Tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng
Ngày 30-7, tại Lạng Sơn, Bộ Công an phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng 'Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7' năm 2019.
Đến dự buổi lễ có các đại biểu: Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ; bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; bà Lâm Thị Phương Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; ông Phạm Ngọc Thưởng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn...
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương nhấn mạnh, đây là lần thứ 4, lễ mít tinh hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” được tổ chức hàng năm với mục đích tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng, chống mua bán người, qua đó góp phần giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Để công tác phòng, chống mua bán người trở thành mối quan tâm thường xuyên của toàn dân, toàn xã hội, các bộ, ngành, chính quyền, đoàn thể Trung ương và địa phương cần làm tốt vai trò tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền; huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội thực hiện công tác phòng, chống mua bán người, trong đó, phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các bộ, ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, vùng miền, phê phán, lên án, vạch trần tội ác, tạo ra sự lan tỏa trong toàn xã hội và nhân dân nâng cao nhận thức chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng yêu cầu lực lượng Cảnh sát hình sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm nâng cao nhận thức chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan. Chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với những đối tượng chủ mưu cầm đầu, các đường dây tội phạm mua bán người; triển khai hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm nâng cao nhận thức chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, trọng tâm là hiệp đồng với các cơ quan chức năng các nước Tiểu vùng sông Mekong, nhất là với Trung Quốc để kịp thời trao đổi thông tin, điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người, lừa đảo hôn nhân xuyên quốc gia, kịp thời giải cứu nạn nhân bị mua bán. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; lựa chọn vụ án điểm nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa chung trong nhân dân và răn đe tội phạm.
Đồng thời, Bộ Công an sẽ phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xác minh, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về; triển khai có hiệu quả Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (số máy 111); đáp ứng cơ chế chuyển tuyến và thực hiện quy trình hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. Tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện đầy đủ, hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong phòng, chống mua bán người …
Theo số liệu từ Bộ Công an, tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ Châu Á, Châu Phi, Trung Đông sang Châu Âu. Theo báo cáo của Bộ Công an, tại Việt Nam, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện xảy ra hơn 1.000 vụ, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân, trong đó có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc, với 1.187 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân...
Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi một cách có hiệu quả các loại tội phạm này, đặc biệt là hoạt động phối hợp của ngành Công an với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Năm 2019 được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn là Năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với mong muốn mỗi người dân, phụ nữ và trẻ em chung tay hành động vì một xã hội an toàn, để không có phụ nữ, trẻ em hay bất cứ ai trong cộng đồng trở thành nạn nhân của nạn mua bán người cũng là một trong những nội dung được các cấp Hội tập trung thực hiện…
Nhân dịp này, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an và UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao 10 suất quà tặng 10 nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Được biết, sau lễ mít tinh, các đại biểu đã ký cam kết phòng, chống mua bán người, cùng chung tay hành động ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người; tham gia diễu hành cổ động qua các tuyến đường của thành phố Lạng Sơn để kêu gọi nhân dân hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2019.