Tính khách quan của bảng xếp hạng đại học VNUR-2023

Theo TS. Lý Thiên Trang, bảng xếp hạng đại học VNUR-2023 cần thận trọng khi dùng dữ liệu của 191 trường và công bố top 100 trường.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

LTSS: Giáo dục và Thời đại giới thiệu bài viết của TS. Lý Thiên Trang – Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM về xếp hạng đại học.

Kinh tế tri thức thúc đẩy hình thành bảng xếp hạng

Do nhu cầu toàn cầu hóa trong giáo dục đại học, sự cạnh tranh giữa các trường đại học về uy tín, chất lượng, tuyển sinh, nâng cao nhận diện quốc tế… và sự phát triển của kinh tế tri thức đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ các bảng xếp hạng đại học từ khoảng 20 năm trở lại đây.

Thực tế, việc thực hành xếp hạng đã có từ năm 1990 tại Anh quốc từ khi xuất bản nghiên cứu “Where we get our best men”. Tuy nhiên thời điểm đó xã hội chưa quan tâm đến xếp hạng đại học. Đến mãi 1983, khi Tạp chí The US News and World Report – Hoa kỳ công bố “America’s Best Colleges” thì mới thu hút sự quan tâm của học giả, các nhà nghiên cứu giáo dục và xã hội.

Ở cấp độ toàn cầu, các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới như The QS World University Rankings của tổ chức QS Quacquarelli Symonds (Anh quốc), The THE World University Rankings của Tạp chí Times Higher Education (Anh quốc) và The Academic Ranking of World Universities (ARWU) của Trường Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung quốc).

Bảng xếp hạng ARWU được cho là thiên về đánh giá nghiên cứu, thông qua các cựu sinh viên nhận các giải thưởng danh giá, các nghiên cứu xuất sắc… nên sự quan tâm đại chúng chưa cao vì các trường đại học khó đạt được các tiêu chuẩn cao về nghiên cứu của bảng xếp hạng này.

Hai bảng xếp hạng The QS World University Rankings và The THE World University Rankings tương đối giống nhau do trước đây (từ năm 2004 đến năm 2009), Tổ chức QS hợp tác với tạp chí THE hình thành bảng xếp hạng đại học dưới tên gọi đầu tiên là THES, sau đó là THE-QS, và từ 2009 mới tách ra thành 2 bảng xếp khác nhau.

Bảng xếp hạng The QS World University Rankings và THE World University Rankings vẫn là sự lựa chọn của đông đảo các trường đại học trên thế giới. Một trong số nhiều lý do cho sự lựa chọn này là phương pháp xây dựng bộ chuẩn, độ tin cậy, tính minh bạch, khách quan của cơ sở dữ liệu cũng như trách nhiệm giải trình được các tổ chức này đặc biệt quan tâm.

Xây dựng độ tin cậy của bảng xếp hạng

Phương pháp xây dựng cũng như thu thập dữ liệu của các bảng xếp hạng thế giới được bắt đầu bằng việc lấy ý kiến của chuyên gia giáo dục, các nhà nghiên cứu. Ví dụ như để xây dựng bảng xếp hạng The QS University Rankings, tổ chức QS phải lấy ý kiến trực tiếp của khoảng 8.000 chuyên gia. Sau đó họ thử nghiệm và đánh giá kết quả. Đồng thời, họ tập hợp một số lớn các chuyên gia kỹ thuật và thống kê để xây dựng và thử nghiệm các bảng khảo sát đảm báo tính khách quan, chính xác, độ tin cậy của dữ liệu.

Bộ chuẩn của The QS University Rankings đánh giá 6 tiêu chuẩn. Danh tiếng về học thuật hay uy tín học thuật (40%). Danh tiếng đối với nhà tuyển dụng (10%). Tỉ lệ giảng viên/ Sinh viên (20%). Trích dẫn trên mỗi giảng viên (20%). Sinh viên quốc tế (5%). Giảng viên quốc tế (5%).

Do tính đa dạng của các tiêu chuẩn xếp hạng trong bộ chuẩn của QS – tỉ trọng cho nghiên cứu không quá lớn nên được nhiều trường đại học thế giới quan tâm, đặc biệt các đại học từ Đông Nam Á. Để đảm bảo độ chính xác, khách quan của dữ liệu Tổ chức QS và THE ngoài việc thu thập dữ liệu do cơ sở giáo dục cung cấp, các tổ chức này còn tiến hành khảo sát dữ liệu từ các bên liên quan bên ngoài.

