Tinh hoa bánh trung thu truyền thốngNhững điểm đến hấp dẫnVượt lên từ 'vực thẳm'Nghề làm đèn trung thu truyền thốngSản vật xứ TuyênẤn tượng giải đua xe đạp địa hình Na Hang 2019Về Tân Trào

Không có nhiều loại nhân bánh như các hãng bánh nổi tiếng, các cơ sở bánh trung thu truyền thống ở thành phố Tuyên Quang chủ yếu chỉ có bánh dẻo, bánh nướng nhân đậu xanh và thập cẩm.

Được “mục sở thị” từng công đoạn làm nên chiếc bánh đã khiến chúng tôi hiểu vì sao bánh trung thu gia truyền vẫn luôn có sức hút đến vậy.

Nguyên liệu để làm nên chiếc bánh nhân thập cẩm khá phức tạp gồm thịt, lạp sườn, lá chanh, vừng. Các thành phần làm nhân bánh phải được sơ chế, chế biến kỹ. Ví dụ như thịt phải ướp trước 15 ngày; lá chanh phải thái bằng tay, không có vị đắng; vừng phải được rang đều tay, nhiệt vừa đủ để hạt nở đều mới thơm”. Tất cả sẽ được trộn với nhau cho ngấm đều gia vị, có độ kết dính và bắt đầu vo viên lại.

Bà Lê Thị Thủy, chủ cơ sở sản xuất bánh gia truyền Thủy Bình, tổ 2, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Nghề này tuy không phải thức khuya dậy sớm, nhưng đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ. Quan trọng nhất là phải coi chữ tín quý hơn vàng thì mới chinh phục được thực khách”.

Bột bánh là bột mỳ, sau khi hòa với dầu ăn, nước với tỷ lệ thích hợp, để khoảng 20 phút cho bột có độ nở. Sau đó, người thợ chia nhỏ bột thành từng viên tròn, cán mỏng ra để làm vỏ bánh. Nhân được đặt vào giữa và nắn mép bánh lại cho kín. Tùy theo từng loại khuôn mà khối lượng bánh có tỷ lệ tương ứng.

Khuôn bánh làm bằng gỗ, được chạm khắc công phu để tạo nên những chiếc bánh có hoa văn đẹp mắt. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất bánh truyền thống ở thành phố Tuyên Quang vẫn thường sử dụng khuôn bánh bằng gỗ. Bà Bùi Thị Tuyết, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Đức Bình – Như Ngọc, phường Minh Xuân (Tp Tuyên Quang) cho biết, sở dĩ cơ sở vẫn dùng khuôn gỗ bởi hoa văn trên khuôn được khắc riêng từng loại, rõ nét, độc đáo, không sợ bị trùng mẫu với các loại bánh trên thị trường. Chiếc bánh trung thu được làm ra từ khuôn gỗ chắc hơn so với các loại khuôn khác.

Được phụ giúp bố mẹ làm bánh từ nhỏ, anh Bùi Anh Tuấn, cở sở sản xuất bánh Thủy Bình cho biết, sau khi nặn xong, anh đặt bánh vào khuôn, nén xuống cho bánh chặt rồi gõ xung quanh khuôn cho bánh tự tách ra khỏi khuôn. Sau đó, người thợ phết một lớp lòng đỏ trứng gà lên mặt bánh để tạo độ bóng vàng cho bánh và đặt vào lò nướng. Thời gian nướng bánh từ 20 - 30 phút, tùy theo trọng lượng đối với bánh nướng, còn bánh dẻo sẽ được làm từ bột chín nên chỉ cần đóng khuôn là hoàn thành. Bánh nướng xong cần phải để nguội trước khi đóng túi.

Vì bánh được làm thủ công, không sử dụng chất bảo quản nên hạn sử dụng ngắn, thường chỉ từ 7 - 15 ngày. Vẫn như mọi năm, giá bánh trung thu năm nay dao động từ 40.000 – 150.000 đồng/chiếc tùy theo trọng lượng và loại nhân bánh. Các cơ sở sản xuất bánh truyền thống đều có đầy đủ các giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi vậy, bánh trung thu truyền thống ngày càng nhận được sự ưa chuộng của người dân mỗi dịp Trung thu.

Thu Hằng - Minh Hoàng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/tinh-hoa-banh-trung-thu-truyen-thong-121926.html