Tình huống khó khăn trong việc chặn đứng nguồn lây nCoV tại TP.HCM
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết dịch Covid-19 đã xâm nhập nhiều chợ truyền thống. Khi phát hiện một ca dương tính, truy vết ngược lại thì đã có đến 7-10 người nhà mắc bệnh.
Gần một tháng bùng phát Covid-19 xuất phát từ điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, tình hình dịch ở TP.HCM còn khá căng thẳng. Thành phố bước qua ngày thứ 25 giãn cách xã hội, tuy nhiên, số ca mắc mới trong vòng 2 tuần gần đây vẫn cao.
Trong khi 2 điểm nóng Bắc Ninh và Bắc Giang hạ nhiệt, TP.HCM trở thành địa phương đứng thứ 2 về số lượng ca mắc Covid-19.
Dịch xâm nhập chợ đầu mối, phòng máy lạnh
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, trong các chuỗi lây nhiễm được ghi nhận tại thành phố, nhiều cụm dịch với hàng chục ca nhiễm liên quan các khu chợ. Trong đó, chuỗi lây nhiễm có số ca mắc cao nhất hiện nay là cụm dịch liên quan chợ đầu mối Hóc Môn.
Ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ngày 12/6 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, 13 tiểu thương, bốc xếp (1), giao hàng (1), người mua hàng (1) và 5 người nhà cũng được phát hiện dương tính.
Từ khu chợ này, ngành y tế tiếp tục truy vết và phát hiện 3 tiểu thương ở chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) cũng có nhiễm SARS-CoV-2. Nguyên nhân là trước đó người này đến chợ đầu mối Hóc Môn lấy hàng.
Một khu chợ khác có tiểu thương bán trái cây bị nhiễm là chợ Tân Hương (quận Tân Phú), trước đó người này cũng lấy hàng ở chợ đầu mối Hóc Môn. Như vậy, liên quan chuỗi lây nhiễm này, tổng cộng gần 100 ca được xác định.
Trong khi chuỗi lây nhiễm này chưa được khống chế, ngày 16/6, thành phố tiếp tục phát hiện một bốc xếp cá ở chợ đầu mối Bình Điền nhiễm SARS-CoV-2. Nhiều ngày qua, khu chợ này trở thành điểm nóng, nhân viên y tế xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm hàng chục nghìn lượt người liên quan. Đến ngày 25/6, tổng cộng 32 ca được ghi nhận.
"Từ ca chỉ điểm, ngành y tế tiến hành truy vết và phát hiện các ổ dịch ở khu nhà trọ, cơ sở sản xuất và chợ đầu mối"
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh
Chợ Kim Biên, khu nổi tiếng với mặt hàng hóa chất, hóa phẩm công nghiệp giá sỉ lớn tại quận 5, phát hiện 8 ca dương tính. Ca đầu tiên là người nhà của nhân viên cửa hàng quẹt gas, được tầm soát ở Bệnh viện quận 10. Đến nay, nhiều nhân viên cửa hàng, người nhà và một người đi khám bệnh cùng khung giờ với F0 ban đầu cũng nhiễm bệnh.
Ngoài ra, TP.HCM ghi nhận cụm lây nhiễm ở chợ khu phố 2, phường An Lạc và chợ Bình Trị Đông (quận Bình Tân).
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định sự giao lưu, tiếp xúc, mua bán ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống hiện không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; Mật độ giao lưu, tiếp xúc, không đeo khẩu trang, khoảng cách và khử khuẩn không đảm bảo.
Ngoài ra, các công ty hoạt động trong môi trường máy lạnh, giao lưu tiếp xúc nhiều trong thời gian ăn uống, nghỉ ngơi, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xâm nhập và lây lan.
Người đứng đầu ngành y tế nhận định diễn biến dịch tại TP.HCM phức tạp, các ca nhiễm trong cộng đồng còn gia tăng. Trung bình mỗi ngày, thành phố có 15 F0 được phát hiện qua khám sàng lọc tại cơ sở y tế, ngày cao điểm như 24/6 ghi nhận 27 ca. "Đây là những ca chỉ điểm, từ đó tiến hành truy vết ra các ổ dịch ở khu nhà trọ, cơ sở sản xuất và chợ đầu mối", ông Bỉnh cho biết.
