Tinh hoàn ẩn có khả năng sinh con ở tuổi trưởng thành không?

Khi bé trai được chẩn đoán bị tinh hoàn ẩn, nhiều cha mẹ thường lo lắng hỏi rằng liệu trẻ có khả năng sinh con ở tuổi trưởng thành không? Vậy tinh hoàn ẩn ảnh hưởng ra sao, khả năng có con ở các trường hợp này là như thế nào?

Tinh hoàn ẩn là bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục ở bé trai, đây là tình trạng ẩn tinh hoàn không xuống bìu mà nằm trong ổ bụng hay trong ống bẹn. Theo thống kê, tinh hoàn ẩn chiếm 3 - 5% ở trẻ sơ sinh đủ tháng, 20% ở trẻ sinh non.

Nhiều tinh hoàn không xuống bìu sau sinh, có thể tự hạ xuống bìu trong 3 tháng đầu. Vì vậy, tỉ lệ ẩn tinh hoàn sau 3 tháng còn khoảng 1 - 2%.

Tinh hoàn chia thành 2 loại: Trong đó có thể thấy tình trạng ẩn tinh hoàn sờ thấy (sờ được tinh hoàn ở ống bẹn). Và tinh hoàn ẩn không sờ thấy (không sờ được tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu hay trong ổ bụng).

Tinh hoàn ẩn là bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục ở bé trai. Ảnh minh họa.

Tinh hoàn ẩn là bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục ở bé trai. Ảnh minh họa.

Cha mẹ cần hiểu về nguy cơ của tinh hoàn ẩn ở trẻ

Khi được chẩn đoán trẻ mắc tinh hoàn ẩn, nhiều cha mẹ thường lo lắng hỏi rằng liệu khi trưởng thành trẻ có khả năng sinh con không? Vấn đề này còn phụ thuộc vào số lượng tế bào mầm khi mổ, vì đây là yếu tố tiên lượng khả năng có con của bệnh nhân.

Theo nghiên cứu, số lượng và chất lượng tinh trùng của 142 bệnh nhân đã được phẫu thuật tinh hoàn ẩn lúc 7 tuổi hoặc lớn hơn, kết quả nghiên cứu cho thấy các bệnh nhân đã được mổ tinh hoàn ẩn có nhiều khả năng có con.

Các bệnh nhân có tinh hoàn ẩn hai bên ở vị trí ống bẹn có số lượng và chất lượng tinh trùng bình thường hoặc chấp nhận được. Các bệnh nhân có tinh hoàn hai bên nằm trong ổ bụng sẽ ít có khả năng có con và tất cả bệnh nhân có tinh hoàn ẩn hai bên trong ổ bụng thuộc nhóm nghiên cứu đều không có tinh trùng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đã thấy từ 50 - 70% trường hợp tinh hoàn ẩn một bên và 75% ẩn hai bên có khả năng sinh sản bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, phẫu thuật sớm trong năm đầu sẽ có khả năng cải thiện tỷ lệ này.

Như vậy, có thể nói yếu tố ảnh hưởng của bé trai mắc tinh hoàn ẩn là giảm khả năng sinh sản, bởi tinh hoàn là nơi sinh ra và phát triển của tinh trùng, tinh hoàn cần mát hơn nhiệt độ cơ thể bình thường (từ 2 - 3 độ) để tạo ra tinh trùng.

Bìu có nhiệt độ mát hơn cơ thể (thấp hơn khoảng 5 độ), vì thế nó là nơi thích hợp chứa tinh hoàn. Khi tinh hoàn không nằm trong bìu thì khả năng sinh tinh trùng và phát triển của tinh trùng sẽ bị ảnh hưởng nhiều, đó là một nguyên nhân dẫn đến chứng vô sinh ở trẻ nam sau này, đặc biệt với những trường hợp ẩn tinh hoàn hai bên.

