Tình hình Ukraine: Anh đưa Kiev tới bước tiến lớn không ngờ; Đức cảnh báo hệ lụy việc viện trợ vũ khí

Ngày 8/2, cả Anh, Đức và Mỹ đều có những động thái, bình luận mới liên quan việc viện trợ quân sự cho Ukraine, trong bối cảnh xung đột ở quốc gia Đông Âu này với Nga sắp tròn một năm.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky di chuyển bằng trực thăng quân sự tới trại Lulworth ở Dorset, Anh ngày 8/2. (Nguồn: The Office of the President of Ukraine)

Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky di chuyển bằng trực thăng quân sự tới trại Lulworth ở Dorset, Anh ngày 8/2. (Nguồn: The Office of the President of Ukraine)

Trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại London (Anh), Thủ tướng nước chủ nhà Rishi Sunak đã đưa ra cam kết về việc đào tạo phi công Ukraine sử dụng các máy bay chiến đấu tiên tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Văn phòng của Thủ tướng Anh tuyên bố, lần đầu tiên, London sẽ đưa lực lượng không quân và thủy quân lục chiến Ukraine vào chương trình đào tạo. Đây được xem là bước tiến lớn mang tính biểu tượng trong sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Kiev.

Tuyên bố nêu rõ: "Việc đào tạo này sẽ đảm bảo phi công Ukarine có thể điều hành các máy bay chiến đấu tinh vi tiêu chuẩn NATO trong tương lai".

Thông báo báo hiệu một sự thay đổi đáng chú ý trong sự hỗ trợ quân sự của phương Tây, vì cho đến nay, các quốc gia vẫn chưa cung cấp máy bay phản lực hoặc các phương tiện khác, vốn là những vũ khí có khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Cùng ngày, trong một cuộc họp báo, khi phóng viên đề cập động thái của Anh và hỏi về quan điểm hỗ trợ máy bay chiến đấu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, thuật ngữ "cung cấp quân sự” cho Kiev của phương Tây đang thay đổi theo diễn biến của xung đột Nga-Ukraine.

Theo ông Blinken, trên mỗi bước đi của Ukraine, tương ứng với nhu cầu tăng lên về vũ khí, sự viện trợ của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác cũng thay đổi: trước khi bắt đầu xung đột, phương Tây rút quân để đảm bảo Ukraine tự vệ, cho đến hiện nay, cung cấp các vũ khí hạng nặng như xe tăng Abram và Leopard.

Tuy nhiên, lưu ý việc cung cấp vũ khí cho Kiev không chỉ là gửi đến một hệ thống thiết bị, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định, nước này sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác cùng đồng minh để đảm bảo cung cấp cho Kiev những gì họ cần để lấy lại lãnh thổ đã mất.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng nước này Olaf Scholz đã chỉ trích cuộc cạnh tranh công khai giữa một số quốc gia về việc nước nào có thể cung cấp nhiều vũ khí tốt hơn cho Ukraine.

Viện dẫn sự hợp tác của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden về quyết định cung cấp xe tăng cho Ukraine, ông Scholz nói: "Chúng tôi bảo vệ và củng cố sự gắn kết này bằng cách chuẩn bị trước các quyết định một cách bí mật - và chỉ sau đó mới công bố".

Theo người đứng đầu chính phủ Đức, điều gây tổn hại cho sự đoàn kết của các đồng minh chúng ta là "một cuộc cạnh tranh công khai nhằm vượt mặt nhau về việc nước nào sẽ cung cấp nhiều hơn các loại xe tăng chiến đấu, tàu ngầm, máy bay?".

Nhận định về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, Thủ tướng Scholz cho rằng, Moscow đã không thành công trong việc đạt các mục tiêu đã đề ra.

Nhà lãnh đạo khẳng định: "Tổng thống Vladimir Putin sẽ không đạt được các mục tiêu - không phải trên chiến trường và cũng không phải thông qua một nền hòa bình đã định sẵn. Ít nhất, đó là điều chắc chắn sau một năm xung đột".

(theo AFP, Reuters, State.gov)

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-ukraine-anh-dua-kiev-toi-buoc-tien-lon-khong-ngo-duc-canh-bao-he-luy-viec-vien-tro-vu-khi-215955.html