Tỉnh lộ 152 đi Sa Pa sạt lở bất thường giữa mùa khô
Tình hình trở nên nghiêm trọng khi mặt đường đứt gãy nặng nề, sụt lún sâu hàng mét, khiến cơ quan chức năng phải tạm dừng khẩn cấp không cho xe ô tô qua lại.
Thời gian gần đây, tại Km22+600 trên tuyến tỉnh lộ 152 qua địa phận xã Bản Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai bất ngờ xuất hiện một điểm sạt lở lớn, gây mất an toàn giao thông. Cung sạt kéo dài trên 100m ở phần taluy âm ven hồ chứa nước của thủy điện Bản Hồ.
Đỉnh điểm tới rạng sáng 13/3, tình hình trở nên nghiêm trọng khi mặt đường đứt gãy nặng nề, sụt lún sâu hàng mét, khiến cơ quan chức năng phải tạm dừng khẩn cấp không cho xe ô tô qua lại.
Khẩn trương khắc phục
Do tỉnh lộ 152 là tuyến giao thông quan trọng kết nối 2 huyện Bảo Thắng và Sa Pa của Lào Cai với các vùng phụ cận, nhu cầu đi lại mỗi ngày rất lớn, nên chính quyền địa phương đã huy động nhân công, máy móc đào mở rộng đường vào phía ta luy dương.
Hiện ô tô con đã có thể di chuyển qua lại. Tuy nhiên, ngay trên đồi phía taluy dương cũng xuất hiện thêm một cung sạt, có dấu hiệu ngày càng mở rộng thêm.
Theo ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải và Xây dựng tỉnh Lào Cai, biện pháp khắc phục trên chỉ là tạm thời nhằm duy trì giao thông thông suốt, còn muốn kiên cố thì sau này khả năng phải làm kè.
“Nếu làm kè, kinh phí cũng khoảng vài chục tỷ đồng. Nhiều ít phụ thuộc vào địa chất khi thăm dò, bên dưới là đất cần khoan cọc sâu sẽ tốn kém hơn, ngược lại nếu là đá thì sẽ rẻ hơn”, ông Lương cho biết.
Nguyên nhân vì đâu?
Điều bất thường là đang mùa khô nhưng sạt lở lại xảy ra. Phải chăng do quá trình khảo sát, thiết kế, thi công tuyến đường không tính toán hết những biến động của địa chất?
Ông Đặng Văn Lương cho hay, tuyến tỉnh lộ 152 đoạn Km22+600 qua xã Bản Hồ được nâng cấp hoàn tất từ năm 2015. Sau 6 năm khai thác, qua nhiều mùa mưa lũ không có hiện tượng gì nên không phải do đường mà là do nguyên nhân khác hiện đang chờ đánh giá.
Đáng chú ý, những dấu hiệu sạt lở đầu tiên được ghi nhận ngày 16/2 - đúng vào khoảng thời gian thủy điện Bản Hồ bắt đầu ngăn đập tích nước chạy thử (từ ngày 9/2 – 26/2). Trong khi tuyến đường nằm ngay cạnh hồ thủy điện; khoảng cách từ điểm sạt lở đến đập ngăn nước cũng chỉ chừng 300 – 400m.
“Dự án thủy điện đòi hỏi phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng cần kiểm tra xem doanh nghiệp có đánh giá mức độ ảnh hưởng như nước dâng, nước hạ tới xung quanh khi triển khai dự án hay không, cái này phải hỏi Sở Công thương”, ông Lương nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi rằng, kinh phí xử lý sự cố sử dụng từ nguồn nào? Ông Lương cho biết, trước mắt cần khắc phục cấp bách để thông xe thì Sở triển khai trước rồi mới báo cáo tỉnh xem xét. Còn để kiên cố hóa lâu dài đoạn đường bị sạt lở, hiện nay, đơn vị liên quan đang quan trắc, theo dõi, đánh giá nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục./.