Chủng virus Delta lây lan rất nhanh
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định chủng Delta đang lây lan rất nhanh. Trong thời gian qua, nhiều ca nhiễm là nhân viên y tế tham gia công tác lấy mẫu, dù áp dụng nhiều biện pháp phòng hộ, đeo khẩu trang N95 nhưng vẫn lây nhiễm. Ngay trong khu cách ly, một nữ điều dưỡng chỉ làm công tác lấy nhiệt độ hàng ngày những cũng trở thành F0.
"Chúng ta thấy mức độ lây nhiễm của chủng virus đợt này rất căng, khác biệt so với chủng trước đây. Dù rằng chủng trước đây, cách ly ở khu quân đội, 4 người 1 phòng vẫn yên ổn. Nhưng chủng Delta lần này lây lan rất dữ. Ở công ty, chỉ một người lây nhiễm, truy vết ngược thì 7 người dương tính hết", ông Bỉnh nói thêm.
Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh việc thực hiện giãn cách ở phòng làm việc, cùng công ty, tiếp xúc người nhà với người xung quanh rất hạn chế. Ông đề nghị người dân cần hạn chế tiếp xúc.
Mới đây, một ca bệnh là nhân viên giao mỹ phẩm. Trước đó, người này đã giao hàng ở 5 bệnh viện tại thành phố. Nhiều bệnh viện cũng đang phải xét nghiệm cho nhân viên từ chiều 24/6.
"Trong vùng phong tỏa, chỉ cần một ca lọt ra ra ngoài, ca này lây lan cho gia đình, từ đó phát tán rất nhanh. Nếu chúng ta tính theo công thức một ca nhiễm là công nhân, đặc biệt làm việc trong môi trường tiếp xúc gần như ngành thủy sản, có thể lây lan 7 ca. 7 người này tiếp xúc lây nhiễm cho 49 ca khác. Như vậy, với chủng này, sự lây nhiễm có thể theo cấp số nhân", ông Bỉnh nêu ví dụ.
"Chủng Delta lần này lây lan rất dữ. Ở công ty, chỉ một người lây nhiễm, truy vết ngược thì 7 người dương tính hết"
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh
Ông Bỉnh đề nghị các đơn vị yêu cầu người lao động sau giờ làm việc nên ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, không tụ tập, không đi đến nơi công cộng. Người thân trong cùng nhà cũng hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.
Các đơn vị sản xuất có điều kiện tại cơ sở làm việc nghiên cứu bố trí khu lưu trú cho công nhân ngay tại cơ sở làm việc để đảm bảo quản lý không tiếp xúc với người bên ngoài cộng đồng. Các cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án tổ chức cách ly tại nơi làm việc nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh trong đơn vị, để đảm bảo vừa cách ly y tế vừa duy trì lao động sản xuất.
68% không triệu chứng, dễ dàng bỏ sót cụm lây nhiễm
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết qua quá trình đánh giá, số bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Cụ thể, hiện nay, 68% bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng, trong đó chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp).
"Chúng ta có thể tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước"
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC)
Trong thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, con số này bị đảo ngược lại là 68% trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.
"Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Nếu những ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám, họ sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều thấy rõ", ông Nguyễn Trí Dũng nhận định.
Về công tác dịch tễ, virus SARS-CoV-2 sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện 2 trạng thái. Đầu tiên là độc lực gia tăng nếu virus có biến chủng. Nếu virus không biến chủng, qua nhiều thế hệ thì độc lực của SARS-CoV-2 giảm.
Hiện nay, sự lây lan ở thành phố vẫn tồn tại, lây lan nhanh nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
Các biện pháp truy vết của thành phố cần tiếp tục, tuy nhiên, chúng ta có thể tính tới phương án sống chung với lũ. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước", ông Dũng chia sẻ.
Cụ thể theo Giám đốc HCDC, trong thời gian tới, thành phố cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền. Những người này cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những trường hợp riêng lẻ khác có thể coi là mắc cúm.
"Đây là đề xuất chúng ta có thể tính tới trong giai đoạn tiếp theo. Còn hiện tại, ngành y vẫn cần cố gắng truy vết, xử lý, phát hiện sớm ca bệnh có triệu chứng để truy vết với tốc độ nhanh nhất", Giám đốc HCDC nhấn mạnh.