Tình hình Ukraine: Kiev phải lui binh gần Avdiivka, ông Zelensky 'hiệu triệu' liên quan Crimea, Slovakia tiết lộ kế hoạch 'nóng' của vài nước NATO
Ngày 26/2, Ukraine thông báo quân đội đã rút khỏi khu định cư Lastochkyne ở miền Đông, nơi Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát.
AFP dẫn lời người phát ngôn quân đội Ukraine Dmytro Lykhovy nói: "Các đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine đã rút khỏi làng Lastochkyne để tổ chức phòng thủ dọc theo phòng tuyến Orlivka, Tonenke, Berdychi".
Khi xung đột bước sang năm thứ ba, quân đội Moscow đã tiến hành các cuộc tấn công dữ dội và giành quyền kiểm soát Avdiivka - một thị trấn quan trọng ở miền Đông - trong khi Kiev đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược.
Những tuần gần đây, Nga đang tìm cách phát huy lợi thế của mình trên thực địa và cố gắng vượt ra ngoài Avdiivka.
Cùng ngày, Reuters đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi quân đội nước này và các đối tác quốc tế tiếp tục đấu tranh để khôi phục quyền kiểm soát của Kiev đối với Crimea, vốn đã bị Nga sáp nhập hồi năm 2014.
Phát biểu trong một video, ông Zelensky nói: "Chúng ta có thể kết thúc xung đột này theo các điều kiện của Ukraine. Chúng ta có thể lấy lại đất đai và người dân của mình... Nhưng để điều này xảy ra, chúng ta phải chiến đấu".
Kiev khẳng định, quân đội Ukraine sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi khôi phục được đường biên giới năm 1991, bao gồm cả Crimea, và đang dẫn đầu nỗ lực ngoại giao nhằm đưa ra một kế hoạch hòa bình trong đó có việc Nga sẽ rút toàn bộ quân.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày, Reuters dẫn lời Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, một số thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét việc gửi binh sĩ tới Ukraine trên cơ sở các thỏa thuận song phương.
Phát biểu họp báo trên truyền hình sau cuộc họp của hội đồng an ninh Slovakia, ông Fico chia sẻ: "Tôi sẽ hạn chế nói rằng những luận điểm này (để chuẩn bị cho cuộc họp ở Paris) ám chỉ một số quốc gia thành viên NATO và EU đang cân nhắc việc gửi quân tới Ukraine trên cơ sở thỏa thuận song phương. Tôi không thể nói mục đích là gì và họ nên làm gì ở đó".
Cho rằng quyết định gửi quân đến Ukraine "sẽ gây ra sự leo thang căng thẳng lớn", nhà lãnh đạo khẳng định, "Slovakia sẽ không gửi quân tới dưới bất kỳ điều kiện nào".
Các nước NATO và EU chưa bình luận ngay lập tức với các thông tin mà ông Fico đưa ra.