Tình hình Ukraine: Nga tiến vào làng Ivanovka, Serbia lo kịch bản tiêu cực nhất, Đức từ chối một việc
Quân đội Nga đã tiến vào làng Ivanovka thuộc tỉnh Kharkov, Ukraine, đây được xem là bước tiến quan trọng ở hướng Kupyansk.
Ngôi làng này nằm ở phía Bắc Kislovka và Kotlyarovka, hình thành tuyến phòng thủ trong khu vực.
Chiếm được làng Ivanovka sẽ mở ra cơ hội tác chiến mới cho Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga (VS RF). VS RF có thể bắt đầu tấn công Stepovaya Novoselovka và chiếm không gian tác chiến xung quanh điểm dân cư này, từ đó có thể thay đổi đáng kể tình hình.
Trong một diễn biến khác, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã phá hủy và làm hư hỏng những cây cầu bắc qua sông Volchya, nối phần phía Bắc với Nam thành phố Kharkov. Đây là địa điểm đóng vai trò quan trọng trong công tác hậu cần của quân đội Ukraine.
Sau khi các cây cầu bị phá hủy, quân đội Kiev đã nỗ lực phản công nhằm làm chậm bước tiến của quân Moscow.
Để thực hiện mục tiêu này, các lực lượng của Kiev đã bắc những cây cầu phao vượt sông Volchya. Tuy nhiên, các nỗ lực vượt sông thường xuyên bị pháo binh và không quân Nga tấn công.
Thêm vào đó, VKS đã tiến hành những đợt oanh kích ác liệt bằng bom FAB-1500 vào trụ sở của Nhà máy toa xe Volchansky, vốn là điểm triển khai lớn của quân đội Ukraine.
* Trên kênh truyền hình địa phương TV Prva, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã bày tỏ mong muốn cuộc xung đột ở Ukraine chấm dứt, song lo ngại rằng nguyện vọng này không thể trở thành hiện thực.
Theo nhà lãnh đạo Serbia, các diễn biến tiếp theo có thể xảy ra theo kịch bản tiêu cực nhất.
"Hoạt động quân sự ở Ukraine có thể phát triển thành một thảm kịch toàn cầu, còn tồi tệ hơn Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tôi mong rằng tôi sai”.
Theo nhà lãnh đạo Serbia, quá trình “làm nóng” cỗ máy quân sự đã dẫn đến việc kích hoạt hoạt động vận động hành lang giữa các đại diện của tổ hợp công nghiệp quốc phòng toàn cầu và giữa các tướng lĩnh. Họ tìm cách gia tăng căng thẳng.
Kết quả là tình hình đi đến mức leo thang hơn nữa, xảy ra một cách tự phát mà không cần nỗ lực của bất kỳ ai theo hướng này.
Ông Vucic khuyến cáo: "Giờ là lúc bất kỳ tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine phải thực hiện bước đầu tiên để xoa dịu, thay vì đổ lỗi cho nhau".
* Ngày 25/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Berlin sẽ không chuyển tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine do Kiev không thể tự mình lập trình tên lửa. Trong khi đó, việc cử các chuyên gia Đức đến quốc gia Đông Âu để thực hiện công việc này sẽ quá rủi ro bởi xung đột có thể leo thang.
Thủ tướng Scholz bày tỏ: “Theo quan điểm của tôi, vấn đề về việc chuyển giao vũ khí, có thể đánh trúng mục tiêu từ 500 km, là từ quan điểm của quốc gia chuyển giao nó, hành động này chỉ hợp lý nếu chính họ xác định và đặt ra mục tiêu. Một lần nữa, yêu cầu đó là không thể thực hiện được, vì chúng tôi không muốn trở thành bên tham gia cuộc đối đầu này”.
Quyết định của Đức từ chối chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa Taurus đã gây ra một số bất bình ở Ukraine, bởi Kiev hy vọng có thể tăng cường năng lực phòng thủ bằng vũ khí của phương Tây.
Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev trong công cuộc đấu tranh vì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo những cách khác, bao gồm cung cấp viện trợ nhân đạo và các thiết bị quân sự.