Tình mẹ bao la biển trời

'Nghe cô út nói mấy hôm nay thời tiết thay đổi, cái chân lại đau nhức hành mẹ ạ? Mẹ đừng tham việc nữa, đến lúc lại chẳng thể nhấc nổi chân. Rồi nhức, buốt, mẹ chịu sao được?'. Vẫn câu trả lời để con yên tâm: 'Mẹ không sao, đau nhiều thành quen rồi, chỉ hơi bất tiện là đi cà nhắc thôi…'.

Bỏ điện thoại xuống mà trào dâng nghẹn ngào, thương mẹ đến xót lòng. Là con trưởng trong nhà nhưng tôi lại xây dựng gia đình và lập nghiệp xa quê. Chính vì vậy, mỗi khi nghe tin mẹ ốm, bố đau, trong lòng tôi thấp thỏm chẳng yên. Mẹ tôi, người phụ nữ nông thôn chính hiệu, quanh năm làm bạn với ruộng vườn chẳng quản nắng mưa, gió rét. Cũng bởi hay lam hay làm mà mẹ bị bệnh khớp mãn tính lúc nào không hay…

Bà ngoại kể, mẹ tôi ngày còn trẻ với cái tính chăm chỉ nên được nhiều trai làng để ý. Nhưng mẹ lại chọn bố, người đàn ông ít nói, chân thành. Ấy vậy mà chẳng hiểu sao trời lại thử thách tình yêu của mẹ. Năm tôi lên 8 tuổi, bố bỗng dưng đổ bệnh. Mẹ từ một người phụ nữ luôn là hậu phương vững chắc vun vén chăm sóc gia đình, trở thành trụ cột chính trong nhà.

Mẹ đưa bố đi khám, chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Bác sĩ nói căn bệnh của bố phải chữa trị lâu dài, không vội được. Thế là hành trình vừa chữa bệnh, chăm chồng, chăm con của mẹ bắt đầu. Để có tiền thuốc thang cho bố, có điều kiện cho các con đi học, mẹ cấy nhiều ruộng hơn. Rồi mẹ lại đi bán bánh chưng. Mẹ vừa bỏ mối cho người ta vừa bán lẻ ở chợ. Vì vậy, những buổi đi bán hàng của mẹ cũng lâu hơn. Có những hôm, tôi và bé út đi học về, chờ mãi chẳng thấy hình dáng quen thuộc và tiếng lạch cạch của chiếc xe cà tàng, hai anh em đi bộ tìm mẹ ở chợ. Ra đến nơi cũng là lúc mẹ đang sắp sửa về. Nhìn dáng mẹ gầy trong ánh chiều chạng vạng, đầu đội chiếc nón mê lờm xờm như xơ mướp, chiếc áo cũ vá chằng chịt, nhưng khi thấy hai con mẹ lại nở nụ cười thật tươi; tôi và bé út đã khóc lúc nào chẳng hay.

Mẹ khổ, nhưng chưa một lần than. Người làng nói ra, nói vào, bảo bỏ chồng đi cho đỡ cực thân, song mẹ trả lời chắc nịch: “Trời không bao giờ lấy hết của ai. Tôi tin rồi ông ấy sẽ khỏe”. Tôi từng nghĩ chẳng biết động lực nào giúp mẹ - người phụ nữ nông dân chân chất ấy, có sức mạnh tinh thần lớn đến vậy. Để rồi, thật sự trời chẳng phụ mẹ, bố tôi dần khỏi bệnh và cùng mẹ lo lắng cuộc sống, chăm lo gia đình, con cái.

Tận sâu trong tâm khảm hai anh em tôi luôn ngưỡng mộ và kính trọng mẹ - người phụ nữ cả đời hy sinh vì chồng, vì con. Những tưởng khi các con yên bề gia thất, mẹ sẽ cùng bố an hưởng tuổi già thì chúng tôi lại có con. Thương con, thương cháu, mẹ vượt gần 500km lên chăm con dâu, trông cháu nội với nụ cười luôn thường trực trên môi.

Bất chợt trên đường đời vô tình thấy bóng dáng ai giống hình bóng mẹ là tôi lại nhớ mẹ da diết, rồi thầm ước được bé lại để thêm một lần như ngày xưa sà vào lòng mẹ. Để hít hà mùi của ruộng vườn hòa lẫn trong những giọt mồ hôi sớm tối của mẹ. Để cảm nhận hơi ấm bao la biển trời mẹ dành cho những đứa con của mình.

Nguyễn Đức Quân

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143076/tinh-me-bao-la-bien-troi