Tinh hoa phát tiết
Nghề thủ công xưa không được khảo trong các sách chuyên ngành, mà chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong các sách dư địa chí, sau cũng ít nhiều được đề cập trong các sách văn hóa tập tục, rồi đến những sách nhỏ khảo cứu làng nghề, ngành nghề...
Trong suốt hai trăm năm công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhân loại mất đi nhiều nghề thủ công truyền thống không bao giờ phục hồi lại được nữa. Cho đến xã hội thông tin và công nghệ toàn cầu hiện nay, với sự phát triển toàn diện của ngành Design, các nghề thủ công cổ được nhìn nhận lại, trước tiên phục vụ cho công việc bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể, sau đó là những ngành design thủ công và độc bản cũng có cơ hội kinh doanh.
Việt Nam không nằm ngoài vấn đề này, mặc dù công nghiệp của nước ta chậm phát triển, chỉ trong thế kỷ XX, nhưng do chiến tranh, những chính sách kinh tế không thích hợp, nhiều làng nghề thủ công và nghề thủ công truyền thống cũng suy thoái và biến mất. 36 phố phường Thăng Long xưa cũng là 36 (con số tượng trưng) phường nghề thủ công thay đổi hoàn toàn cho đến chỗ chỉ còn vài gia đình của phố giữ được nghề.
Làng Đống Cao, Bắc Ninh, đến cuối những năm 2000, chỉ còn hai gia đình làm giấy dó, làng giấy dó Bưởi thì từ lâu tan biến, làng tranh dân gian Đông Hồ, đến những năm 2000 còn ba gia đình hành nghề, hai làng tranh dân gian Hàng Trống và Làng Sình (Huế) còn một gia đình, làng gốm Thổ Hà tắt lửa từ những năm 1970, làng gốm Chu Đậu còn sớm hơn, làng nghề in khắc sách Hồng Lục – Liễu Chàng cũng chỉ còn dấu vết ở những cuốn sách Hán Nôm cổ.
Cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, các làng nghề thủ công truyền thông Việt Nam dần dần phá sản trong nền kinh tế tư sản manh nha, và rồi lại gặp thời kỳ chiến tranh dài từ 1946 – 1979, tùy từng giai đoạn, mà nghề thủ công cũng không có cơ hội phát triển.
Trong thời kỳ Bao cấp và Hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tính chất của sản xuất và thị trường hoàn toàn thay đổi, có nghề phát triển, có nghề đóng cửa. Ví dụ, như làng tranh dân gian Đông Hồ, trở thành tổ sản xuất tranh, nằm trong hợp tác xã nông nghiệp Đông Hồ. Cuối cùng thu vào ba gia đình nghệ nhân là ông Nguyễn Hữu Sam, Trần Ngọc Tấn và Nguyễn Đăng Chế.
Sự phục hồi kinh tế và văn hóa truyền thống hậu chiến, những năm 1987, sau Đổi mới, các làng nghề có cơ hội phát triển trở lại, nhưng nhiều nghề đã suy thoái, biến dạng, cùng với sự du nhập của cơ giới hóa và dây chuyền sản xuất, tính chất nghề thủ công cũng thay đổi với một cách nhìn mới.
Làng nghề, phường nghề và nghề thủ công truyền thống tuy là một vấn đề, nhưng cũng khác nhau. Làng nghề là nói về một nghề thủ công truyền thống được thực hiện từ một làng nhất định, thường là nơi ra đời của nghề đó và đa phần người dân ở đó hành nghề. Nhiều nghiên cứu đã thi vị hóa người nông dân bình nhật thì đi cầy ruộng, vào dịp thì hành nghề, thực tế thì hầu hết các tay thợ đều tham gia làm chuyên nghiệp và tách rời với sản xuất nông nghiệp, tất nhiên có những nơi bán chuyên nghiệp, vừa làm ruộng vừa làm nghề, còn những thợ cả, thợ chính thì hoàn toàn là chuyên nghiệp.
Phường nghề là một bước chuyên nghiệp nữa khi chủ yếu từ làng nghề đi ra mở phường ở đô thị, đặc biệt là Thăng Long. Giữa làng nghề và phường nghề có quan hệ mật thiết, thậm chí là thờ tổ nghề chung.
Nghề thủ công truyền thống được hiểu theo nghĩa rộng, không nhất thiết phải ở làng nghề, phường nghề. Các sắc tộc miền núi có rất nhiều chuyên môn về thủ công, nhưng không hình thành làng nghề và phường nghề, cũng như nhiều cá nhân thợ thủ công hành nghề tự do. Nghề nấu ăn chẳng hạn, không phụ thuộc vào làng nghề hay phường nghề, mà có tính chất địa phương ẩm thực, nhưng hoàn toàn do các đầu bếp tên tuổi nhất định, họ có thể di cư mang theo hương vị ẩm thực của mình. Nấu ăn cũng chuyên nghiệp không kém bất kỳ nghề nào.
