Tình muộn
Cuộc tình muộn màng của bà Hà với văn chương đã bắt đầu cho những trái chiếng, quá đỗi ngọt ngào.
Sau những ngày trời nóng như thiêu đốt là mưa tầm tã. Lá rụng ngập sân. Bà Hà vừa quét vừa tủm tỉm cười. Bà vui vì sáng nay có cái truyện ngăn ngắn của mình được đăng báo. Không thể nào tả được cái hạnh phúc lớn lao khi mở trang báo ra thấy có truyện của mình. Bà đã reo lên như một đứa bé lúc nhận được quà.
Cứ suy nghĩ mà tự thương lấy mình. Cả quãng đời tuổi trẻ bà đã dành hết cho cái nghề “gõ đầu trẻ”. Nhớ những ngày ngồi dưới giảng đường đại học, khi bè bạn đang miệt mài học Hóa đại cương thì bà viết đơn cáo ốm, nhưng lại có mặt ở lớp Văn nghe thầy giảng Kiều.
Bà đã thổn thức trước những lời bình quá hay của thầy; hoặc những lúc tại thư viện trường, lúc các bạn đang tìm sách chuyên ngành Hóa tra cứu, bà lại ôm một chồng báo, thong dong ngồi đọc và tỉ mẩn ghi vào sổ tay những bài thơ hay, những câu văn đắc ý. Mọi hành động say sưa đó không lọt qua được đôi mắt của anh cán sự lớp. Một hôm, anh đến ngồi gần và nói:
- Mình ngồi với Hà một chút được không?
- Được chứ bạn!
Anh nhướng cặp kính cận lên nhìn cho kỹ:
- Hà chép những đoạn trích à?
- Đúng đó Hưng, những câu văn rất hay.
- Hình như mình thấy Hà rất yêu văn thơ. Sao ngày đó bạn không thi vào khoa Ngữ văn?
- Vì mình học lớp chuyên Toán, Lý, Hóa.
- Nếu thật sự đam mê thì cũng có thể tự ôn luyện để thi mà.
Hà khá lúng túng trước câu nói này của Hưng. Anh chàng lại ung dung đưa ra một câu hỏi khó:
- Vậy bây giờ Hà tiếp tục học khoa Hóa hay có ý định thi lại khoa Văn?
Hà lắc đầu lia lịa:
- Không! Không bao giờ mình có ý định đó. Khó khăn lắm mình mới được đậu vào. Hưng biết không, người ta lấy điểm chuẩn 12 mà mình chỉ có 13,5 điểm, đâu có được 27, 28… như các bạn. Có lẽ, trong lớp này chỉ có vài bạn điểm thấp giống như mình.
- Không có ý định đó! Nhưng vào thì khó mà ra thì dễ mà. Hằng năm, số sinh viên bị buộc thôi học không phải là ít. - Hưng cười nhẹ.
Hà hơi tái mặt:
- Hưng nói như vậy nghĩa là sao?
- Nói trắng ra Hà là con dao đã không bén mà lại không siêng năng mài giũa. Hãy nhìn xung quanh đây, đa số các bạn thi đầu vào đều có điểm cao hơn Hà nhưng các bạn rất chăm chỉ, học ngày học đêm, còn Hà thì sao? Bạn tự xem lại mình đi! Mình nói thật, nếu may mắn được ra trường đi dạy, coi chừng Hà sẽ bị học trò nhận xét rằng cô này kiến thức về môn Văn thì nhiều nhưng môn Hóa lại hạn chế.
- Không bao giờ có chuyện đó. Mình sẽ cố gắng!
- Chừng nào cố gắng? Khi tại thư viện này tài liệu rất nhiều mà bạn lại không nghiên cứu, tích lũy.
Đêm đó, trên căn gác ở đường Lê Thánh Tôn, Hà không tài nào chợp mắt. Cái ánh nhìn nghiêm nghị, từng lời nói như dao cứa của Hưng làm Hà lo sợ.
Trời ơi! Nếu mọi việc diễn ra như vậy thì không gì tồi tệ bằng. Nhớ ngày mình đậu đại học mẹ đã vui mừng vô cùng. Bà khoe khắp xóm “con tui đậu đại học”, “Con tui thành sinh viên rồi!”…
Thương chiếc áo bà ba mẹ mặc với mảnh vá thật khéo của ngoại. Thương cái tính cần kiệm quá mức của bà, không dám may quần áo mới, không dám ăn những thức ăn đắt tiền, dành dụm cho Hà xuống “Xì Gòn” bằng chị, bằng em. Nếu một ngày nào đó bị đuổi học, chẳng những mẹ tuyệt vọng mà thằng em duy nhất cũng không còn tinh thần đâu để mà học. Thôi! Bắt đầu ngày mai ta sẽ làm lại cuộc đời.
