Tình người Cẩm Thủy trong mưa lũ

Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến nhiều xã ven sông Mã bị ngập, trước tình hình đó, người dân ở những xã lân cận đã nấu cơm và phối hợp với lực lượng chức năng mang cơm cho từng hộ dân trong vùng ngập lụt, đồng thời giúp họ vận chuyển đồ đạc, sơ tán người, tài sản.

Khi nước rút, họ lại đến từng nhà ở vùng ngập để giúp người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa... Đó là những hình đẹp về sự đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của người dân huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa trong những ngày mưa lũ vừa qua.

Người dân giúp nhau dọn dẹp nhà cửa sau nước rút ở Cẩm Thủy.

Người dân giúp nhau dọn dẹp nhà cửa sau nước rút ở Cẩm Thủy.

Cẩm Thủy là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất tỉnh Thanh Hóa trong đợt mưa lũ vừa qua. Liên tục từ ngày 28/8 đến nay, trên địa bàn có mưa lớn, cộng với thủy điện Trung Sơn (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) xả lũ khiến nhiều xã của huyện miền núi Cẩm Thủy bị ngập sâu trong nước lũ, có nơi nước ngập sâu 2m. Đến ngày 4/9, nước đã rút nhưng để lại lượng bùn đất khổng lồ trong làng, xã - nơi nước lũ đi qua.

Ngày 4/9, đoàn công tác của chúng tôi có mặt tại xã Cẩm Phong - một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nhất của nước lũ vừa qua tại huyện Cẩm Thủy. Tại đây, lượng bùn đất khổng lồ bao quanh xã, nước bùn đặc quánh khiến chúng tôi rất khó khăn mới tiếp cận được các hộ dân nơi đây.

Trên sân nhà bà Nguyễn Thị Nhâm - gia đình neo đơn tại thôn Phong Y, xã Cẩm Phong có lượng bùn dày đến 40 cm, trong nhà nước vẫn còn ngập. Từ ngày 3-4/9, tổ chức đoàn thể trong xã và các xã lân cận đã tới giúp đỡ bà dọn dẹp. Tuy nhiên, do lượng bùn đất quá dày nên các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể mới dọn xong một phần và mở được một lối đi từ cổng vào nhà.

Bà Nhâm cho biết: Từ đêm 29/8, nước lũ từ sông Mã lên nhanh quá, chính quyền địa phương và lực lượng dân phòng đã đến giúp bà chuyển đồ đạc, tài sản, lương thực lên cao, đồng thời đưa bà lên trường học của xã để tránh mưa lũ. Từ ngày 3/9, nước đã rút nên bà về nhà và được các cấp đoàn thể, chính quyền địa phương giúp đỡ dọn dẹp vệ sinh.

Không chỉ riêng nhà bà Nhâm, các hộ trong xã đều được tổ chức đoàn thể và người dân nhiều xã lân cận cùng chung tay giúp đỡ. Ông Nguyễn Văn Vân - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cẩm Châu tay cầm xẻng, ống quần xắn cao, trực tiếp cùng tổ chức đoàn thể cào bùn, đất giúp các hộ dân dọn dẹp vệ sinh. Gạt mồ hôi trên khuôn mặt đã lấm đầy bùn đất, ông Vân cho biết: Xã Cẩm Châu không bị ngập nặng nên chính quyền địa phương đã huy động tối đa lực lượng sang xã Cẩm Phong để giúp đỡ người dân. Ngoài ra, người dân, tổ chức đoàn thể ở các xã ít bị ngập lụt tổ chức nấu cơm, đưa cơm cho những hộ dân vùng ngập lụt.

UBND huyện Cẩm Thủy cũng hỗ trợ cơm miễn phí cho người dân. Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy cũng đi ca nô đưa cơm cho từng gia đình, hỏi thăm, động viên nhân dân. Tính đến ngày 4/9, địa phương đã hỗ trợ 30.000 suất cơm cho người dân vùng bị ngập lụt trên toàn địa bàn huyện Cẩm Thủy. Với tinh thần tương thân tương ái, những ngày tới, người dân và cấp chính quyền xã, huyện nơi đây vẫn duy trì hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, đưa cơm cho đến khi người dân ổn định đời sống.

Ông Phạm Viết Hoài, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho biết: Thời điểm nước rút, huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương và lực lượng vũ trang huy động tối đa lực lượng với tinh thần nhà không bị ảnh hưởng giúp nhà bị ảnh hưởng, thôn không bị ảnh hưởng giúp thôn bị ảnh hưởng, xã không bị ảnh hưởng giúp xã bị ảnh hưởng nên đã huy động được gần 4.400 người tại chỗ và 3.000 lượt người ở các thôn, xã không bị ảnh hưởng hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân sau khi nước rút.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Cẩm Thủy đã có 5 người chết do mưa lũ, nhà của gần 4.700 hộ dân bị ngập, trong đó gần 4.000 hộ phải sơ tán khẩn cấp. Tính đến ngày 4/9, vẫn còn 146 hộ chưa thể trở về nhà do lượng bùn đất còn ứ đọng trong nhà quá lớn. Ngoài ra, mưa lũ cũng 1.555 ha lúa, 40,75 ha ngô, 745 ha mía bị ngập chìm trong nước... Tổng thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

Huyện cũng đã tiếp nhận và hỗ trợ trên 1.000 lít nước uống, trên 2.200 thùng mì tôm, 14 tấn gạo, 2,2 tấn lương khô cho người dân. Người dân Cẩm Thủy vẫn đang rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm để họ ổn định cuộc sống.

Cũng trong ngày 4/9, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và đoàn công tác đã đến huyện Cẩm Thủy để kiểm tra việc khắc phục sau mưa lũ và thăm hỏi, động viên hỗ trợ các gia đình có người bị thiệt mạng để họ sớm vượt qua đau thương, mất mát, ổn định cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến khẳng định: Cẩm Thủy là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nề nhất của đợt mưa lũ vừa qua, đồng thời là địa phương có số người chết nhiều nhất do mưa lũ nên chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm thăm hỏi, động viên các gia đình này. Chính quyền địa phương cũng cần quan tâm, không để người dân bị đói, rét, nếu để xảy ra thiếu lương thực sẽ xử lý nghiêm.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến yêu cầu Cẩm Thủy cần đẩy mạnh công tác tiêu độc khử trùng, tránh để bùng phát dịch bệnh. Tại những nhà bị bùn đất ngập 50-70 cm, các cấp chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang tiếp tục hỗ trợ nhân dân dọn dẹp, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.

Bài và ảnh: Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/tinh-nguoi-cam-thuy-trong-mua-lu-20180904182536361.htm