Tính kỹ những vấn đề phát sinh

Theo dự án Luật Việc làm (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều qua, Quỹ quốc gia về việc làm sẽ được giải thể.

Cùng với việc giải thể Quỹ, dự luật tập trung sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm theo hướng gồm: ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ chi đầu tư phát triển; nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội; nguồn vốn tổ chức, cá nhân khác ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí vốn ngân sách địa phương, giao UBND cùng cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Thu hút nguồn lực xã hội cho nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Nguồn: ITN

Thu hút nguồn lực xã hội cho nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Nguồn: ITN

Lý do đưa ra đề xuất như trên là bởi, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện nay chủ yếu được thực hiện từ nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội huy động và nguồn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Cả 3 nguồn vốn này đều do Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức thực hiện cho vay. Trong đó, hai nguồn chủ yếu là: nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội - chiếm tỷ trọng lớn nhất, có xu hướng ngày càng tăng (thông qua cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất) nhưng mới được quy định ở văn bản dưới luật và nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội thì hiện chưa có quy định cụ thể nên nhiều địa phương gặp khó khăn khi ủy thác.

Theo số liệu được nêu trong Tờ trình dự án Luật thì tính đến tháng 7 năm nay, tổng dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt trên 102.217 tỷ đồng. Đây cũng là chương trình có dư nợ lớn nhất, chiếm 29,14% tổng dư nợ trong các chương trình đang triển khai tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 63/63 tỉnh, thành phố (trong đó có nhiều địa phương có cấp huyện) đã ủy thác ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm (trong nước và ngoài nước) với tổng dư nợ khoảng 38.378 tỷ đồng, chiếm 37,5% tổng dư nợ.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm cũng cho thấy, dù được quy định trong Luật nhưng Quỹ quốc gia về việc làm không có tổ chức bộ máy, kế toán. Từ khi được thành lập năm 1992 đến năm 2002, Quỹ do hệ thống Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý, cho vay và từ năm 2002 đến nay là do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện quản lý, cho vay. Vì không có tổ chức bộ máy, không phải là một tổ chức có hoạt động độc lập, không có tư cách pháp nhân, không có báo cáo tài chính riêng… như các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác nên từ năm 2016 đến nay, Quỹ quốc gia về việc làm cũng không được ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn mà chỉ được bổ sung vốn từ một phần tiền lãi cho vay theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, Thông tư số 54/2016/TT-BTC.

Với thực tế như vậy, việc đề xuất giải thể Quỹ quốc gia về việc làm cũng nhận được sự ủng hộ của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Việc giải thể Quỹ này cũng phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội, Nghị quyết số 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

Tuy vậy, đây vẫn là một đề xuất mới được đưa ra, chưa có trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) trước đó. Việc giải thể Quỹ và chuyển đổi nguồn vốn như đề xuất của dự thảo Luật sẽ tác động trực tiếp đến việc quản lý, bố trí nguồn lực, cơ chế phân bổ, sử dụng nguồn vốn này nhưng lại chưa được đánh giá trong Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật.

Một đề xuất về cơ bản là phù hợp, nhưng chưa được đánh giá tác động toàn diện, nhất là đánh giá những vấn đề phát sinh là chưa đủ căn cứ để đại biểu Quốc hội có thể yên tâm xem xét, quyết định.

Với đề xuất trong dự thảo Luật thì những vấn đề phát sinh cần phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng là: việc huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm như thế nào; việc bảo đảm nguồn lực cho vay, nhất là nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương khó khăn ra sao; rà soát các đối tượng cho vay giải quyết việc làm để thống nhất, liên thông với các chính sách hiện hành, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện…

Về lâu dài, cần tính kỹ các cơ chế xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội cho nguồn vốn vay giải quyết việc làm cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng bộ để giải quyết việc làm bền vững cho người dân.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tinh-ky-nhung-van-de-phat-sinh-post391339.html