Tình làng, nghĩa xóm trong cơn lốc đô thị: Bài cuối: Gắn kết cộng đồng từ những điều giản dị
Tình làng nghĩa xóm là một phần cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó không chỉ là quan hệ hàng xóm láng giềng, mà còn là nền tảng để hình thành sự đồng thuận, gắn bó trong cộng đồng. Là người theo sát đời sống văn hóa cơ sở, bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL) đã có những chia sẻ với PV Báo Đại đoàn kết về việc làm thế nào để khơi dậy, phát huy tình làng nghĩa xóm trong đời sống hiện đại.

Bà Ninh Thị Thu Hương.
PV: Ở góc độ quản lý văn hóa cơ sở, theo bà, tình làng nghĩa xóm có vai trò thế nào trong việc gắn kết cộng đồng và gìn giữ bản sắc văn hóa?
Bà Ninh Thị Thu Hương: Có thể nói, mỗi làng quê, mỗi phong tục tập quán riêng, nhưng “tình làng nghĩa xóm” nơi đâu cũng đều thể hiện sự gắn kết, sẻ chia, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Rất chân thành và giản dị, tình làng nghĩa xóm - đơn giản chỉ là những lời chào hỏi cởi mở hằng ngày, là chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, là thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, giúp đỡ tận tình lúc nhà có công có việc. Tình làng, nghĩa xóm - là san sẻ với nhau từng mớ rau, con cá, bát canh ngon, chút dưa cà; là sẵn sàng hỗ trợ nhau cây, con giống, vốn để phát triển sản xuất, giúp nhau giảm nghèo...
Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư là nét đẹp văn hóa bao đời nay của dân tộc ta.
Theo dõi sát đời sống văn hóa cơ sở, bà đánh giá thế nào về sự chuyển biến trong quan hệ hàng xóm láng giềng tại các đô thị lớn dưới tác động của quá trình đô thị hóa? Vì sao một giá trị từng rất bền chặt như tình làng nghĩa xóm lại dễ bị phai nhòa trong các khu dân cư hiện đại?
Đô thị hóa khiến không gian sống thay đổi nhanh chóng. Các khu chung cư mọc lên, cư dân đến từ nhiều nơi đến, không còn gắn kết ruột thịt, họ hàng. Thực tế cho thấy, ở các khu đô thị mới của Hà Nội và một số thành phố lớn khác có tình trạng cư dân sống cạnh nhau suốt nhiều năm mà không biết tên nhau, cửa nhà luôn đóng, không có thói quen giao tiếp với các hộ khác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chuyển biến trong quan hệ láng giềng tại các đô thị lớn. Trước hết, sự thay đổi về cấu trúc đô thị là một yếu tố quan trọng. Các khu dân cư hiện đại thường được xây dựng với mật độ cao, các căn hộ khép kín và ít không gian công cộng để cư dân giao lưu. Điều này làm giảm cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và chia sẻ giữa các hộ gia đình, dẫn đến sự xa cách. Tại các khu căn hộ cao cấp, nơi có nhiều tiện ích và dịch vụ được cung cấp tận cửa nhà, cư dân càng ít có cơ hội tiếp xúc với nhau.
Một lý do khác là sự gia tăng của lối sống cá nhân hóa. Trong xã hội hiện đại, sự riêng tư và cá nhân được đề cao, khiến nhiều người có xu hướng khép kín, ít quan tâm đến những người xung quanh. Việc ưu tiên thời gian cho gia đình và công việc khiến cho việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với hàng xóm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội cũng làm thay đổi cách con người kết nối. Khi có thể giao tiếp, tương tác, thậm chí giải trí qua mạng, nhiều người dần ít quan tâm đến việc gặp gỡ trực tiếp với hàng xóm. Thay vì chuyện trò ngoài ngõ hay qua ban công, họ dành thời gian cho việc lướt web, chơi game hoặc trò chuyện với bạn bè trên mạng.
