Tình huống pháp lý vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người

Theo luật sư, cần xác định nơi đặt bẫy chuột có nhiều người qua lại hay không và người đặt bẫy đã thực hiện đầy đủ biện pháp nhằm ngăn hậu quả đáng tiếc xảy ra hay chưa, từ đó có thể xác định tội danh của đối tượng.

Hiện trường vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người ở tỉnh An Giang (Ảnh: Vũ Tiến)

Hiện trường vụ dùng điện bẫy chuột gây chết người ở tỉnh An Giang (Ảnh: Vũ Tiến)

Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh An Giang vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với ông Hồ Văn Út (SN 1966, trú tại xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) về hành vi giết người.

Theo thông tin ban đầu, để bảo vệ ruộng lúa của gia đình, ông Út đã giăng bẫy chuột bằng điện ngoài ruộng và vô tình khiến anh Nguyễn Văn H (SN 1978, cùng trú tại địa phương) mắc phải, bị giật tử vong. Sau khi vụ việc xảy ra, ông Út thông báo cho người dân gần đó biết và lên CA xã Phú Bình tự thú.

Theo cơ quan công an, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh An Giang, nhiều người dân sử dụng điện để đánh bắt cá và diệt chuột bảo vệ lúa và hoa màu. CA tỉnh An Giang phát đi cảnh báo, yêu cầu chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, tuyên truyền giáo dục pháp luật để người dân có biện pháp phù hợp bảo vệ tài sản, mùa màng, không gây ảnh hưởng đến môi trường, tính mạng của người khác.

Trong quá trình lao động, sản xuất, người dân phải nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyệt đối không sử dụng điện để bẫy diệt chuột bảo vệ lúa, hoa màu trái phép.

Bạn đọc đặt câu hỏi vì sao việc đặt bẫy chuột không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống người khác, tuy nhiên ông Út vẫn bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo hướng dẫn tại Công văn số 81/2002/TANDTC của Tòa án Nhân dân Tối cao, đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng nhưng dẫn tới hậu quả làm chết người, việc xử lý cần phân chia thành các trường hợp:

Trường hợp, người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng vẫn cố tình thực hiện hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết thì người phạm tội bị xét xử về tội “Giết người” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015, với mức phạt tù từ 7-15 năm tù.

Trường hợp thuộc các tình tiết định khung như bằng phương pháp có thể làm chết nhiều người, có tổ chức hay tái phạm nguy hiểm, mức phạt là phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trường hợp, nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 129, Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt cơ bản của tội “Vô ý làm chết người” là 1 đến 5 năm tù giam.

"Mấu chốt của việc xử lý đối với hành vi dùng bẫy điện làm chết người nằm ở 2 yếu tố, đó là không gian, địa điểm thực hiện hành vi có phải nơi đông người qua lại hay không và người mắc bẫy điện có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm hay các động thái khác nhằm cảnh báo cho người khác hay không. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý người vi phạm" - luật sư Đinh Thị Nguyên cho hay.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tinh-huong-phap-ly-vu-dung-dien-bay-chuot-gay-chet-nguoi-393378.html