Tình hình Ukraine: Mỹ nói Nga 'vật lộn về hậu cần'; Đức, Pháp nêu quan điểm; Moscow bình luận gì?
Ngày 23/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết các lực lượng Nga đang thiếu hụt 'đáng kể' đạn pháo khiến việc triển khai các hoạt động ở Ukraine bị suy yếu.
Lãnh đạo Lầu Năm góc nhận định Moscow đã “vật lộn với vấn đề hậu cần ngay từ đầu” và các lực lượng nước này đang thiếu hụt đáng kể đạn pháo. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, việc Kiev tấn công các kho dự trữ hậu cần đã khiến “người Nga bắt đầu gặp khó khăn với số lượng đạn dược”.
Đồng thời, ông Austin cho biết kế hoạch tác chiến của Nga có sự đóng góp quan trọng của pháo binh: Quân đội Nga thường bắn một số lượng lớn đạn pháo dọn đường trước khi xe tăng và bộ binh di chuyển. Quan chức này nhấn mạnh: “Kiểu tác chiến này đòi hỏi rất nhiều đạn dược. Tôi không chắc rằng họ có đủ các loại đạn dược để tiếp tục tiến quân trong tương lai”.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định nguồn cung vũ khí dẫn đường chính xác của Nga đã “giảm đáng kể” trong suốt 9 tháng xung đột và Moscow sẽ không thể nhanh chóng thay thế do hạn chế thương mại đối với các nguyên liệu.
Cùng ngày, phát biểu tại họp báo với Tổng thống Cyprus Nikos Anastasiadis tại Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích các vụ tấn công của Nga "vào cơ sở hạ tầng dân sự ở Ukraine", kêu gọi Moscow lập tức dừng lại.
Theo nhà lãnh đạo này, diễn biến mới đây cho thấy Nga đã không còn có thể chiến thắng tại Ukraine. Ông Scholz kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức rút quân và đàm phán hòa bình với người đồng cấp Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông có ý định liên lạc trực tiếp với ông Putin trong những ngày tới để thảo luận về “điện hạt nhân dân sự” và nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Trước đó, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết nhà máy Zaporizhzhia đã bị ngắt khỏi nguồn cung cấp điện bên ngoài và đang dựa vào các máy phát điện khẩn cấp bằng diesel.
Trong khi đó, phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Yerevan, Armenia ngày 23/11, thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định: “Không có nghi ngờ gì về tương lai và sự thành công của chiến dịch quân sự đặc biệt”.