Không thể không kể đến yếu tố di chuyển dân cư ngày càng phổ biến. Dòng người từ nông thôn lên thành phố, hoặc giữa các khu vực đô thị với nhau để tìm kiếm cơ hội việc làm khiến cho cộng đồng cư dân trở nên đa dạng về thành phần, văn hóa và lối sống. Sự khác biệt này đôi khi tạo ra rào cản trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết giữa các hộ gia đình.

Trong quá trình xây dựng đô thị, cần có những không gian sống ưu tiên yếu tố cộng đồng. Ảnh: P. Sỹ.
Thưa bà, việc thiếu vắng các sân chơi, các hoạt động cộng đồng có phải là một trong những nguyên nhân chính?
Đúng vậy, sự thiếu vắng các hoạt động cộng đồng trong các khu dân cư hiện đại, không có sân chơi cho các sự kiện giao lưu, câu lạc bộ hay nhóm sinh hoạt chung khiến cư dân ít có cơ hội gặp gỡ, kết nối. Từ đó khó hình thành tình cảm gắn bó như ở các khu dân cư truyền thống.
Có thể nói, sự phai nhạt của tình làng nghĩa xóm trong các khu dân cư hiện đại chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố đan xen. Tuy nhiên, nếu có sự nhận thức đúng đắn và nỗ lực xây dựng các không gian, hoạt động gắn kết cộng đồng, khuyến khích sự tương tác và sẻ chia giữa các gia đình, thì những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn hoàn toàn có thể được gìn giữ và phát huy trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng sâu rộng.
Từ góc độ quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa cơ sở và gia đình, theo bà, cần có những chính sách, mô hình hay giải pháp cụ thể nào để xây dựng cộng đồng đô thị gắn kết, nhân văn và giàu chiều sâu văn hóa?
Một trong những giải pháp hiệu quả là tổ chức các hoạt động cộng đồng định kỳ tại khu dân cư. Ví dụ, tại Cầu Giấy (Hà Nội), một số tòa chung cư đã tổ chức “Ngày hội cư dân”, kết hợp thi nấu ăn, bốc thăm trúng thưởng, văn nghệ… để tạo cơ hội cho cư dân gặp gỡ, giao lưu. Thông qua mô hình này tình làng nghĩa xóm được tiếp tục khơi dậy, đồng lòng bàn bạc, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phầngắn kếttình làng nghĩa xómlan tỏa tinh thần "nhường cơm, sẻ áo"; xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, nghĩa tình, tự quản và còn là nơi tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.
Hoạt động này cũng gắn kết mọi người cùng nhauxây dựng khu phố xanh - sạch - đẹp trong từng hộ, từng con hẻm, đường phố; không có tệ nạn xã hội, không có người vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng đô thị ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Quan điểm của nhiều người hiện nay, dù ở môi trường, không gian nào vẫn là “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”, cho thấy người dân luôn tìm không gian sinh tồn và cộng cư với nhau, tình làng nghĩa xóm được duy trì, gắn kết. Những mô hình nêu trên rất cần được khuyến khích nhân rộng để làm mềm hóa không gian đô thị, bồi đắp thêm sự gắn bó và cộng đồng trách nhiệm của hàng xóm, láng giềng, cư dân đô thị.
Để giữ gìn và phát huy tình làng, nghĩa xóm, xây dựng cộng đồng đô thị gắn kết, nhân văn và giàu chiều sâu văn hóa, theo tôi mỗi người, mỗi gia đình cần quan tâm, tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết với bà con lối xóm, cư dân xung quanh, sẵn sàng hưởng ứng, tham gia các hoạt động chung của tổ dân phố, khu phố... để phát huy và phát triển cao hơn sức mạnh đoàn kết cộng đồng.
Chính quyền các cấp cần quan tâm, có chính sách hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động văn hóa, thể thao tại khu dân cư - nhất là ở các khu chung cư và khu tái định cư. Cuối cùng, cần chú trọng giáo dục giá trị cộng đồng từ trong gia đình và trường học; dạy trẻ em biết chia sẻ với bạn bè, biết giúp đỡ hàng xóm…, đó là cách gieo những hạt giống tốt cho xã hội.
Trân trọng cảm ơn bà!