Tính làm trung tâm AI chạy bằng điện hạt nhân, Mark Zuckerberg bị... loài ong hiếm ngáng chân

Kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu AI chạy bằng năng lượng hạt nhân của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg bị loài ong quý hiếm 'ngáng chân'.

Gần đây, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg lên kế hoạch ký thỏa thuận với một đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân nhằm cung cấp điện không phát thải cho trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) mới.

Tuy nhiên, báo Financial Times dẫn nhiều nguồn thạo tin tiết lộ kế hoạch này của Meta gặp trở ngại vì một loài ong quý hiếm. Theo các nguồn tin, loài ong hiếm này được được phát hiện ở khu đất dự án xây dựng trung tâm dữ liệu AI.

Trong một cuộc họp toàn thể của Meta vào tuần trước, ông chủ Facebook nói rằng việc phát hiện ra loài ong quý hiếm ở địa điểm xây dựng trung tâm dữ liệu sẽ cản trở tiến độ dự án sắp tới.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tìm đến điện hạt nhân để cung cấp năng lượng cho AI. Ảnh: CNET

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg tìm đến điện hạt nhân để cung cấp năng lượng cho AI. Ảnh: CNET

Vài tháng trước đây, trang Bloomberg từng đưa tin Meta đang xây dựng một trung tâm dữ liệu trị giá 800 triệu USD ở bang Indiana (Mỹ). Trung tâm này sẽ được tối ưu hóa để xử lý các dịch vụ AI, được cho là nỗ lực mới nhất của công ty mẹ của Facebook nhằm giành được lợi thế trong lĩnh vực công nghệ mới.

Cơ sở rộng khoảng 65.000 m2 dự kiến đặt tại TP Jeffersonville, cách thủ phủ bang Indiana khoảng 1.327 km, trang bị các thiết bị như bộ tản nhiệt bằng chất lỏng được thiết kế để đáp ứng nhu cầu tính toán ngày càng cao của AI. Trung tâm dữ liệu mới nhất này dự kiến được hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2026.

Financial Times cho rằng "cú ngáng chân" của loài ong quý hiếm kể trên xảy ra khi các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Microsoft đồng loạt tìm đến điện hạt nhân nhằm cung cấp nguồn năng lượng khổng lồ cho các trung tâm dữ liệu AI. Để phản hồi một truy vấn trên ChatGPT, lượng điện năng tiêu thụ trung bình gấp gần 10 lần so với khi thực hiện một lệnh tìm kiếm trên Google.

Meta còn dự tính đầu tư vào năng lượng địa nhiệt cho các trung tâm dữ liệu. Ảnh: Adobe Stock

Meta còn dự tính đầu tư vào năng lượng địa nhiệt cho các trung tâm dữ liệu. Ảnh: Adobe Stock

Meta đang tiếp tục tìm hiểu nhiều thỏa thuận khác nhau về năng lượng không carbon, bao gồm cả hạt nhân. Bởi lẽ hạt nhân ngày càng được coi là một cách để có được nguồn điện ổn định 24/7 trong cuộc chiến AI giữa các tập đoàn công nghệ lớn.

Theo tiết lộ từ hai nguồn tin của báo Financial Times, ông Zuckerberg nói với trước toàn thể nhân viên rằng nếu thỏa thuận được thực hiện, Meta sẽ là tập đoàn công nghệ lớn đầu tiên sử dụng AI chạy bằng năng lượng hạt nhân và sẽ có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất để cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu.

Một người quen thuộc với vấn đề này cho biết ông Zuckerberg khá thất vọng vì thiếu các lựa chọn hạt nhân ở Mỹ, trong khi Trung Quốc vượt mặt Mỹ về năng lượng hạt nhân.

Không chỉ hạt nhân, Meta còn dự tính đầu tư vào năng lượng địa nhiệt cho các trung tâm dữ liệu. Tháng 8-2024, Meta thông báo đang hợp tác với công ty khai thác địa nhiệt Sage Geosystems cung cấp năng lượng không phát thải cho các trung tâm dữ liệu của mình. Giai đoạn đầu tiên dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027. Địa điểm cụ thể vẫn chưa được quyết định.

Kể từ năm 2020, hoạt động vận hành trên quy mô toàn cầu của Meta đã đạt được mục tiêu không phát thải khí carbon và sử dụng 100% nguồn năng tái tạo.

Huệ Bình

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tinh-lam-trung-tam-ai-chay-bang-dien-hat-nhan-mark-zuckerberg-bi-loai-ong-hiem-ngang-chan-196241104231725336.htm