Tình hình sức khỏe của bé trai sơ sinh bị sặc sữa
Trên đường chở con về nhà, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo - công tác tại khoa hô hấp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng - đã kịp thời cứu sống bé trai 7 ngày tuổi trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim vì sặc sữa.
Ngày 13/7, lãnh đạo Bệnh viện trẻ em Hải Phòng cho biết, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo (34 tuổi, làm việc tại Khoa Hô hấp của bệnh viện này) vừa cấp cứu kịp thời, cứu sống bé trai sơ sinh 7 ngày tuổi bị sặc sữa trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim.
Theo bệnh viện, sự việc xảy ra tối 4/7. Khi đó, nữ điều dưỡng Thảo cùng người thân đang trên đường về gần đến nhà ở xã Kiền Bái (H.Thủy Nguyên) thì bắt gặp người đàn ông ở cùng xã bế trên tay bé trai sơ sinh đã ngừng thở, tím tái đang trên đường tìm phương tiện đưa đi cấp cứu; phía sau là một phụ nữ trẻ vừa chạy vừa gào khóc thất thanh.
Với linh cảm của bà mẹ có con nhỏ và là một điều dưỡng nhiều năm kinh nghiệm, chị Thảo lập tức dừng xe tự giới thiệu là nhân viên y tế để đỡ cháu bé trên tay người đàn ông rồi khẩn trương cấp cứu bằng cách ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp…
Tiếp đó, chị cùng gia đình bế cháu bé lên taxi và liên tục hỗ trợ cấp cứu cháu bé suốt quãng đường đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên.
Khoảng 10 phút sau, taxi tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên. Chị Thảo bế vội cháu bé vào khoa cấp cứu và thông tin cho các đồng nghiệp "bệnh nhân đã ngừng thở, ngừng tim, đề nghị mọi người lấy nội khí quản để cấp cứu cho bệnh nhân".
Điều kỳ diệu đã đến, bé sơ sinh có mạch đập trở lại và được chuyển tuyến tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Qua 6 ngày điều trị, đến hôm nay, sức khỏe bé trai đã dần ổn định, ăn bú tốt. Các bác sĩ bệnh viện vẫn đang theo dõi, điều trị và chờ sức khỏe cháu bé hoàn toàn bình phục sẽ làm thủ tục xuất viện.
Được biết, vào tối xảy ra sự việc, bé trai sơ sinh đang được người nhà cho bú sữa bình rồi bị sặc sữa, dẫn đến ngừng thở, toàn thân tím tái.
ThS Bùi Thị Quyên, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng khuyến cáo: đối với các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người đang nuôi con nhỏ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 12 tháng đầu sau sinh. Với những trường hợp, vì lý do nào đó, người mẹ không đủ sữa cho con bú và phải cho trẻ ăn bằng sữa ngoài, các bà mẹ cần trang bị các kỹ năng, kiến thức cơ bản cần thiết trong chăm sóc trẻ sau sinh.
Bên cạnh đó, các bà mẹ cũng lưu ý, khi cho trẻ ăn cần hết sức cẩn thận, bởi với trẻ em (đặc biệt là trẻ sinh non, trẻ bị dị tật bẩm sinh hoặc trẻ có một số bệnh lý khác…), nguy cơ bị sặc sữa rất cao, bởi vậy, các bà mẹ cần phải trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết trong chăm sóc trẻ: khi cho trẻ ăn phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn; sau khi cho trẻ em ăn xong không nên cho trẻ nằm ngay, phải thường xuyên theo dõi và bế trẻ sau ăn; cho trẻ ăn với lượng vừa đủ; không cho trẻ ăn quá no…
Trong trường hợp không may trẻ bị sặc sữa, các bà mẹ cần hết sức bình tĩnh để xử trí, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, dùng khăn để lau sữa và các dịch ứ đọng, đồng thời nhanh chóng gọi người hỗ trợ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cấp cứu cho trẻ.
Sặc sữa là hiện tượng sữa tràn vào đường thở khiến trẻ khó thở, sặc sụa, tím tái, có thể ngừng thở. Nếu không được cấp cứu nhanh chóng, kịp thời sặc sữa ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến tử vong.
Các chuyên gia nhi khoa khẳng định, sặc sữa ở trẻ sơ sinh là tai nạn này rất hay gặp trong Nhi khoa, nếu trẻ không được sơ cứu nhanh chóng, kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Video nữ điều dưỡng cứu sống cháu bé sơ sinh ngừng thở, ngừng tim vì sặc sữa. Video Internet