Tỉnh lộ 330 xuống cấp nghiêm trọng nguy cơ gia tăng tai nạn giao thông

Tỉnh lộ 330 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Trung tâm huyện Ba Chẽ với 5 xã vùng cao và tỉnh Bắc Giang. Qua nhiều năm sử dụng, đến nay, nhiều đoạn trên tuyến đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, gây chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

NDĐT- Tỉnh lộ 330 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Trung tâm huyện Ba Chẽ với 5 xã vùng cao và tỉnh Bắc Giang. Qua nhiều năm sử dụng, đến nay, nhiều đoạn trên tuyến đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng và thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, gây chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Đặc biệt, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông và những điểm “đen” trên tuyến đường đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân và các lái xe khi tham gia giao thông trên tuyến tỉnh lộ này.

Theo báo cáo của Công an huyện Ba Chẽ, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện đã xảy ra hơn 50 vụ va chạm giao thông trên tuyến tỉnh lộ 330 này. Nguyên nhân là do mặt đường hẹp, nhiều đoạn cua dốc, khuất tầm nhìn và có những đoạn mặt đường bị sạt lở sau những trận mưa lũ đã tạo thành các hố sâu, trở thành cái “bẫy”cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Thượng tá Hà Giang, Trưởng công an huyện Ba Chẽ cho biết: Mặc dù trong sáu tháng đầu năm 2019 trên địa bàn huyện không xảy ra vụ tai nạn giao thông nào nghiêm trọng, nhưng các vụ va chạm giữa các phương tiện ô tô, xe máy lại có chiều hướng gia tăng trên tuyến tỉnh lộ 330; nguyên nhân là do đường quá bé, cua, dốc và đang xuống cấp nghiêm trọng; cùng với đó là ý thức chấp hành tham gia giao thông của người dân còn chưa thật sự tốt. Tuy các vụ va chạm này chưa để lại hậu quả nghiêm trọng như chết người, nhưng cũng cần có các giải pháp hữu hiệu để giảm các vụ va chạm giao thông, hạn chế nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Điển hình là đoạn đường dốc Bồ Đề, cách trụ sở UBND xã Thanh Sơn khoảng 1km. Đây là đoạn đường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông bởi đường vốn dĩ đã nhỏ, hẹp, nhiều đoạn đường dốc. Vào những ngày mưa, các phương tiện tham gia giao thông đã mang theo đất lên mặt đường, khiến cho đường trơn, trượt làm người tham gia giao thông gặp không ít khó khăn khi đi qua đoạn đường này. Nhiều người điểu khiển xe máy qua đây đã bị ngã, có người đã bị xe đè gãy chân. Một số xe ô tô đi qua đoạn đường này cũng đã bị lật.

Chị Lý Thị Liên chia sẻ, ngày nào tôi cũng đi làm qua đoạn dốc này, đường rất khó đi, trời nắng thì bụi không nhìn thấy đường, trời mưa thì trơn, trượt. Việc đi lại vất vả, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nên nhiều hôm chúng tôi gặp trời mưa to, nước lũ đổ về, đi không được mà trở lại cũng không xong. Người dân chúng tôi rất mong nhà nước, tỉnh, huyện sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường này để người dân đi lại được thuận tiện hơn.

Một trong những điểm “đen” có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông là đoạn đường dốc Thác Lào. Theo phản ánh của người dân ở khu vực này, khi thời tiết nắng thì đoạn đường này rất bụi, còn khi trời mưa thì trơn trượt. Nguy hiểm hơn là đoạn đường này rất nhiều khúc cua tay áo, dốc gắt, khuất tầm nhìn, mặt đường lại bị xuống cấp nghiêm trọng, tạo ra những ổ “voi”, ổ “gà” gây khó khăn rất nhiều cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông.

Đường trơn, lầy lội khiến người dân rất khó khăn trong việc đi lại.

Đường trơn, lầy lội khiến người dân rất khó khăn trong việc đi lại.

Bác Vi Văn Lầu, thôn Làng Lốc, xã Thanh Lâm, cho biết: "Hàng ngày tôi thường xuyên đi qua đoạn dốc Thác Lào này để xuống trung tâm huyện. Khu vực dốc này rất khó đi, đã có xe khách đi từ xã từ Đạp Thanh xuống thị trấn, đến đoạn đường này không lên được dốc, quay tròn trên dốc, người dân đã phải dùng máy xúc hỗ trợ xe mới lên được. Tôi cũng như bà con ở đây rất mong muốn con đường này sẽ sớm được đầu tư cải tạo, nâng cấp mới để người dân chúng tôi đi lại đỡ vất vả và có cơ hội phát triển kinh tế, thoát đói nghèo”.

Nhớ lại trong đợt mưa lũ năm 2018, nước sông Ba Chẽ dâng cao đã gây ra 19 điểm ngập lụt cục bộ dọc theo tỉnh lộ 330, cô lập hoàn toàn 5 xã vùng cao của huyện Ba Chẽ là Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm và Lương Mông với thị trấn Ba Chẽ trong ba ngày. Trong đó có nhiều điểm ngập sâu đến hơn hai mét. Thuyền mủng, bè mảng tự chế là phương tiện duy nhất di chuyển được vào thời điểm ngập nước.

Anh Nịnh Văn Truy, thôn Khe Loọng ngoài, xã Thanh Sơn cho biết, hàng năm cứ mưa lớn, nước sông Ba Chẽ dâng cao thì đều bị ngập hết, riêng thôn Khe Loọng ngoài đến cầu Khe Cát có bốn điểm thường xuyên bị ngập, gây ách tắc cục bộ, chúng tôi bị cô lập với trung tâm huyện, sinh hoạt đi lại vô cùng khó khăn và mất an toàn. Cũng theo anh Truy, do thường xuyên bị mưa và ngập lụt nên tuyến tỉnh lộ 330 ngày càng bị xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm nay mà chưa được đầu tư nâng cấp.

Những năm qua, điều kiện kinh tế, xã hội của Ba Chẽ đã có nhiều khởi sắc, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây đã được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Người dân đã biết tận dụng phát huy điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của địa phương là rừng và đất rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây dược liệu được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế phát triển, hàng hóa được thông thương trao đổi, lưu lượng người và xe tham gia giao thông trên tuyến đường tỉnh lộ 330 ngày càng nhiều. Tuyến đường không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho sự thông thương hàng hóa giữa thị trấn với các xã của huyện mà còn mở ra cơ hội thuận lợi để người dân và các doanh nghiệp trao đổi hàng hóa giữa huyện Ba Chẽ với tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Đường 330 là tuyến huyết mạch của Ba Chẽ nối huyện với các xã vùng cao và tỉnh Bắc Giang. Nếu xử lý tốt các vấn đề chống ngập các ngầm tràn, cắt cua, nâng cấp, mở rộng mặt đường thì sẽ tạo điều kiện rất tốt trong phát triển kinh tế, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến lâm sản, bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội của địa phương. Mặc dù huyện đã nhiều lần đề nghị tỉnh quan tâm, đầu tư nguồn vốn nâng cấp tuyến đường này, nhưng đến nay cũng mới chỉ dừng lại ở sửa chữa tạm thời các điểm ngập lụt, còn người dân và các doanh nghiệp vẫn đang mong mỏi về một con đường mới để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh: QUANG THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40924202-tinh-lo-330-xuong-cap-nghiem-trong-nguy-co-gia-tang-tai-nan-giao-thong.html