Tình hình Ukraine: Nga nêu mối nguy từ viện trợ vũ khí phương Tây, trao đổi tù nhân giữa hai nước
Mỹ và Phần Lan tiếp tục công bố các gói viện trợ quân sự mới dành cho Ukraine, tập trung vào đạn dược và tên lửa phòng không.
* Ngày 25/5, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Nga Irina Volk cho biết, hội đàm với người đồng cấp Cuba Lázaro Alberto Álvarez, Bộ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Kolokóltsev chỉ ra rằng, mật vụ phương Tây đang lợi dụng tình hình ở Ukraine để thực hiện việc vận chuyển trái phép vũ khí, bao gồm cả các hệ thống phòng không và chống tăng cơ động, ở Mỹ Latinh và khu vực khác trên thế giới.
Theo ông Kolokoltsev, một số nước phương Tây đang cố gắng hạn chế và thậm chí đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Interpol. Quan chức này nhận định, việc chính trị hóa sự tương tác quốc tế giữa các cơ quan tư pháp là phản tác dụng và làm tổn hại đến lợi ích chung trong nỗ lực chống tội phạm xuyên biên giới.
Người phát ngôn Irina Volk nêu rõ Bộ trưởng Nội vụ Nga và người đồng cấp Cuba khẳng định cam kết trong tăng cường hợp tác chống tội phạm mạng.
* Trong khi đó, sáng ngày 26/5, Ukraine cho biết, nước này và Nga đã tổ chức trao đổi tù nhân. Chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky, ông Andriy Yermak, cho biết Nga đã thả 106 binh sĩ, trong đó có 8 sĩ quan, bị bắt tại Bakhmut. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về các binh sĩ Nga mà Ukraine sẽ trao đổi.
Về việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ukraine Interfax, quan chức này nhấn mạnh: “Về các bảo đảm an ninh, một hình thức hoàn hảo cho Ukraine hiện nay là sự kết hợp giữa Hiệp ước An ninh Kiev và các cam kết giống như của Mỹ với Israel. Đó sẽ là hình thức tốt nhất. Việc cố định trong dạng này hay dạng khác đều phản ánh một thực tế không thể tránh khỏi đó là Ukraine đang hướng đến tư cách thành viên NATO. Ukraine cần những bảo đảm về an ninh cho tới khi chúng tôi gia nhập NATO”.
Theo ông, Hiệp ước An ninh Kiev mang lại một thỏa thuận khung đa phương với khả năng ký kết thêm các thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, dù “lớn, quan trọng và tốt” vì có sự tham gia của nhiều nước, song hiệp ước, lại “có những đặc điểm cụ thể về luật pháp của một số quốc gia khiến việc thực hiện gặp khó khăn”.
Ông kết luận: “Hiện yêu cầu của Kiev đã rõ ràng: thứ nhất, Ukraine cần nhận được lời mời trở thành thành viên NATO ngay khi tình hình an ninh cho phép; thứ hai, bảo đảm an ninh trên con đường chúng tôi hướng tới NATO”.
* Trong một tin liên quan, ngày 25/5, chính phủ Phần Lan cho biết nước này sẽ gửi thêm thiết bị quân sự tới Ukraine, bao gồm vũ khí phòng không và đạn dược với tổng chi phí là 109 triệu EUR (120 triệu USD). Helsinki nêu rõ: “Vì lý do hoạt động và để bảo đảm cung cấp hỗ trợ an toàn, không có thêm chi tiết nào được cung cấp về nội dung, phương pháp hoặc thời gian biểu chính xác về viện trợ".
Trước đó, Phần Lan, nước có chung đường biên giới dài 1.300km với Nga, tuyên bố cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức sản xuất cho Ukraine.
* Cùng ngày, Mỹ có thể công bố lô hàng viện trợ quân sự mới trị giá lên tới 300 triệu USD cho Ukraine vào ngày 26/5 hoặc đầu tuần sau. Lô hàng chủ yếu bao gồm tên lửa cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao HIMARS và đạn dược. Lô hàng được lấy từ kho của quân đội Mỹ theo quyền hạn đặc biệt của Tổng thống Mỹ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.