Ví dụ, QS khảo sát khoảng 100 nghìn chuyên gia giáo dục và khoảng 50 nghìn nhà tuyển dụng để đánh giá danh tiếng hay uy tín học thuật và danh tiếng đối với nhà tuyển dụng, đối sánh cơ sở dữ liệu được cung cấp từ các trường với cơ sở dữ liệu của quốc gia, của chính phủ…

Ngoài ra, các tổ chức này hợp tác với nhà xuất bản ấn phẩm khoa học lớn nhất thế giới như Elsevier để lấy dữ liệu bài báo khoa học và trích dẫn. Các tổ chức này còn mời nhiều chuyên gia tư vấn khi có những thay đổi để đảm bảo độ tin cậy của cơ sở dữ liệu…

Bảng xếp hạng đại học cấp quốc gia nổi tiếng nhất thế giới

Ở cấp độ quốc gia về xếp hạng đại học, các nước khi xây dựng bộ chuẩn xếp hạng đại học thông thường cũng tham khảo bộ chuẩn quốc tế về cách xây dựng để đảm bảo độ chính xác, khách quan, minh bạch, trách nhiệm giải trình… Đặc biệt, họ thận trọng trong việc cung cấp thông tin đến sinh viên, học sinh, phụ huynh, doanh nghiệp, chính phủ… Bảng xếp hạng cấp quốc gia nổi tiếng nhất hiện nay là bảng xếp đại học của Tạp chí The US News and World Report – Hoa kỳ.

Sự công bằng và trung thực của VNUR-2023

Gần đây, trên các phương tiện truyền thông trong nước ta có thông tin Bảng xếp hạng Top 100 trường đại học Việt Nam (VNUR-2023) do nhóm 4 tác giả xây dựng và các nhà thiết kế. Nhóm tác giả đã có những nỗ lực khi nghiên cứu xây dựng VNUR-2023 trong 2 năm.

Cá nhân tôi ủng hộ xếp hạng đại học trước xu thế quốc tế hóa giáo dục đại học. Nhưng khi xem bảng xếp hạng VNUR-2023, tôi có suy nghĩ về một số vấn đề. Tôi chưa thấy Bảng xếp hạng này đề cập đến đã được thẩm định bởi hội đồng hay cơ quan nào. Bộ chuẩn xếp hạng có lấy ý kiến phản biện từ các chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và các bên liên quan khác hay chưa và số lượng phản hồi là bao nhiêu?

Bảng xếp hạng sẽ định hướng tốt cho xã hội nếu chứng minh rõ hơn tính khách quan, độ chính xác của cơ sở dữ liệu, qui trình thu thập và xác minh cơ sở dữ liệu, trách nhiệm giải trình với xã hội và các bên liên quan.

Dù không trực tiếp thu nhận dữ liệu từ các cơ sở giáo dục nhưng qui trình và con người tham gia thu thập và xử lý dữ liệu có đảm bảo dữ liệu khách quan cũng như “ethical standards” – tiêu chuẩn đạo đức vì đây là hai trong số một số vấn đề mà Nguyên tắc Berlin khi xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học (2006) qui định mà VNUR có đề cập.

Một vấn đề khác nữa tôi nghĩ VNRU cần thận trọng hơn khi dùng dữ liệu của 191 trường và công bố tên của top 100 trường đại học. Việc sử dụng tên các trường đại học trong bảng xếp hạng phải được sự đồng ý của các trường vì việc tham gia xếp hạng đại học là sự tự nguyện. Luật Giáo dục 2019 số 43/2019/QH14 tại điều 9 qui định “Cơ sở giáo dục đại học chủ động lựa chọn, tham gia các bảng xếp hạng có uy tín trong nước, quốc tế. Pháp nhân phi thương mại Việt Nam được thực hiện xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, có trách nhiệm công khai, giải trình về phương pháp, tiêu chí và kết quả xếp hạng.”

Tóm lại, nhóm nghiên cứu cần xem lại phương pháp làm, thận trọng khi công bố thông tin ra xã hội. Bảng xếp hạng đại học Top 100 trường đại học Việt Nam (VNUR-2023) phải được thông qua hội đồng, tổ chức thẩm định hay phản biện và thu thập ý kiến của xã hội để đảm bảo tính khách quan, công bằng và trung thực, đồng thời phải xin phép các cơ sở giáo dục đại học khi sử dụng tên của họ, tránh phương hại có thể xảy ra, đặc biệt trong thời điểm tuyển sinh như hiện nay.

PV

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tinh-khach-quan-cua-bang-xep-hang-dai-hoc-vnur-2023-post626805.html