Tình người đằng sau những chiến công
Không chỉ đơn thuần là công việc 'bàn giấy' như nhiều người mường tượng, đằng sau nhiệm vụ của người cán bộ quản lý xuất nhập cảnh, cư trú người nước ngoài còn là những vất vả, hiểm nguy, hy sinh thầm lặng và ứng xử đậm chất nhân văn…
Công việc của một cán bộ quản lý xuất nhập cảnh, cư trú người nước ngoài vốn vất vả khi phải tham gia từ khi tiếp nhận thông tin ban đầu tới trực tiếp kiểm tra, bắt giữ, lấy lời khai rồi trực tiếp bàn giao cho các lực lượng chức năng để tiến hành các bước theo quy định. “Vất vả nhất là giai đoạn chống dịch Covid-19. Đi đêm về hôm là chuyện thường tình, nhưng sau khi nhiệm vụ hoàn thành, nhớ vợ con da diết mà không dám về nhà vì sợ có thể làm lây nhiễm dịch bệnh” - Thiếu tá Đoàn Quang Vinh, cán bộ Đội quản lý nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài (Phòng Quản lý xuất nhập cảnh), một trong 20 gương điển hình tiên tiến của CATP Hà Nội năm 2022, chia sẻ.
Lúc mạnh tay trấn áp, khi ân cần bón cháo cho đối tượng
12 năm công tác trong lĩnh vực quản lý cư trú người nước ngoài, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh có không ít kỷ niệm về các vụ vây bắt, trấn áp đối tượng “như phim hành động”.
Ngày 27-3-2021, nhận tin báo, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh mặc thường phục xuống địa bàn xã Lại Yên (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tiếp cận đối tượng Chen Wen Zhi (người Trung Quốc) đang trốn truy nã quốc tế với tội danh lừa đảo. Bị phát hiện, Chen chống trả quyết liệt và bỏ chạy. Với sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh truy đuổi và trấn áp thành công đối tượng. Sau đó, Chen dúi tiền vào túi Thiếu tá Đoàn Quang Vinh để mong được bỏ qua, nhưng bất thành. Kỷ niệm về vụ việc của anh là bộ thường phục rách tơi tả và những vết sẹo dọc 2 chân, hệ quả của màn vật lộn với Chen trên nền đá dăm.
Trong 7 năm qua, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Cũng trong 7 năm đó, anh đã trực tiếp tham gia điều tra, xử lý tổng cộng 365 đối tượng vi phạm trong các vụ việc người nước ngoài vi phạm xuất nhập cảnh, cư trú. Nghĩa là trung bình cứ mỗi tuần có 1 đối tượng vi phạm và được anh cùng đồng đội đưa ra ánh sáng. Với thành tích đạt được, từ năm 2018 đến nay, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh vinh dự nhận Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, 3 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cùng nhiều Giấy khen.
Trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh cùng đồng đội tham gia tăng cường cho các “chốt” liên ngành trên địa bàn Thủ đô và trực tiếp xử lý nhiều vụ việc. Tối 19-8-2020, hai đối tượng người Nigeria và Indonesia điều khiển xe máy vượt qua “chốt” liên ngành. Sau khi bị giữ lại, cả 2 được đưa tới Bệnh viện dã chiến thuộc Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội để thực hiện các biện pháp cách ly, xác minh theo quy định. Tuy nhiên khi về tới bệnh viên, cả 2 không chịu hợp tác. Đối tượng người Indonesia liên tục đập phá đồ đạc, trong khi đối tượng người Nigeria lao ra lan can dọa sẽ nhảy xuống nếu không được cho về nhà trọ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ vừa cứng rắn vừa mềm dẻo, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh đã thuyết phục thành công 2 đối tượng chấp hành cách ly theo quy định. “Quá trình trấn áp rất khó khăn khi cả 2 chống trả quyết liệt, còn mình thì đang trong bộ đồ bảo hộ, các bác sỹ đứng bên cạnh cũng không thể hỗ trợ” – Thiếu tá Đoàn Quang Vinh kể lại.
Ngày 30-4-2021, địa bàn quận Cầu Giấy báo lên phát hiện 4 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Trực tiếp khai thác, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh cùng đồng đội đã mở rộng điều tra, phát hiện thêm 58 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép khác đang lẩn trốn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm và quận Hà Đông. Vụ việc có quy mô lớn, tạo tiếng vang trong dư luận. Cũng chính từ vụ việc này, CATP Hà Nội đã có thư ngỏ gửi các khu chung cư kêu gọi người dân chủ động tố giác tội phạm, thông báo tới cơ quan chức năng các trường hợp nghi vấn để kiểm tra, mở đầu cho đợt tổng kiểm tra cư trú người ngoài trên địa bàn thành phố. Từ đây, phát hiện ra nhiều vấn đề, vụ việc liên quan tới cư trú của người nước ngoài.
