Tình hình sức khỏe các nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ
Vào cấp cứu trong tình trạng chấn thương phần mềm, tâm lý hoảng loạn, người đàn ông 50 tuổi không thể tin mình đã sống sót sau tai nạn sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Theo lãnh đạo trung tâm Y tế huyện Tam Nông (Phú Thọ), các bác sĩ vừa tiếp nhận 3 nạn nhân đầu tiên trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Các bệnh nhân đã được đưa đi chiếu chụp, xét nghiệm, hiện sức khỏe ổn định.
Ông Phan Trường Sơn (50 tuổi, trú tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông), 1 trong 3 nạn nhân trên, kể lại thời điểm xảy ra vụ việc, ông thấy cầu rung lắc và cho rằng do phương tiện trọng tải lớn đi trên cầu. Bất ngờ, cả người và phương tiện bị rơi xuống gần đáy sông. Ông lấy hết sức để ngoi lên mặt nước nhưng luôn nghĩ mình không thể sống sót vì nước chảy rất mạnh. Người này cố bơi vào bờ, may mắn bám vào một cây chuối và được người dân đi thuyền ra cứu.
Bệnh nhân Sơn bị chấn thương phần mềm, tỉnh táo nhưng tâm lý hoảng loạn, lo lắng. Ngoài ra, hai bệnh nhân khác vào cấp cứu trong tình trạng chấn thương phần mềm, đã tự đi lại được.
Theo đại diện Trung tâm Y tế Tam Nông, đơn vị cử 2 đội cấp cứu cơ động, 2 xe cứu thương đến hiện trường, mang đầy đủ thuốc, vật tư, cáng, bình oxy... để sẵn sàng ứng cứu, xử trí. Khoa Hồi sức tích cực dồn toàn bộ bệnh nhân đang điều trị tại đây sang phòng khác để sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu vào cấp cứu.
Trưa cùng ngày, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng hội chẩn cấp cứu trực tuyến 3 bệnh nhân gặp nạn trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.
Trong đó, một trường hợp chấn thương nặng là nam bệnh nhân 40 tuổi đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa dạt vào bờ được người dân vớt lên. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải.
Bệnh nhân đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Long An, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao, hiện đơn vị chưa tiếp nhận cấp cứu nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu. Cơ sơ y tế này đã điều động nhân viên y tế và xe cứu thương đến hiện trường để trực cấp cứu.
Tai Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, ban lãnh đạo cho biết Khoa Cấp cứu chưa tiếp nhận nạn nhân nào trong vụ sập cầu. Đơn vị đã cử 2 kíp bác sĩ cùng xe cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ.
Trước đó, khoảng 10h sáng 9/9, cầu Phong Chân nối hai huyện Tam Nông và Lâm Thao bất ngờ sập, trên cầu có nhiều phương tiện giao thông đi lại. Theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Phú Thọ, vụ sập cầu khiến 5 ô tô, 4 xe máy với hơn 10 người bị rơi xuống sông, nước cuốn trôi.