trị đồng tiền: Tiền mặt có giá trị cao hơn so với tiền chuyển qua tài khoản. Các chuyên gia cảnh báo rằng, đất nước này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện.
Cố vấn cấp cao về Myanmar của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) Richard Horsey cho biết: “Hiện tại, mọi thứ đang bị đóng băng. Đây là một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu rộng và niềm tin vào chế độ, các ngân hàng và nền kinh tế đang bị lung lay”.
Theo nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Myanmar dự kiến giảm 18% trong năm nay, trong bối cảnh bất ổn chính trị ngày càng sâu sắc và sự gia tăng nhanh chóng của làn sóng Covid-19 thứ 3. Đại dịch sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế và đe dọa ngay lập tức đến cuộc sống và sinh kế của người dân. Tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2022.
Nền kinh tế Myanmar bắt đầu mở rộng cách đây khoảng một thập niên. Nhưng một phong trào biểu tình chống chính biến và tổng đình công đã làm tê liệt phần lớn nền kinh tế, bao gồm việc đóng cửa gần như tất cả các chi nhánh ngân hàng của đất nước trong những tháng đầu tiên sau khi quân đội tiếp quản. Việc hạn chế thanh toán trực tuyến cũng góp phần vào cuộc khủng hoảng lần này.
Vào giữa tháng 3/2021, Internet bị cắt cũng khiến các giao dịch trực tuyến trở nên khó khăn và việc chuyển tiền trực tuyến bị ngừng hoạt động.
Cựu đại sứ Myanmar tại Anh Vicky Bowman nhận định: “Khi các ngân hàng đóng cửa, người dân có nỗi lo chung là không thể đi rút tiền mặt. Sau đó, việc mất mạng Internet càng làm tăng mong muốn có tiền mặt của người dân".
Tại cây ATM của Ngân hàng Kanbawza ở Mandalay, 38 người đầu tiên xếp hàng đã rút được tiền mặt. Khi đến lượt Ma May Thway Chel, khách hàng thứ 39, thì cây ATM đã hết tiền mặt.
Cô Thway Chel nói: "Tôi đang lãng phí thời gian của mình tại các cây ATM nhưng cũng không có lựa chọn nào khác".
Ở các vùng nông thôn, tiền mặt thậm chí còn khan hiếm hơn. Một số nông dân đã chuyển sang đổi hàng, buôn bán thực phẩm mà họ trồng để lấy các loại thực phẩm khác hoặc sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế.
Khủng hoảng tài chính sẽ ngày càng trầm trọng?
Phát ngôn viên của quân đội, Tướng Zaw Min Tun cho rằng, tình trạng thiếu tiền mặt sẽ được giải quyết trong tháng này.
Các quan chức ở Myanmar cũng xác nhận, Ngân hàng Trung ương nước này đã bắt đầu in tiền mới và hoạt động này được tính toán theo chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để ngăn chặn lạm phát.
Nhà kinh tế U Hein Maung tại một tổ chức tư vấn chính sách kinh tế ở Yangon nhận định: "Không chắc chính quyền có thể thoát khỏi tình trạng khó khăn kinh tế và cuộc khủng hoảng tài chính sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong những tháng tới.
Dù chưa chạm đáy nhưng giá trị đồng tiền của Myanmar đang đi xuống.
Hiện tại, các ngân hàng cũng giống như các cây ATM, giới hạn đáng kể số lượng giao dịch viên và giới hạn số tiền mà khách hàng được rút mỗi lần, tương đương khoảng 300 USD.
Công ty Western Union của Mỹ đang gặp khó khăn bởi các quy định trên do phụ thuộc vào các ngân hàng Myanmar để xử lý các giao dịch nhưng các ngân hàng đã nắm giữ phần lớn số tiền được chuyển đến kể từ cuộc chính biến diễn ra.
Chỉ có vài chục người có thể nhận tiền của Western Union mỗi ngày và công ty cũng chỉ được phép chuyển khoản dưới 425 USD, nếu hơn, toàn bộ số tiền sẽ bị đóng băng.
Ở thủ đô Yangon, với dân số 5 triệu người, chỉ có khoảng 20 cây ATM được tích trữ tiền mặt mỗi ngày. Còn tại Mandalay, với khoảng 1,5 triệu dân, cũng chỉ có khoảng 10 cây ATM được dự trữ tiền mặt.
Bất chấp những rủi ro do dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng tại Myanmar, hàng dài người vẫn xếp hàng mỗi sáng tại các máy ATM để chờ rút tiền mặt.
May Thway Chel, 28 tuổi, một nhân viên kế toán đã đến một chi nhánh Ngân hàng Kanbawza để rút tiền gần như mỗi ngày trong 5 tháng qua, nhưng chỉ rút tiền được 4 lần.
Nhiều người dân Myanmar cũng giống như May Thway Chel, dường như cũng đã làm việc này đều đặn như một thói quen...
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-myanmar-khung-hoang-tai-chinh-toan-dien-154370.html