Cá thát lát (tên cá có một số cách viết khác nhau) là đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang, đã được Cục Sở hữu trí tuệ trao nhãn hiệu chứng nhận. Tỉnh này vì thế cũng được xem là thủ phủ cá thát lát của cả nước, với vùng nuôi tập trung tại Long Mỹ, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Vị Thanh, cho sản lượng khoảng 490 tấn/năm, theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Ngọc Trinh.
Cá thát lát cườm có chất lượng thịt thơm ngon, giá trị kinh tế cao. Loại cá này đầu nhỏ, thân dài, dẹp hai bên, mỏng về phía bụng, lưng gù, đặc biệt có màu xám bạc với những đốm đen, viền trắng đặc trưng. Ảnh: Hậu Giang Farm.
Cá thát lát có thể chế biến thành nhiều món ngon như chả cá thát lát chiên miếng, chả cá thát lát nhồi khổ qua nấu canh, cá thát lát rút xương tẩm gia vị, khô cá thát lát một nắng... Một số sản phẩm hiện được sản xuất theo quy trình hiện đại, tiện lợi khi sử dụng. Ảnh: Hậu Giang Farm.
"Thấy dừa thì nhớ Bến Tre - Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang". Hậu Giang là tỉnh nằm ở vùng Tây sông Hậu, có lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, với một số giống lúa chất lượng cao như OM4218, OM5451, OM7347, OM4900, HG2… Ảnh: Việt Tường.
Quýt đường, hay quýt vỏ xanh, gắn với địa danh Long Trị là đặc sản nổi tiếng của Hậu Giang. Loại cây này nhìn chung dễ trồng, dễ chăm bón, có thể trồng theo phương pháp ghép cành, ươm hạt. Quýt đường Long Trị có vỏ mỏng, dễ bóc, mọng nước, vị ngọt thanh. Ảnh: Quytduonglongtri.dacsanhaugiang.
Cam xoàn Phụng Hiệp và cam sành Ngã Bảy đều là những loại nông sản chủ lực của Hậu Giang, nhiều người ưa chuộng. Cam xoàn trái nhỏ, vỏ mỏng, màu xanh vàng, ít hạt, vị ngọt thanh. Cam sành vỏ xanh đến xanh vàng, tép màu vàng cam đậm, nhiều nước. Ảnh: Khuyến Nông Hậu Giang.
Sản phẩm khóm Cầu Đúc của Hậu Giang được bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2020. Loại khóm này có hình trụ đứng, màu vàng đậm, nhiều mắt lồi, hương thơm nhẹ, vị ngọt, nhiều nước. Ảnh: Lydinh13.
Theo Song Phúc/Zing