Một trong những vụ việc thường gặp là các nhóm người Trung Quốc bị chủ ép buộc nhập cảnh vào Việt Nam thuê khách sạn để thực hiện hành vi quảng cáo trái phép cho các sàn thương mại điện tử. Trong số đó có không ít đối tượng là phụ nữ và thiếu niên, những người này khi bị bắt giữ đã dùng chiêu trò tuyệt thực để gây sức ép với lực lượng chức năng. “Chúng tôi vừa mềm mỏng thuyết phục, vừa sắm vai bảo mẫu, bón từng thìa cháo để đối tượng có đủ sức khỏe. Thậm chí, anh em còn đi mua băng vệ sinh cho các đối tượng nữ không được phép rời hiện trường vụ việc trong quá trình xác minh, xử lý” - Thiếu tá Đoàn Quang Vinh kể và cho rằng những đối tượng này cũng chỉ là người làm thuê, còn kẻ cầm đầu, quản lý mới là đối tượng đấu tranh chính.
Giúp người là trên hết
Đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam cũng muôn hình vạn trạng, nhưng khó khăn và vất vả hơn cả là những người mắc bệnh tâm thần. Hơn chục năm, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh đã xử lý nhiều vụ việc và trở thành gương mặt quen thuộc đối với Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (huyện Thường Tín, Hà Nội). “Mình đưa người ta vào vì nhiều lý do, cũng giống như mình đi đường gặp người bị nạn. Nếu không đưa vào viện tâm thần thì có thể họ sẽ gây nguy hiểm cho người khác. Đưa họ vào viện vì trách nhiệm công việc, song cũng xuất phát từ tình người, bởi không thể thấy người bị nạn mà không cứu giúp” - anh chia sẻ. Những lần đưa người nước ngoài tâm thần vào viện cũng để lại nhiều kỷ niệm khó quên khi đại đa số có biểu hiện bất thường, chống đối… “Không ít lần mình bị họ đấm, đá, thậm chí nhổ nước bọt, nhưng cũng đành thông cảm vì đó là biểu hiện của bệnh tật mà có lẽ bản thân họ cũng không mong muốn” - Thiếu tá Đoàn Quang Vinh tâm sự.
Trong số các vụ việc, Thiếu tá Đoàn Quang Vinh nhớ rõ vụ cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Afghanistan có tiền sử bệnh tâm thần, không tự chủ được hành vi, sau khi sang Việt Nam bị ngã xe máy trên phố Văn Miếu. Nhận được tin báo, anh cùng người dân đưa đối tượng vào bệnh viện bó bột, sau đó bỏ tiền túi thuê khách sạn cho đối tượng nghỉ, rồi báo cho Đại sứ quán Mỹ liên hệ người thân đón đối tượng về nước. Thiếu tá Đoàn Quang Vinh chia sẻ, lúc đó anh chỉ nghĩ người cựu binh kia cũng giống như người nhà mình phát bệnh mà không có nơi nương tựa, thấy thương nên giúp đỡ. Trong nhiều vụ việc, anh cùng đồng đội phải tự bỏ tiền túi để ứng tiền viện phí, thuê khách sạn cho các đối tượng, giải quyết tình thế cấp bách. Nhiều khoản tiền tới nay vẫn chưa lấy lại được do vướng các thủ tục, hoặc đối tượng về nước không trở lại. “Anh em chúng tôi thường bảo nhau coi những khoản tiền đó như làm từ thiện, bởi giúp người là trên hết” - vị cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh nói.
Không ít vụ việc liên quan tới người nước ngoài tâm thần, Thiếu tá Đoàn Quanh Vinh vừa phải thực thi nhiệm vụ, vừa sắm vai người hòa giải cho các cặp vợ chồng. Vụ việc đáng nhớ nhất với anh là vào đầu năm 2012, khi đó có đối tượng người Australia có dấu hiệu “ngáo đá”, xì bình gas rồi khóa trái cửa nhốt vợ và con riêng của vợ bên trong. Tại hiện trường, anh đã vận động, thuyết phục thành công đối tượng thả vợ con. Qua tìm hiểu, biết đối tượng có tiền trợ cấp nhưng bị vợ quản lý dẫn đến bức xúc nên mới sử dụng chất kích thích rồi về nhà quậy phá, anh đã khuyên nhủ hai vợ chồng làm hòa với nhau. “Sau đó, cả hai đã tìm tới cơ quan để cảm ơn và còn tặng mình một đồng xu may mắn” - Thiếu tá Đoàn Quang Vinh nhớ lại.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tinh-nguoi-dang-sau-nhung-chien-cong-post541798.antd