Tỉnh nào có tục biếu cha mẹ vợ thịt vịt dịp Vu Lan?

Liên quan tới ẩm thực, Vu Lan có những điều thú vị từ mâm cúng gia tiên đến các phong tục tập quán mà nhiều người chưa biết.

1. Tỉnh nào có tục biếu cha mẹ vợ thịt vịt dịp lễ Vu Lan?

Cao Bằng
Nghệ An
An Giang.

Người Tày, Nùng ở tỉnh Cao Bằng thường có câu: "Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chất kin nựa Pết" (nghĩa là Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng 7 ăn thịt vịt). Do đó, dịp Vu Lan, họ thường tổ chức tục "pây tái". Vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, mọi người trong gia đình sẽ về quê ngoại cùng gánh đồ lễ nhằm thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn cha mẹ, ông bà... Trong đó, vịt là món không thể thiếu. Ảnh: Miss Tam Chiak.

2. Ngoài thịt vịt, dân tộc Tày, Nùng ở đây còn chuẩn bị món ăn gì?

Bánh gai
Bánh rợm
Bánh chưng

Bánh gai là một trong những món ăn nổi tiếng ở Cao Bằng. Đôi vịt béo cùng bánh gai là 2 món ăn truyền thống không thể thiếu của người Tày, Nùng ở Cao Bằng trong lễ Vu Lan. Bánh gai có thể được chế biến trước. Tuy nhiên, về tới nhà ngoại, mọi người mới tập trung làm các món ăn truyền thống từ thịt vịt. Ảnh: Thùy Linh.

3. Vì sao người Việt phải làm mâm cúng gia tiên vào lễ Vu Lan?

Cầu cho gia đình bình an
Xua đuổi mọi vận xui đeo bám
Cả 2 ý trên

Theo dân gian, tháng 7 Âm lịch là khoảng thời gian các vong linh được quay về trần gian. Rằm tháng 7 không chỉ là dịp Vu Lan báo hiếu mà còn là ngày xá tội vong nhân. Do đó, người Việt sẽ chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn để dâng lên tổ tiên và những người đã khuất để cầu cho gia đình bình an, xua đuổi vận xui đeo bám. Ảnh: Vinh Phung.

4. Những món ăn nào thường có trong mâm cúng Vu Lan?

Món chay
Món mặn
Tùy lựa chọn mỗi gia đình

Bạn có thể chuẩn bị đồ mặn hoặc đồ chay tùy vào điều kiện và thói quen trong gia đình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam) cho hay "trên chay dưới mặn" (trên hoa quả, dưới là cỗ mặn) là mâm cúng thường được chuẩn bị trong lễ Vu Lan. Mâm cúng không nhất thiết hoành tráng, nên phù hợp với hoàn cảnh gia đình, trang nghiêm và thành tâm. Ảnh: Tô Hưng Giang.

5. Gà trống ngậm bông hồng đỏ trên mâm cúng ngày Vu Lan mang ý nghĩa gì?

Biểu tượng của mặt trời
Tượng trưng cho vị thần quan trọng nhất trong văn hóa nông nghiệp
Cả 2 ý trên

Chuyên gia văn hóa, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho biết theo quan niệm của người Việt Nam, gà biểu tượng của mặt trời, vị thần quan trọng trong văn hóa nông nghiệp. Dù không còn "gọi mặt trời" như xưa, tục lệ này ngày nay thể hiện ước nguyện may mắn, khỏe mạnh cho gia đình. Gà thường được chọn là gà trống choai, mào đỏ, mỏ vàng, chân vàng. Ảnh: Quỳnh Trang.

6. Ngoài gà, món ăn gì thường có mặt trên mâm cúng gia tiên?

Xôi
Xoài
Cả 2 món trên

Xôi cũng là món chính trong mâm cỗ cúng. Được làm từ gạo nếp, món ăn này gợi nhớ tới nền văn minh lúa nước của tổ tiên từ xa xưa. Cây lúa, cây nếp là nguồn lương thực chính của người Việt. Việc sử dụng đĩa xôi trong mâm cúng nhằm tỏ lòng cảm ơn đất trời đã ban nguồn sống cho con người. Ảnh: Antifeixista.

7. Điều khác biệt giữa mâm cỗ cúng cô hồn và Vu Lan?

Cúng cô hồn để bố thí, làm phúc cho những vong hồn lang thang
Cúng cô hồn thường không dùng đồ mặn
Cả 2 ý trên

Rằm tháng 7 là ngày Vu Lan trùng với lễ cúng cô hồn (hay còn gọi xá tội vong nhân). Đây là 2 lễ cúng hoàn toàn khác nhau. Theo đó, Vu Lan để báo hiếu tổ tiên, cha mẹ; xá tội vong nhân nhằm bố thí, làm phúc cho những linh hồn lang thang, không người thờ cúng. Ở mỗi vùng miền, nghi thức cúng lễ cô hồn có sự khác nhau. Thông thường, cúng cô hồn không dùng đổ mặn như xôi, gà, lợn... Ảnh: Vũ Thị Hồng Nhung.

Vân Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tinh-nao-co-tuc-bieu-cha-me-vo-thit-vit-dip-vu-lan-post978278.html