Tình hình ung thư tại Việt Nam đang diễn biến rất nghiêm trọng
Nếu như số ca mắc ung thư trên thế giới từ nay đến năm 2040 sẽ tăng khoảng 50% số ca mới và khoảng 60% số ca tử vong thì Việt Nam số ca mắc ung thư còn tăng cao hơn so với dự báo của thế giới.
Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR), ung thư đang đứng thứ 2 về nguyên nhân tử vong. Số bệnh nhân ung thư chết cao hơn nhiều so với bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong giai đoạn đỉnh điểm. Từ nay cho đến năm 2040 dự báo sẽ tăng 50% số ca mới và tăng 60% số ca tử vong do ung thư.
TS-BS Nguyễn Minh Đức (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM) cho biết nếu như dự báo của IACR số ca mắc ung thư trên thế giới từ nay đến năm 2040 tăng khoảng 50% số ca mới và khoảng 60% số ca tử vong thì Việt Nam số ca mắc ung thư còn cao hơn so với dự báo trên.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới, trên 120.000 người tử vong do ung thư, gấp 18 lần tử vong bởi tai nạn giao thông. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5%, trong khi của thế giới 59,7%, các quốc gia đang phát triển 67,9%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư tại Việt Nam ở mức cao, thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Trong đó, các loại ung thư thường gặp là: gan, phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng…
“Tình hình ung thư tại Việt Nam đang diễn biến rất nghiêm trọng. Trong đó, chủ yếu là ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng”, bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Phân tích về tình hình ung thư tại Việt Nam, bác sĩ Đức cho biết điều đáng lo ngại là các loại ung thư như phổi, đại trực tràng, vú khi phát hiện thường ở giai đoạn muộn, dẫn đến chi phí điều trị tăng, chất lượng sống giảm, tử vong sớm. Trong khi đó, khả năng kéo dài sự sống phụ thuộc vào các yếu tố: giai đoạn bệnh, sự đáp ứng điều trị, phối hợp của các phương pháp.
Trước tình hình trên, theo bác sĩ Đức, để sớm phát hiện và điều trị kịp thời căn bệnh quái ác này, các cơ sở y tế tư nhân, công lập có máy chụp X-quang, siêu âm, nội soi có thể góp phần vào việc tầm soát các loại ung thư nêu trên.
Nếu có nhũ ảnh, CT dưới 32 lát, hoặc MRI thì càng nâng cao chất lượng tầm soát lên nhiều. Như vậy các đơn vị nên khai thác hoạt động tầm soát ung thư hỗ trợ cộng đồng.
Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia điều trị ung thư đa mô thức. Trong đó, phẫu thuật, hóa trị, nhắm trúng đích, xạ trị, miễn dịch liệu pháp, trị liệu tâm lý, dinh dưỡng, chăm sóc giảm nhẹ. Nhiều nơi có kết hợp cả đông y, thuốc nam, bài thuốc dân gian, châm cứu, nhìn chung cũng phần nào hỗ trợ được bệnh nhân.
Tuy nhiên, chữa bằng đông tây y kết hợp cúng bái, và có nhiều chỗ còn tuyệt thực, nhịn ướt, nhịn khô các kiểu, nhịn cho ung thư chết thì rất chi là phức tạp và cực đoan.
“Sợ nhất là nhiều người bệnh không tìm đến thầy thuốc đúng chuyên ngành ung thư và tự chữa theo kinh nghiệm bản thân, hoặc theo người xung quanh, thì thật là nguy hiểm. Nên chọn lọc tinh hoa của tất cả các phương pháp và tổng hòa lợi ích của chúng sẽ là tốt nhất”, bác sĩ Đức nói.
Theo bác sĩ Đức, những người trên 45 tuổi nên tầm soát ung thư bằng X-quang phổi và siêu âm bụng tổng quát; trên 50 tuổi nội soi đại trực tràng, nhũ ảnh, siêu âm vú; CT phổi liều thấp cho người hút thuốc lá trên 20 gói mỗi năm.
Nếu phòng khám nào không trang bị máy CT mà có MRI thì chụp MRI phổi với xung Axial T2W + DWI-b600 thay thế cho CT. Pap test mỗi 3 năm đối với người trên 21 tuổi.
“Người trong độ tuổi trên, nếu chưa tầm soát thì cần đi tầm soát ngay. Cùng với đó, hãy đoạn tuyệt hút thuốc lá, dừng uống rượu bia, bớt ăn thịt đỏ, ăn nhiều rau, trái cây, uống trà xanh và tiêm ngừa siêu vi viêm gan B, ngừa HPV. Nếu làm được những điều trên thì ta chiến thắng và đánh bại ung thư”, bác sĩ Đức khuyên.