Cho đến nay, không có một thống kê chính xác Việt Nam từng có bao nhiêu làng nghề, phường nghề và nghề thủ công truyền thống, cái nào mất, cái nào còn, cái nào biển đổi trong cơ giới hóa và dây chuyền, gần đây còn là áp dụng công nghệ, ví dụ tiện chạm công nghệ theo mẫu mã, hoặc in 3D.
Sách về làng nghề và thủ công truyền thống không nhiều và cũng chưa thật đi sâu vào chuyên môn mang tính kỹ thuật, lý do là ngành nghiên cứu Việt Nam không có truyền thống và rất hạn chế về đầu tư, những người biết nghề thì có xu hướng giữ kín nghề nghiệp, nên không bao giờ công bố các công thức và kỹ nghệ, những người viết về làng nghề và nghề thủ công chủ yếu là các nhà văn hóa có hạn chế nhất định về tay nghề và cũng chẳng có ai có thể nắm được mọi kỹ thuật nghề nghiệp mà viết từng nghề cho rành rọt. Đây là công việc của nhiều thế hệ và nhiều người. Việc những nhà văn hóa viết về làng nghề và nghề thủ công đã là quý lắm, bởi họ có ý thức giữ gìn truyền thống trong khả năng có thể.
Nghề thủ công xưa không được khảo trong các sách chuyên ngành, mà chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong các sách dư địa chí, sau cũng ít nhiều được đề cập trong các sách văn hóa tập tục, rồi đến những sách nhỏ khảo cứu làng nghề, ngành nghề. Năm 2002, nhà xuất bản Văn hóa - thông tin có cuốn “Làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam” của Bùi Văn Vượng; năm 2012, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho ra mắt “Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam” gồm 6 tập, do Trương Minh Hằng chủ biên. ngoài ra ta có thể tìm thấy những sách chuyên khác về gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Đồng Nai, nghề sơn ta, nghề đúc đồng, nghề chạm khảm... và vài sách khác do người nước ngoài biên soạn.
Cuốn “Nghề cổ đất Việt” của Vũ Từ Trang, vừa ra mắt trong năm 2019, do Nhà xuất bản Phụ Nữ xuất bản, là một công trình đáng kể, sau nhiều năm hoạt động văn chương và nghiên cứu văn hóa của tác giả. Ông xuất thân là một trí thức làng Sặt (Trang Liệt) ở Từ Sơn, Bắc Ninh, quê hương của nhiều di sản văn hóa và làng nghề. Nguyên việc khảo cứu làng nghề Kinh Bắc xưa đối với ông là hoàn toàn thuận lợi và các làng nghề Kinh Bắc cũng cởi mở hơn rất nhiều nơi khác trong việc cung cấp thông tin cho người nghiên cứu. Tập sách với 25 nghề cổ:
1.Nghề làm gốm và các làng gốm
2.Nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt vải.
3.Nghề rèn
4.Nghề đúc đồng
5.Nghề chạm vàng bạc
6.Nghề làm cầy bừa
7.Nghề làm nón
8.Nghề đan tre, song mây
9.Nghề làm giấy
10.Nghề làm lược
11.Nghề làm quạt
12.Nghề sơn then, sơn thếp, sơn mài
13.Nghề làm pháo và pháo khổng lồ
14.Nghề làm tranh dân gian
15.Nghề chạm khắc đá
16.Nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ
17.Nghề dệt chiếu cói
18.Nghề làm mành trúc, mành tre, mành cọ
19.Nghề làm đồ chơi
20.Nghề làm đường mật, bánh kẹo
21.Nghề làm hương xạ, hương trầm
22.Nghề đóng thuyền
23.Nghề chế biến thực phẩm
24.Nghề làm đồ gia dụng
25.Nghề làm vật liệu, cơ khí
Không phải nói thì ai cũng biết để khảo cứu được từng nghề một cách nghiêm túc có chiều sâu, tác giả mất nhiều năm tháng lăn lộn trong thực tế thế nào. Mỗi bài viết là một chuyên khảo nghiên cứu công phu từ địa lý làng nghề, tổ nghề và thời điểm xuất phát, nghi lễ tín ngưỡng cho làng nghề, sự truyền nghề và những đặc điểm kỹ thuật và sản phẩm của nghề.
Cấu trúc của từng bài khác nhau, nhưng vấn đề nội dung tương đối chung nhất, từng mục nông sâu do khả năng khai thác của tác giả và tư liệu để lại, do đó mà từng bài lại không có mẫu nào chung nhất. Mặt khác vốn là nhà văn, ông chú trọng nhiều đến khía cạnh văn hóa của làng nghề.
Chúc mừng tác giả đã đóng góp thêm vào việc lưu giữ vốn văn hóa kỹ thuật truyền thống của dân tộc.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/tinh-hoa-phat-tiet-576501/