Hưng là một người bạn thật tốt, thường chỉ bài cho Hà. Lúc nào, anh cũng hài hước, nhiệt tình và nhẹ nhàng. Đây có lẽ là lần đầu tiên anh gay gắt. Mà nghĩ cũng đúng, với một con bệnh nặng, chắc là phải dùng thuốc mạnh mới đủ liều. Cảm ơn Hưng, cảm ơn những lời lẽ hết sức chân tình, thẳng thắn và cực kỳ quý báu!
* * *
Ra trường, đi dạy thấy được tầm quan trọng của bộ môn, dù thi khối A hay khối B đều cần đến môn Hóa. Hà lại lao đầu vào dạy, nghiên cứu miệt mài. Bà thường tâm sự với một người bạn thân: “Mình yêu môn Văn quá, không biết đến bao giờ mới được sống với nó. Hóa học như là một người chồng mà mình đã sống trọn tình, vẹn nghĩa, còn văn học chẳng khác nào một người mình yêu tha thiết nhưng chẳng đến được với nhau”. Bạn cười và nói rằng:
- Nhà văn Sơn Nam đã từng nói nếu nghề văn mà dễ thì người Hoa ở Chợ Lớn họ làm hết rồi, có đâu tới lượt mình.
Một bạn khác lại phụ họa theo:
- “Nghề văn là một nghề không phải ai muốn có cũng được!”. Câu đó cũng là của một nhà văn nói đó nhe!
Nghe những lời của bạn, bà Hà không cãi lại mà chỉ cười trừ.
55 tuổi về hưu, bà bắt đầu tìm đọc một số tác phẩm mà trước đây chỉ được nghe tên. Bà vô cùng ngưỡng mộ Tô Hoài. Chao ôi! 94 tuổi đời, 70 năm tuổi nghề, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài. Ông viết cách nào nhỉ để có được một đàn con tinh thần khủng khiếp đến như vậy? Chắc chắn, ông không chờ con chữ tự nó tuôn ra.
Khi tìm hiểu về Tô Hoài, bà Hà biết được quan điểm: “Người viết văn phải thấy sáng tác là một hình thái lao động dù hình thái đó có phần đặc biệt…”; “Viết văn là một việc khó chứ không phải việc khác thường. Nên dù không thấy hứng cũng phải viết… đó là thói quen làm việc”; “Cần phải đi vào thực tế đời sống để bồi bổ cho ngòi bút, phải biết quan sát…”.
Đọc sách Tô Hoài viết, bà ngộ ra nhiều điều, học ở ông phong cách làm việc kiên trì. Dù chưa một lần được diện kiến, chưa được ông dạy một chữ nào nhưng bà xem ông là người thầy lớn của mình. Cũng tập tành quan sát, cũng tập tành phân tích, tổng hợp lại từng chi tiết, mày mò lao động, cày bừa trên từng con chữ… cật lực viết bài và cuối cùng mạnh dạn gửi đi. Tiếp theo là những ngày chờ đợi, hồi hộp… và đúng như Tố Hữu nói:
“Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ.
Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ…”
Khi truyện được đăng, học trò đùa:
- Mai mốt người ta gọi cô là “Nhà văn trẻ”.
Ồ! Vui nhỉ! Bà già 60 tuổi mà còn được gọi là trẻ.
Trẻ tuổi nghề đó cô.
Cô biết mà!
* * *
Khoảng sân rộng, nhiều cây kiểng, có những loại cây lá rất nhỏ như hoa nhài, nguyệt quế, mai chiếu thủy… mưa xuống, lá rơi xuống bám chặt vào nền gạch, muốn quét sạch, phải dùng một lực khá lớn. Đây là công việc mà bà Hà đã làm mỗi ngày, nhưng hôm nay bà làm việc với một tâm thế khác, một con mắt khác.
Bà ngẫm nghĩ, quét sân là lao động chân tay, viết văn là lao động trí óc. Quét sân là làm sạch vườn nhà, viết văn là làm sạch tâm hồn. Sản phẩm của việc hì hục quét là một khoảng sân mênh mông, nhìn sạch sẽ. Sản phẩm của cày cục viết là một truyện ngắn, dở hay gì không biết, nhưng mình tâm đắc là vui rồi!
Bà Hà vào nhà, lưng áo nhễ nhại những giọt nước mưa còn sót lại hòa quyện với những giọt mồ hôi. Bà lại tủm tỉm cười: Nói như nhà văn Phan Cao Toại là “tôi không thuộc lớp người tài năng vì thế tôi sẽ cố gắng lao động để có những tác phẩm giá trị”.
Cuộc tình muộn màng của bà Hà với văn chương đã bắt đầu cho những trái chiếng, quá đỗi ngọt ngào.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/tinh-muon-a158479.html