Tình người nơi bệnh viện

Rơi vào cảnh 'thập tử nhất sinh' do tai nạn giao thông, song cũng từ đó mà anh Rmah Krớ (SN 2001, trú tại làng Queng Đơng, xã Hbông, huyện Chư Sê) được sưởi ấm bởi tình người nơi bệnh viện.

Bệnh nhân đặc biệt

Do nghèo khó nên Krớ nghỉ học từ sớm để đi làm thuê. Năm 19 tuổi, Krớ quyết tâm vào TP. Hồ Chí Minh học lấy một cái nghề để lập nghiệp. Đầu tháng 2-2020, anh vừa học, vừa làm tại một cửa hàng nhôm sắt. Được một thời gian ngắn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Krớ phải tạm nghỉ việc. Từ TP. Hồ Chí Minh trở về, anh đến Trạm Y tế xã để khai báo y tế và khám sức khỏe ban đầu. Nhà nghèo, không có nổi chiếc xe máy, anh phải nhờ người bạn hàng xóm là anh Siu Hyết (SN 2000) chở đến Trạm Y tế xã Hbông vào sáng 18-4-2020. Thế rồi, khi vừa qua khỏi làng Queng Đơng, chiếc xe va chạm với 1 xe máy khác do ông Hoàng Trọng Đạt (SN 1962, trú tại phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) điều khiển ngược chiều. Vụ tai nạn khiến anh Hyết và ông Đạt tử vong, anh Krớ bị thương nặng.

Khi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tình trạng của anh Krớ được xác định là nguy kịch, tiên lượng rất xấu. Kết quả chụp CT sọ não cho thấy, anh bị chấn thương sọ não nặng nên được chuyển đến Khoa Thần kinh-Sọ não để điều trị. Bác sĩ Lê Xuân Thái-quyền Trưởng khoa-cho hay: “Khi bệnh nhân được chuyển đến, chúng tôi đã phân vân giữa 2 phương án: phẫu thuật hoặc dùng thuốc điều trị. Vào thời điểm đó, nếu phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm cho bệnh nhân nên chúng tôi đã buộc phải dùng thuốc với hy vọng ngăn được tình trạng xuất huyết não. Trong cuộc họp giao ban, tôi đã báo cáo Ban Giám đốc về trường hợp này và tiên lượng bệnh nhân có thể tử vong trong ngày 19-4. Ban Giám đốc đã chỉ đạo phải huy động toàn lực cố gắng cứu chữa cho bệnh nhân”.

Anh Rmah Krớ (xã Hbông, huyện Chư Sê) đang dần hồi phục sức khỏe sau khi trở về từ bệnh viện. Ảnh: L.V.N

Anh Rmah Krớ (xã Hbông, huyện Chư Sê) đang dần hồi phục sức khỏe sau khi trở về từ bệnh viện. Ảnh: L.V.N

Bác sĩ Thái cũng chia sẻ, khi nhập viện, bệnh nhân không có người thân cũng như giấy tờ tùy thân, đặc biệt là không có bảo hiểm y tế (BHYT) trong khi phải dùng nhiều loại thuốc nằm ngoài danh mục chi trả của BHYT để điều trị tích cực. Do đó, Khoa Thần kinh-Sọ não đã phải xin ý kiến của lãnh đạo bệnh viện để cho bệnh nhân nợ tiền thuốc cùng các chi phí khác. Cùng với đó, các y tá đã liên hệ với chính quyền địa phương để khẩn trương làm thẻ BHYT cho anh Krớ và thông báo để người nhà đến chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, cán bộ thôn cho hay, anh Krớ ở với ông bà nội từ nhỏ, cả 2 đều già yếu, riêng ông nội anh phải ngồi xe lăn. Cha Krớ đi tù từ khi anh vừa lên 10, mẹ anh là bà Rmah H’Lanh đã lấy chồng khác và mới sinh con được 2 tháng.

Tấm lòng những lương y

Trước tình cảnh ấy, anh Krớ đã vượt qua cơn nguy kịch một cách thần kỳ. Xuất huyết não ngưng hẳn, đưa anh thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu. Điều dưỡng trưởng Trần Thị Loan bày tỏ: “Khi Krớ qua cơn nguy kịch và tỉnh lại, ai cũng vui mừng nhẹ nhõm. Nhưng khổ nỗi bệnh nhân không có người nhà, các điều dưỡng phải thay phiên nhau vệ sinh rồi đi xin cơm, cháo từ thiện cho Krớ ăn. Một số người nhà bệnh nhân thấy thương cũng ủng hộ đồ ăn, thức uống. Chăm sóc Krớ rất vất vả nhưng ai cũng thương cậu ấy. Dù một thân một mình trong lúc hoạn nạn nhưng đã mạnh mẽ vượt qua giai đoạn sinh tử”.

Cũng theo chị Loan, đó là khoảng thời gian đáng nhớ với các y-bác sĩ. Krớ dường như đã trở thành một thành viên trong gia đình ở đây. Mỗi khi ăn gì, họ đều để lại một phần cho Krớ để anh mau chóng hồi phục. Dần dà, anh đã có thể ngồi dậy và nhận thức được mọi thứ xung quanh dù chưa nói được. Hàng ngày, anh luôn hướng ánh mắt về cánh cửa ra vào như mong đợi điều gì.

Căn nhà nhỏ tuềnh toàng mà anh Krớ đang ở cùng ông nội. Ảnh: L.V.N

Căn nhà nhỏ tuềnh toàng mà anh Krớ đang ở cùng ông nội. Ảnh: L.V.N

Sau khoảng nửa tháng, được cán bộ địa phương hỗ trợ tiền xe, bà H’Lanh cùng chồng và con nhỏ lên thăm cậu con trai cả với hành trang vẻn vẹn là... 1 bó củi. Thấy mẹ, anh Krớ bỗng nấc lên một tiếng gọi mẹ rồi nước mắt cứ thế trào ra. Bà H’Lanh cũng chạy tới ôm chầm lấy đứa con trai vào lòng nức nở. Chứng kiến cảnh ngộ ấy, nhiều y-bác sĩ đã không kìm nổi nước mắt. Được gặp mẹ, quá trình bình phục của Krớ càng nhanh. Cũng từ ngày đó, các y-bác sĩ phải xin thêm suất cơm, cháo cho cả gia đình bà H’Lanh vì họ không có tiền.

“Vất vả lắm nhưng cũng vui vì Krớ được gặp mẹ rồi. Chúng tôi cũng hướng dẫn cho bà H’Lanh các bài tập xoa bóp, vật lý trị liệu để giúp cậu ấy phục hồi tay chân. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện. Gia đình không có tiền đóng viện phí nên chúng tôi đã quyên góp mỗi người một ít để trả phần BHYT không chi trả được. Vì họ không có tiền để đi xe về Chư Sê nên bác sĩ còn đích thân dùng xe ô tô riêng chở về tận nhà. Đây có lẽ là một trong những bệnh nhân đặc biệt nhất mà chúng tôi sẽ nhớ mãi”-chị Loan tâm sự.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12380/202006/tinh-nguoi-noi-benh-vien-5684817/