Tình hình Ukraine: Hệ thống mới mà Israel chuyển cho Kiev là gì? Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ngừng bắn, Trung Quốc tỏ thành ý
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn diễn ra ác liệt trên thực địa, Israel mới đây đã chuyển hệ thống báo động đỏ cho Kiev thử nghiệm, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hối thúc các bên ngừng bắn.
Ngày 4/5, Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk cho biết, quốc gia Do Thái đã chuyển hệ thống báo động đỏ cho Kiev thử nghiệm.
Hệ thống báo động này có thể cho phép xác định các vật thể khác nhau, bao gồm cả tên lửa đạn đạo, cũng như tính toán hướng đi của tên lửa khi bay vào không phận của quốc gia Đông Âu.
Nếu chương trình thử nghiệm thành công, hệ thống mới sẽ giúp cho Kiev đóng cửa một số khu vực trên lãnh thổ Ukraine, thay vì phải đóng cửa toàn bộ.
Năm 2022, Israel đã quyết định cung cấp công nghệ trên cho Ukraine mặc dù tại thời điểm đó, Kiev đề nghị Israel cung cấp hệ thống đánh chặn tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome). Ở Israel, hệ thống báo động đỏ chỉ được kích hoạt ở những khu vực có thể bị ảnh hưởng.
* Cùng ngày, tại Hội nghị lần thứ 30 của Tổ chức Hợp tác kinh tế Biển Đen (PABSEC) diễn ra ở Ankara, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Sentop kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn và thiết lập một nền hòa bình lâu dài.
Nhấn mạnh việc Ankara sẵn sàng đóng vai trò trung gian tập hợp các bên vào bàn đàm phán hòa bình, ông Sentop đồng thời lưu ý, việc khôi phục hòa bình tại khu vực Biển Đen sẽ góp phần xây dựng một tương lai chung cho các quốc gia ven bờ.
Theo quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, nước này ủng hộ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine theo các đường biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận, tương tự với Gruzia, Moldova và Azerbaijan.
Khối PABSEC gồm 13 thành viên, được thành lập từ năm 1993, với mục tiêu đa dạng hóa và thúc đẩy các quan hệ hợp tác về kinh tế, xã hội và khoa học-công nghệ giữa các quốc gia thành viên.
* Trong khi đó, ngày 5/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương khẳng định trong cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Goa (Ấn Độ) rằng, Bắc Kinh kiên trì thúc đẩy tiến trình hòa đàm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
Ông Tần Cương nêu rõ, Trung Quốc “sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Nga để có được những đóng góp mang tính thực chất đối với giải pháp chính trị dành cho cuộc khủng hoảng này”.
Trước đó, hồi tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống chủ nhà Vladimir Putin tại Điện Kremlin, trong đó hai bên nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đối thoại.
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung trong thời đại mới. Về vấn đề Ukraine, hai bên khẳng định cần tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế.