Tình huống pháp lý để truy cứu tài xế trong vụ bỏ quên học sinh trên xe ô tô

Theo nhận định của luật sư, cái chết của bé trai đến từ lỗi vô ý, do đó quyết định khởi tố vụ án hình sự 'Vô ý làm chết người' của cơ quan điều tra là chính xác.

Chiều 30-5, trao đổi với phóng viên, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) cho rằng, vụ việc tại Thái Bình có tính chất tương tự một vụ từng xảy ra tại TP Hà Nội vài năm trước.

Theo luật sư, trong vụ việc này, những cá nhân liên quan đều có phần lỗi vô ý, không làm đúng trách nhiệm của mình khi kiểm tra các cháu học sinh đã xuống xe đủ hay chưa; cô giáo đứng lớp hay cô giáo đón bé sau khi phát hiện thiếu cháu H. nhưng không thực hiện thông báo với gia đình...

 Xe ô tô chở trẻ của Trường mầm non Hồng Nhung

Xe ô tô chở trẻ của Trường mầm non Hồng Nhung

Từ lập luận trên, luật sư Giáp cho rằng, cần phải xem xét trách nhiệm đối với cô giáo đón dẫn cháu H., cô giáo đứng lớp kiểm đếm học sinh. Đối với tài xế, luật sư cho biết, cơ quan điều tra sẽ làm rõ "phạm vi" nhiệm vụ của lái xe gồm những gì. Có trách nhiệm kiểm tra ô tô trước khi ra về hay không. Từ đó sẽ xem xét truy cứu hay không truy cứu tài xế.

Trong khi đó, về phía nhà trường, cơ quan chức năng sẽ xác minh xem ban giám hiệu có hướng dẫn, đào tạo về quy trình đưa đón học sinh cho các giáo viên đầy đủ hay không.

Theo luật sư Giáp, tại điều 129, Bộ luật Hình sự, khung hình phạt với người vô ý làm chết người là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Trước đó, trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định đối với ô tô chở học sinh, trẻ em mầm non tại điều 45.

 Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Luật sư Hoàng Trọng Giáp

Cụ thể, khoản 3, điều 45 nêu: "Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi. Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô".

Bộ Công an cũng đề xuất cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

GIA KHÁNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-huong-phap-ly-de-truy-cuu-tai-xe-trong-vu-bo-quen-hoc-sinh-tren-xe-o-to-post742274.html