Ngoài ra, người ta còn thấy nguy cơ của trường hợp một tinh hoàn chưa xuống bìu có khả năng bị ung thư hóa cao hơn so với một tinh hoàn nằm trong bìu ở tuổi trưởng thành. Tinh hoàn chưa xuống bìu có nhiều nguy cơ bị tổn thương (do những va chạm, đụng dập vào vùng bẹn hoặc khung chậu) và xoắn tinh hoàn hơn so với một tinh hoàn bình thường (xoắn tinh hoàn là sự xoắn vặn của các mạch máu nuôi tinh hoàn, ống dẫn tinh hoặc các phần phụ xung quanh tinh hoàn, dẫn đến tinh hoàn thiếu máu nuôi dưỡng, bị nghẹt và hoại tử).

Bên cạnh đó, tinh hoàn không phát triển hoặc teo nhỏ dẫn tới tình trạng thiếu hụt nội tiết tố, trẻ thường yếu đuối, ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ quan sinh dục, tâm sinh lý của trẻ.

Điều trị tinh hoàn ẩn sẽ là phẫu thuật nhằm đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn trong bìu.

Điều trị tinh hoàn ẩn sẽ là phẫu thuật nhằm đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn trong bìu.

Tinh hoàn ẩn -Thời điểm nào trẻ cần được điều trị?

Thông thường sau khi sinh,tinh hoàn ẩn có thể được phát hiện ngay bởi các nữ hộ sinh hoặc các bác sĩ sản khoa. Người nhà chăm sóc sẽ phát hiện khi tắm, vệ sinh cho bé, vì không sờ thấy tinh hoàn của trẻ nằm trong bìu ở một bên hoặc cả hai bên, thấy hai bìu không cân xứng, một hoặc cả hai hai bên bìu xẹp.

Để điều trị, theo khuyến cáo thường sau 3 tháng tuổi tinh hoàn có khả năng tự di chuyển xuống bìu là rất thấp. Vì vậy, sau 6 tháng tuổi nếu tinh hoàn không tự xuống bìu được thì cần phải được điều trị.

Việc điều trị thông thường sẽ là phẫu thuật nhằm đưa tinh hoàn xuống bìu và cố định tinh hoàn trong bìu. Phẫu thuật sẽ được tiến hành tương đối đơn giản với tỷ lệ thành công cao. Việc phẫu thuật thông thường sẽ được thực hiện ở thời điểm lý tưởng nhất là 6 - 12 tháng tuổi, phẫu thuật trong giai đoạn này sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất, giúp cải thiện chức năng của tinh hoàn và giảm tỷ lệ ung thư hóa.

Cha mẹ cần lưu ý việc điều trị bằng thuốc hoặc các liệu pháp hormone thường không hữu ích. Vì vậy, cha mẹ cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của các bác sĩ.

Tóm lại: Tinh hoàn ẩn là một bất thường ở trẻ, cha mẹ không nên quá lo lắng. Với những trường hợp tinh hoàn sờ thấy được ở bẹn, việc phẫu thuật thường đơn giản với tỷ lệ thành công khoảng 98%.

Sau phẫu thuật trẻ cần được khám định kỳ theo hẹn với các bác sĩ ngoại hay tiết niệu nhi, thông thường lịch hẹn sẽ là 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Khi khám lại, trẻ sẽ được đánh giá vị trí, kích thước của tinh hoàn bằng việc thăm khám của bác sĩ và siêu âm.

Trẻ cần được theo dõi tới khi trưởng thành để đánh giá chức năng sinh tinh, nội tiết của tinh hoàn và những nguy cơ ác hóa có thể xảy ra. Khi trẻ đến tuổi thiếu niên, trẻ nên được học cách tự khám tinh hoàn để phát hiện những bất thường. Vì vậy, nếu có vần đề gì bất thường, cha mẹ nên cho trẻ khám ngay.

Mời độc giả xem thêm video:

BS Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-hoan-an-co-kha-nang-sinh-con-o-tuoi-truong-thanh-khong-169230103113513304.htm