Tình huống phức tạp trong ổ dịch Covid-19 ở TP.HCM

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dịch Covid-19 ở TP.HCM xuất hiện tình huống phức tạp khi xét nghiệm rRT-PCR cho thấy F1 âm tính nhưng F2 dương tính.

Chiều 10/2, tại cuộc họp trực tuyến giữa Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và UBND TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng Covid-19 tại TP.HCM, cho biết tốc độ xét nghiệm của TP.HCM lấy mẫu rất nhanh chóng. Tuy nhiên, việc xử lý các mẫu còn khá chậm. Ông đề nghị kết quả xét nghiệm rRT-PCR phải được trả trong ngày.

Bên cạnh đó, dịch ở TP.HCM đã xuất hiện tình huống tương đối phức tạp. Cụ thể, xét nghiệm rRT-PCR cho thấy F1 âm tính nhưng F2 dương tính.

Tối 9/2, Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 với tất cả nhân viên công ty bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất. Qua 570 trường hợp được xét nghiệm, Bộ phận thường trực phát hiện 2 trường hợp có kháng thể nCoV. Hiện, cơ quan này chỉ đạo truy vết tất cả người liên quan nhóm nhân viên bốc xếp này.

 Đầu cầu TP.HCM trong cuộc họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 10/2. Ảnh: TTBC.

Đầu cầu TP.HCM trong cuộc họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chiều 10/2. Ảnh: TTBC.

Lý giải tình huống F1 âm tính nhưng F2 dương tính, Bộ phận thường trực đặc biệt đang xây dựng giả thuyết. Trong đó, có 2 giả thuyết tương đối nổi trội.

Giả thuyết thứ nhất, các trường hợp là F1 từng mắc bệnh, kháng nguyên dương tính và lây nhiễm cho F2, sau đó khỏi bệnh. Qua thời gian, họ có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính, trong khi đó, F2 lây nhiễm virus và bắt đầu giai đoạn kháng thể dương tính.

Giả thuyết thứ 2 là các trường hợp F1 có thể F0 đầu tiên, sau đó lây cho bệnh nhân 1979 rồi lây cho trường hợp khác tiếp xúc gần. Trong đó có F2 và trường hợp mà hiện tại chúng ta gọi là F0.

"Chúng tôi kỳ vọng với các xét nghiệm kháng thể diện rộng trong các địa bàn có người mắc Covid-19 ở TP.HCM đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất, sẽ giải được bài toán tại sao có sự lây truyền trong bộ phận nhân viên công ty bốc xếp. Hy vọng trong thời gian tới, có thể hỗ trợ được thành phố", ông nói.

Sau khi tiếp nhận thông tin này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Điều này khiến tôi rất lo lắng. Việc truy vết dần ổ dịch từ sân bay Tân Sơn Nhất ra ngoài là rất tốt. Nhưng chúng ta không thể xét nghiệm 10 triệu dân ở TP.HCM, phải đánh giá liệu thành phố còn nhiều ổ dịch khác hay không".

Ông Đam nhận định nguồn lây của các ổ dịch khác có thể từ nước ngoài, người nhập cảnh trái phép hoặc "sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó mà ổ dịch tồn tại khá lâu trong thành phố". Điều này chỉ được phát hiện khi xét nghiệm tầm soát.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết việc dùng test nhanh kháng nguyên cho nhóm đối tượng là nhân viên công ty bốc xếp rất thuận lợi cho ngành y tế trong tình hình hiện tại.

Mỗi ngày, HCDC phải thực hiện từ 1.500-1.700 xét nghiệm. Vì vậy, nếu có 30.000 test kháng nguyên và 30.000 test kháng thể, ngành y tế sẽ thuận lợi hơn khi hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Sau khi nghe đề nghị của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đồng ý hỗ trợ TP.HCM 30.000 test xét nghiệm. Trước đó, Bộ Y tế hỗ trợ mỗi địa phương số lượng test nhất định, tuy nhiên, do điểm nóng TP.HCM, Ban Chỉ đạo quyết định ưu tiên hỗ trợ trước cho TP.HCM và cân đối hỗ trợ cho các tỉnh, thành khác.

Từ ngày 27/1 đến 13h ngày 9/2, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 33 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, bệnh nhân 1660 (nam, 28 tuổi) được xác định mắc Covid-19 sau khi đến từ vùng dịch Hải Dương. Các trường hợp còn lại là nhân viên bốc xếp hành lý, hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất và người tiếp xúc gần.

Số điểm phong tỏa tại TP.HCM đã tăng từ 18 lên 33 điểm ở nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức, gồm quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, 1, 2, 10, Tân Phú.

Kháng nguyên sinh ra khi có thể bị virus xâm nhập. Xét nghiệm kháng nguyên là chẩn đoán nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) giúp phát hiện sự hiện diện protein đặc hiệu của virus (kháng nguyên) SARS-CoV-2 có trong một mẫu dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh.

Xét nghiệm tìm kháng thể là tìm virus gián tiếp thông qua xác định kháng thể trong máu. Kháng thể là các protein đặc biệt (IgM, IgG) mà cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tinh-huong-phuc-tap-trong-o-dich-covid-19-o-tphcm-post1182745.html