Tình hình Myanmar vẫn chưa lắng dịu
Đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng cho tới nay, tình hình tại Myanmar sau chính biến ngày 1/2 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Các tổ chức quốc tế và nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán.
Sáng 28/3, Tư lệnh và Chỉ huy quân sự cấp cao các nước, gồm Mỹ, Australia, Canada, Đức, Hy Lạp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc và Anh đã ra tuyên bố chung lên án việc sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình tại Myanmar. Tuyên bố kêu gọi các bên tại Myanmar hành xử phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ dân thường và cùng nhau làm việc để khôi phục niềm tin của nhân dân.
Tuyên bố có đoạn: “Với tư cách là tổng tham mưu trưởng, chúng tôi lên án việc lực lượng vũ trang Myanmar và các cơ quan an ninh liên quan sử dụng vũ lực gây sát thương đối với những người không có vũ khí” và “Một quân đội chuyên nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về hành xử và có trách nhiệm bảo vệ - không phải gây tổn hại - đến người dân mà họ phụng sự”. Đây là tuyên bố hiếm hoi của các chỉ huy quân đội cấp cao nhất ở cả châu Á và châu Âu. Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này đã làm tăng áp lực từ bên ngoài lên chính quyền quân sự Myanmar.
Trước đó, ngày 27/3, phái đoàn EU cùng các Đại sứ quán Mỹ và Anh tại Myanmar cũng đã ra thông cáo chỉ trích mạnh mẽ các vụ bạo lực xảy ra đúng ngày Quân đội tổ chức kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang. Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Mỹ bị “choáng váng” trước những diễn biến tại Myanmar. Ông đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế để tránh có thêm nhiều dân thường thiệt mạng.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thì cho rằng, vụ đụng độ ngày hôm qua đã đánh dấu một nấc leo thang mới trong cuộc khủng hoảng tại quốc gia Đông Nam Á này. Anh sẽ làm việc cùng với các đối tác quốc tế để kết thúc tình trạng bạo lực, buộc những người liên quan phải chịu trách nhiệm, cũng như đảm bảo con đường trở lại dân chủ”.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) và Văn phòng LHQ tại Myanmar cũng đã lên tiếng phản đối các vụ bạo lực ngày 27/3. “Việc tiếp diễn các cuộc đàn áp dẫn đến số người thiệt mạng trong một ngày lên mức cao nhất kể từ khi bùng phát các cuộc biểu tình hồi đầu tháng 2 là điều không thể chấp nhận được và đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có phản ứng kiên quyết, mạnh mẽ và thống nhất. Điều quan trọng là phải tìm ra một giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng này”, ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ cho biết.
“Tổng Thư ký lên án một cách mạnh mẽ việc trấn áp các cuộc biểu tình khiến dân thường thiệt mạng”, ông Farhan Haq nói thêm. Văn phòng LHQ tại Myanmar cho biết, cơ quan này “vô cùng lo lắng trước những thiệt hại không đáng có về tính mạng con người khi các báo cáo cho biết hơn 100 người đã thiệt mạng trong ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc đảo chính”.
“Sử dụng bạo lực là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được và hành vi này cần phải chấm dứt ngay lập tức. Những người liên quan cần phải chịu trách nhiệm”, Văn phòng LHQ cho biết thêm. Trong khi đó, Cao ủy LHQ về quyền con người Ravina Shamdasani cũng bày tỏ lo ngại về tình hình Myanmar khi vụ đụng độ khiến nhiều người thiệt mạng, đặc biệt trong đó có cả trẻ em.
Về phần mình, chính quyền quân sự tại Myanmar chưa có phản ứng về số thương vong mới. Phát biểu tại lễ diễu hành kỷ niệm Ngày Lực lượng vũ trang, Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar Min Aung Hlaing tái khẳng định cam kết sẽ tổ chức bầu cử và cho rằng các hành động bạo lực là không phù hợp. Ông đồng thời tuyên bố sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế vì sự hòa bình và phát triển.
“Các hành vi bạo lực ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh là không phù hợp. Trong công cuộc xây dựng đất nước hòa bình và phát triển, cần phải có quan hệ hợp tác quốc tế bền vững. Myanmar sẽ hướng tới sự ổn định trong khu vực với lực lượng quốc phòng của các quốc gia hữu nghị trong đó có Quân đội ASEAN và đang nỗ lực tăng cường hợp tác, trao đổi chương trình thông qua các cuộc tập trận, hiểu biết lẫn nhau”, ông Min Aung Hlaing nói.
Đã có ít nhất 114 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội tiếp quản quyền lực tại Myanmar hôm 27/3, ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc chính biến hôm 1/2. Các vụ bạo lực đã xảy ra tại 44 thị trấn và thành phố trên khắp Myanmar. Trong số các nạn nhân, có 1 bé gái 13 tuổi tại khu dân cư Meikhtila, thuộc vùng Mandalay. Bé gái này là một trong số 20 trẻ vị thành niên thiệt mạng kể từ khi biểu tình bùng phát tại Myanmar hồi đầu tháng 2 vừa qua.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tinh-hinh-myanmar-van-chua-lang-diu-635494/