Tình hình Ukraine: NATO bàn gì với Lãnh đạo quân đội Ukraine, Tổng thống Mỹ 'nóng ruột' vì tiền cho Kiev
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov ngày 13/2 cho biết, ông và tân Tổng Tư lệnh quân đội Oleksandr Syrskyi đã trao đổi về các kế hoạch và ưu tiên của quân đội nước này trong năm 2024 với Tư lệnh tối cao Lực lượng vũ trang đồng minh NATO tại châu Âu Christopher Cavoli và Chỉ huy Nhóm hỗ trợ an ninh Ukraine Antonio Aguto.
Trên trang Facebook, ông Umerov viết: “Chúng tôi đã thảo luận về kế hoạch quân sự cho năm 2024. Tổng Tư lệnh (Syrskyi) đã nêu ra những ưu tiên. Trong số đó có mục tiêu tối ưu hóa cơ cấu của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine, nâng cao chất lượng huấn luyện quân đội của chúng ta, bổ sung các lữ đoàn hiện có và thành lập các lữ đoàn mới, đảm bảo nhu cầu thường xuyên về vũ khí và trang thiết bị”.
Ngoài ra, các quan chức quốc phòng hai bên còn thảo luận về kế hoạch tăng số lượng thiết bị tác chiến điện tử (EW) trong quân đội Ukraine để chống lại máy bay không người lái và đảm bảo hoạt động luân chuyển binh sĩ trên tiền tuyến.
* Cùng ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục hối thúc Hạ viện Mỹ khẩn trương thông qua gói viện trợ trị giá 95,34 tỷ USD dành cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc) mà Thượng viện đã phê duyệt.
Tổng thống Biden tuyên bố: “Nếu chúng ta không chống lại... những hậu quả đối với an ninh quốc gia của Mỹ sẽ là rất lớn”.
“Các đồng minh và đối thủ của chúng ta đều sẽ chú ý. Đã tới lúc Hạ viện hành động và gửi dự luật lưỡng đảng này tới bàn làm việc của tôi ngay lập tức để tôi có thể ký ban hành thành luật”, ông Biden nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thông tin mới nhất là Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã bác bỏ gói cứu trợ dành cho Ukraine sau khi Thượng viện Mỹ trước đó cùng ngày đã thông qua dự luật tương tự cũng như bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tuyên bố ông không có ý định cho phép biểu quyết về dự luật chi tiêu ngân sách 95 tỷ USD, phần lớn bao gồm các khoản viện trợ dành cho Ukraine.
Theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông không thể chấp nhận dự luật này mà không bao gồm các biện pháp siết chặt mới nhằm ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp vào Mỹ qua ngả biên giới phía Nam.
Từ nhiều tháng qua, nỗ lực viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã gần như bị tê liệt do tình trạng hỗn loạn tại Quốc hội. Phía đảng Dân chủ tại Thượng viện đã hợp tác với đảng Cộng hòa để soạn thảo một dự luật chung, bao gồm cả viện trợ nước ngoài cũng như các biện pháp siết chặt an ninh biên giới nhất trong nhiều thập kỉ. Dự luật sau đó đã được đa số nghị sĩ thông qua tại Thượng viện, tuy nhiên ông Johnson khẳng định sẽ bác bỏ tại Hạ viện.
Tuyên bố trên đã khiến Thượng viện ngày 13/2 phải đưa ra một phiên bản dự luật khác chỉ bao gồm các khoản viện trợ nước ngoài, nhưng một lần nữa bị Chủ tịch Hạ viện bác bỏ.
* Trong một tin liên quan việc Ukraine xin gia nhập NATO, ngày 13/2, Đặc phái viên của Mỹ tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith cho biết, bà không mong đợi liên minh này sẽ đưa ra đề nghị kết nạp Ukraine làm thành viên tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào tháng 7 tới.
Phát biểu với báo giới, bà Smith nói: “Về hội nghị thượng đỉnh vào mùa Hè này, tôi không mong đợi liên minh (NATO) sẽ đưa ra lời mời (kết nạp Ukraine) vào thời điểm này”.