Tình hình thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam 6 tháng đầu năm
Diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới từ đầu năm 2020 đến nay biến động rất mạnh, rất nhanh, do tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid 19. Tương tự như tình hình TTCK trên thế giới, đại dịch Covid-19 cũng đã tác động mạnh đến TTCK Việt Nam.
TTCK thế giới từ đầu năm 2020 đến nay biến động mạnh
Khi dịch Covid -19 bùng phát trên toàn thế giới, WHO công bố đại dịch, TTCK toàn cầu đã sụt giảm nhanh và mạnh. Chỉ trong một tuần từ 9/3 đến 16/3, TTCK Mỹ đã trải qua đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 1987 và đã 3 lần phải kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch “circuit breaker”.
Trong ngày 12/3 có đến 10 quốc gia ngoài Mỹ kích hoạt cơ chế tạm dừng giao dịch, đặc biệt, Philippine ngày 17/3/2020 đã quyết định tạm ngừng TTCK để đối phó với dịch bệnh. Bước sang tháng 4, TTCK thế giới tăng trở lại nhờ dịch Covid-19 phần nào đã được kiểm soát trên toàn cầu. Xu thế tăng điểm tiếp tục trong tháng 5 và 6 khi nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các quy định giãn cách xã hội nhằm tái khởi động nền kinh tế sau dịch và đưa ra các biện pháp nhằm kích thích nền kinh tế.
Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, theo đó tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt hơn cộng với kỳ vọng về một loại vắc-xin tiềm năng đối phó với Covid-19 cũng đã giúp TTCK nhiều quốc gia khởi sắc. Tính đến ngày 22/6, TTCK Mỹ tăng 2,5%, Anh tăng 2,8%, Pháp tăng 5,4%, Nhật Bản tăng 2,5%, Hàn Quốc tăng 4,8%, Trung Quốc tăng 4%, Thái Lan tăng 0,69%, Phillipine tăng 8,7% so với cuối tháng trước.
Tương tự như tình hình TTCK trên thế giới, đại dịch Covid-19 cũng đã tác động mạnh đến TTCK Việt Nam. Trong tháng 3, khi dịch có chiều hướng bùng phát tại Việt Nam và trên thế giới, TTCK Việt Nam liên tiếp chứng kiến các phiên giảm điểm mạnh (các phiên giao dịch ngày 09/03, 11/03 và 12/03/2020 với mức giảm tương ứng 6,28%, 3,12% và 5,19%). Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường liên tiếp duy trì ở mức cao, trung bình khoảng 6.000 tỷ đồng/phiên.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt việc thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày kể từ ngày 01/4/2020 đã giúp cho Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Cùng với các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ đã giúp cho TTCK Việt Nam từ đầu tháng 4 đến nay có những phiên tăng điểm tích cực.
Điển hình là phiên giao dịch ngày 06/04, VN-Index tăng 4,98%, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất từ tháng 8/2001 đến nay. Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/6/2020, chỉ số VNIndex đạt 871,28 điểm, tăng 0,79% so với tháng trước, giảm 9,34% so với cuối năm 2019; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 114,72 điểm, tăng 4,47% so với tháng trước và tăng 11,91% so với cuối năm trước. Thanh khoản của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ bình quân trong 6 tháng đầu năm (tính đến 11/6) đạt 5.439 tỷ đồng/phiên, tăng 6,8% so với bình quân năm 2019.
Trong thời gian vừa qua, lực cầu chủ yếu đến từ trong nước, lực cầu từ nước ngoài giảm. Tính chung trong 6 tháng đầu năm (tính đến 11/6), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng (-16.959) tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và mua ròng 1,263 tỷ đồng trái phiếu. Giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ có xu hướng giảm (tháng 4: bán ròng (-6.810) tỷ đồng, tháng 5: bán ròng (-914) tỷ đồng), tuy nhiên, trong ba tháng gần đây nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng trên thị trường trái phiếu.
Dự báo TTCK Việt Nam trong thời gian tới
Trong thời gian tới, TTCK tiếp tục được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực. Dịch bệnh Covid-19 hiện cơ bản đã được khống chế tại Việt Nam, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn đã giúp các chỉ số kinh tế trong tháng 5 có dấu hiệu khởi sắc hơn so với tháng trước (kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2020 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước...).
Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, theo đó tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới (toàn cầu đã có trên 8 triệu ca nhiễm virut SARS-CoV-2, trên 400 nghìn người tử vong do dịch Covid-19, nguy cơ tái bùng phát dịch lại tiếp tục gia tăng khi số ca nhiễm mới tại Trung Quốc, Nhật Bản tăng đột biến trong những ngày gần đây).
Thêm vào đó, việc khối ngoại bán ròng cũng như số liệu thống kê các ngành nghề dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng sẽ khiến TTCK Việt Nam chưa thể có những đột phá trong ngắn hạn. Do đó, trong thời gian tới vẫn cần phải có thêm các giải pháp linh hoạt để ứng phó kịp thời với những biến động của dịch bệnh.